Sử Thi Đẻ Đất Đẻ Nước. * Biên khảo Huỳnh Tâm.

Núi Cột Cờ Mường Bi.

Sử thi "Đẻ đất đẻ nước" Sử thi dân tộc Mường có gần 6.000 câu, dày 2.000 trang.
Sử thi "Đẻ đất, đẻ nước", một tác phẩm văn học giữ vai trò tiêu biểu của dận tộc Mường. Một áng văn sử thi diễn xướng, nghi lại công thức tổ chức tang ma dân tộc Mường.
Đáng chú ý, trong suốt chặng diễn xướng 12 ngày đêm, cuộc mo được chia làm hai hình thức, gọi là: Mo Vải và mo Tiêu. Mo Vải bao gồm những khúc ca miêu tả cảnh huyền ảo ở Mường Ma, Mường Trời. Quá trình diễn xưởng thể hiện những quan hệ cuộc sống của các dạng thần cách ly với Mường Người. Khi mo Vải diễn xướng, người ta tiếp cận với những phác họa thân thiện, hoành tráng, thấu được vẻ tha thiết mối lo toan của người sống với linh hồn người chết. Nội dung phần này ngời lên vẻ đẹp phẩm giá, chất lãng mạn của con người khi họ vượt qua chặng đường của thời kỳ nguyên thuỷ.
Núi Cột Cờ Mường Bi.

Những khúc ca bi tráng đó vẫn lấp lánh ước mơ lý tưởng, quan niệm đạo đức, tầm nhìn thời đại, khát khao cái đẹp bằng những hình thức phong phú, đa dạng. Ở nửa đầu phần mo Vải, đoàn lữ khách trong cõi ảo tưởng đi thăm nhận mặt dòng họ tổ tiên ở mường Ma, phần sau được mo dẫn lộ lên mường Trời với cảnh thiên đường mới lạ.
Mo Tiêu cũng là phần nổi bật chủ đề của sử thi "Đẻ đất đẻ nước". Cũng giống như phần trên, ông mo dẫn dắt linh hồn người chết, và đoàn lữ khách trong ảo tưởng đi thăm hết Mường Ma, Mường Trời và bây giờ trở lại thăm cõi đất Mường Người. Ông mo kể những câu chuyện hình thành vũ trụ, khai thiên, lập địa, lịch sử sinh ra muôn loài, mọi vật là thuỷ tổ gốc gác loài người.
Kết thúc mo Tiêu cũng là lúc cả Mường bản chuẩn bị đưa quan tài người chết ra nghĩa địa. Trong lúc đưa đám còn diễn ra các khúc ca bi ai cuối đứt, cuối lìa, cuối lại... Đây là lời ca thiêng liêng dâng người quá cố, răn dạy người đời ở lại ăn ở tương thân, tương ái. Thực ra, trong tang lễ 12 ngày đêm, nơi diễn xướng áng sử thi thần thoại  "Đẻ đất, đẻ nước", còn có một hình thức mo nữa, đó là mo Tuông. Mo Tuông được cử - hành sau khi đậy kín nắp quan tài người chết và đồ cúng đã bày trên bàn thờ, tức là trước khi diễn ra mo Vải và Mo Tiêu. Ông mo quay mặt về phía bàn thờ đặt nơi đầu thi hài mà đọc những áng mo thiêng liêng thần thánh, vận động kỹ xảo của truyện thần thoại để xây dựng ước lệ vị thần của tâm thức Fonklo Mường. Đó chính là dấu ấn tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nòi giống của người nguyên thuỷ được lưu truyền tái tạo trong áng sử thi. Nội dung của mo Tuông là giúp linh hồn người chết về chốn Mường Ma, nơi cư trú của thế giới huyền bí. Thực chất đây là nẻo về chốn thuỷ tổ cội nguồn sinh ra loài người. Phần mo Tuông kết thúc sau hai, ba ngày diễn xướng.
"Đẻ đất đẻ nước" là sự kết hợp nhuần nhuyễn những liên khúc thần thoại với nhau. Hình thức diễn xướng gắn liền với đời sống văn hoá và tâm linh người xưa. Những giá trị nguyên thuỷ đó vẫn còn tồn tại trong thời đại xã hội Mường bước sang ngưỡng cửa văn minh.
* Biên khảo Huỳnh Tâm.
 Tham khảo:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét