Đến xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, hỏi nhà
ông Vàng Sín Phìn ai cũng biết. Không chỉ có uy tín trong thôn, bản, ông Phìn
còn là nghệ nhân ưu tú của dân tộc Thu Lao vì đã có công sưu tầm nhạc
cụ, dân ca, trường ca của dân tộc mình rồi truyền dạy cho người dân địa
phương.
Đam mê
dân ca từ nhỏ.
Nghệ nhân Vàng Sín
Phìn sinh năm 1962, lớn lên tại Nàn Sán. Niềm say mê dân ca, âm thanh
của các nhạc cụ dân tộc đã ngấm vào máu ông từ nhỏ. Năm lên 10 tuổi,
ông bắt đầu học hỏi, tìm tòi vốn văn hóa truyền thống của dân tộc rồi học hát từ
người cha của mình Vàng Sào Lèng. Ông học đàn từ Vàng Tờ Sín (một nghệ nhân dân
gian trong vùng, bị mù nhưng đàn rất hay). Sau những năm miệt mài học hỏi, tới
năm 18 tuổi, Vàng Sín Phìn đã biết chơi hầu hết các nhạc cụ của dân
tộc mình và thuộc nhiều bài dân ca cổ.
Nghệ nhân Vàng Sín Phìn chia sẻ: Cũng như bao dân tộc khác, văn hóa dân
gian của người Thu Lao được hình thành trong đời sống sinh hoạt, lưu truyền bằng
hình thức truyền khẩu, chứa đựng những tâm tư, tình cảm, nếp sống của người
dân. Nổi bật nhất là những làn điệu dân ca truyền thống mà theo tiếng Thu Lao gọi
là Kháo.
Điệu Kháo của người Thu
Lao xưa kia được hát trong dịp hội hè, thậm chí khi người ta đi làm cũng ngân
nga câu ca quen thuộc. Dân ca Thu Lao mang nặng tâm tình với nhiều bài kháo
làm quen rất hay như, “kháo khíu tẻo soỏng” (bài hát khi có khách đến
làng), bài hát tình yêu với giai điệu ngọt ngào “kháo ní, xá khao ní”
(bài hát đối đáp giao duyên)…
Người Thu Lao coi tiếng hát là lời chào, cái cớ để bắt quen nhau, đã trở thành
một phần của cuộc sống con người nơi đây. Nhắc tới các loại nhạc cụ cùng hòa âm
để tạo nên một bản hòa ca dung dị của người Thu Lao giữa bản làng, phải kể đến
chiếc đàn ẳn tắng (đàn 4 giây), tắng gàn (đàn 3 giây), ẳng dìn (đàn 1 giây) khi
kéo có những âm thanh nỉ non.
Ông Phìn cho biết, có lẽ ông là người may mắn hơn khi còn giữ được hai loại nhạc
cụ của dân tộc Thu Lao là đàn ẳn tắng và đàn tắng gàn để đệm hát cho các bài
dân ca quê mình. Bây giờ kiếm được hai loại nhạc cụ này rất khó, cả huyện Si Ma
Cai cũng chỉ có vài chiếc.
Nặng lòng với dân ca
Tiếng mưa cuối hè rơi nhẹ
ngoài hiên, trong căn nhà nhỏ, ông Phìn lấy ra một chiếc đàn ẳng tắng đánh cho
chúng tôi nghe. Ông đắm mình trong tiếng đàn với giai điệu của bài “kháo khíu tẻo
soỏng” nghĩa là khi có khách đến chơi nhà thể hiện sự vui mừng, mến khách, chứa
đựng tâm tình của người Thu Lao.
Tiếng đàn của người nghệ nhân già thánh thót vang xa qua những nếp nhà sàn lấp
ló bên thửa ruộng bậc thang đang mùa chín rộ. Nghe tiếng đàn của ông, tôi đã phần
nào hiểu tại sao người đàn ông Thu Lao này đã có một tình yêu lớn đến vậy với
những điệu Kháo của dân tộc mình.
Khi hỏi về việc trong xã
còn nhiều người biết đàn, biết hát dân ca không, đôi mắt ông trùng xuống, giọng
nghẹn ngào: “Trước sự phát triển của xã hội, các loại hình âm nhạc, nhạc cụ ngoại
lai đã xâm nhập về bản làng người Thu Lao. Giờ đây những người biết đàn, hát
dân ca Thu Lao chỉ còn khoảng hơn 20 người.
Trẻ em trong bản dần quên đi cách cầm đàn, thổi sáo và những làn điệu dân ca của
dân tộc. Do vậy, tôi chỉ mong muốn có thể tổ chức được nhiều lớp học để truyền
dạy những điệu Kháo Thu Lao cho thế hệ sau”. Đến nay, số người được ông truyền
dạy, giúp đỡ để nắm chắc các bài Kháo Thu Lao lên tới 20 người.
Ông cũng giúp các cán bộ văn hóa của tỉnh, Trung ương sưu tầm và dịch
ra tiếng Kinh trên 130 bài dân ca Thu Lao ở huyện Si Ma Cai và Mường
Khương. Trong đó, nhiều bài tưởng đã bị thất truyền, phải dày công
mới sưu tầm được.
Có lần, ông bỏ việc ruộng nương đi hơn 100km xuống thành phố Lào Cai
cùng các cán bộ của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch ngày đêm miệt
mài dịch lời dân ca tiếng Thu Lao để in thành sách cho mọi người cùng
đọc.
Ông Vàng Sín Phìn được công nhận là người có uy tín trong cộng đồng, đóng góp
tích cực vào các hoạt động tại địa phương. Năm 2009 ông được dân bản tin tưởng
bầu làm Trưởng thôn 2. Gần 8 năm nay, với cương vị của mình, ông luôn vận động
bà con dân tộc trong thôn đoàn kết một lòng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để
truyền lại cho thế hệ sau.
Ông mạnh dạn để xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập đội văn nghệ ở
thôn để giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Đến nay, đội văn nghệ hơn 10
người của thôn có thể biểu diễn ở các lễ hội của xã, huyện và một số bạn trẻ
bây giờ cũng bắt đầu hăng hái học hỏi, tìm tòi để đàn, hát được những giai điệu
của dân tộc Thu Lao.
Với những việc làm thiết thực đó, năm 2013, ông Vàng Sín Phìn được Hội Văn nghệ
dân gian Việt Nam công nhận là nghệ nhân dân gian. Năm 2015 ông được Bộ Văn hóa
- Thể thao và Du lịch công nhận là nghệ nhân ưu tú. Ông Phìn cũng được UBND tỉnh
Lào Cai tặng Bằng khen vì đã có những đóng góp vào việc gìn giữ, bảo tồn nhạc cụ
âm nhạc dân tộc Thu Lao.
* Biên Khảo Huỳnh Tâm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét