Biểu diễn xòe chá của đồng bào Thái Trắng (Ảnh: Ng.Phương)
Người Khơ Mú nghe chim hót véo von, nước chảy róc rách, và
cất lên lời ca theo những giai điệu đó. Cứ thế truyền đời, những bài hát ấy trở
thành điệu dân ca riêng của dân tộc. Xuân này, những câu hát ấy đã ngân nga
theo chân tôi từ núi rừng Tây Bắc về Thủ đô. Bài hát xuất hiện từ bao giờ không
ai rõ, chỉ biết rằng từ bao đời nay người Khơ Mú vẫn truyền cho nhau những lời
ca ngọt ngào, sâu lắng ấy. Cộng đồng dân tộc thiểu số này sinh sống ở núi rừng
Tây Bắc
với đời sống tinh thần phong phú. Cùng làm nên Sắc thái Văn
hóa Sơn La tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam những ngày đầu xuân Đinh
Dậu, các nghệ nhân từ bản Thàn còn mang tới điệu múa truyền thống Vêlr guông với
điệu lắc hông nhịp nhàng, uyển chuyển của các cô gái, nhịp điệu rộn ràng từ nhạc
cụ bằng tre, nứa, trống... Nghệ nhân Hà Văn Châm cho biết, điệu múa thường được
trình diễn trong lễ hội Mah grợ, lễ hội lớn nhất trong năm của người Khơ Mú có
ý nghĩa tổng kết vụ mùa năm cũ, và khai mở vụ mới.
Ngoài câu hát, điệu múa của dân tộc Khơ Mú, bức tranh văn
hóa đa sắc màu của Sơn La còn được đồng bào nhiều dân tộc sinh sống trên địa
bàn tỉnh mang đến Hà Nội. Trong tiếng nhạc trầm bổng, các chàng trai, cô gái nhảy
múa xoay tròn quanh mâm lễ. Ông Vị Văn Phịnh, Đội trưởng đội Xòe chá, bản Áng
1, xã Đông Sang, Mộc Châu, Sơn La giới thiệu: Đây là điệu Xòe chá - một phần rất
hấp dẫn trong lễ hội Hết Chá - sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng nổi bật của đồng
bào Thái trắng ở Sơn La. Ngày xưa, không có thuốc men, trong bản có thầy cúng kết
hợp chữa bệnh bằng tâm linh và thuốc nam, chữa cho nhiều người khỏi bệnh, và nhận
họ làm con nuôi. Tết đến xuân về, các con nuôi đến cảm tạ công ơn chữa bệnh.
Không chỉ vậy, đây cũng là dịp đồng bào Thái vui chơi sau những ngày dài lao động,
là dịp để trai gái tìm hiểu. Hàng năm, lễ hội được tổ chức vào đầu tháng 2 âm lịch,
khi hoa ban, hoa gạo nở khắp núi rừng.
Gần 30 năm gắn bó với các câu hát giao duyên tha thiết của
dân tộc Thái - tộc người đông nhất trong số các dân tộc sinh sống ở Sơn La, nghệ
nhân Lò Thị Ban mong muốn giúp nhiều người hiểu hơn về phong tục Thái, từ đó,
giúp các điệu hát Thái được lưu giữ dài lâu. Cùng suy nghĩ ấy, anh Mùa A Lứ, đến
từ thị trấn Nông trường Mộc Châu mang theo hơi thở của núi rừng Tây Bắc qua điệu
múa khèn. “Tôi rất vui khi tiếng khèn và điệu nhảy có thể thay lời bày tỏ của đồng
bào Mông. Tới nay, cây khèn vẫn là nhạc cụ gắn bó, không thể thiếu trong cuộc sống
của người Mông, cả Mông Đen, Mông Trắng và Mông Hoa”.
Sơn La là vùng văn hóa đa dạng, phong phú và đậm bản sắc.
Ông Trần Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La cho biết:
“Xuân Đinh Dậu này, tỉnh giới thiệu tới cộng đồng các dân tộc và bạn bè quốc tế
tại Thủ đô những nét văn hóa vẫn được lưu giữ rất đậm nét của đồng bào dân tộc
Khơ Mú, Thái, Mông. Ngoài ra còn có trò chơi dân gian các dân tộc và ẩm thực
dân tộc Thái với các món ăn đậm đà hương vị của núi rừng Tây Bắc. Qua đó, giúp
đông đảo nhân dân Thủ đô cảm nhận được sắc thái văn hóa, hương xuân từ núi rừng
Sơn La”.
“Ở Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng, có 12 dân tộc.
Có dân tộc sinh sống hàng nghìn năm, có dân tộc mới đến sau đó, nhưng khi cùng
sinh sống trên địa bàn có chung cảnh quan, địa hình, khí hậu, môi trường, họ có
sự giao lưu, trao đổi, vay mượn các yếu tố văn hóa lẫn nhau. Ví dụ, trong văn
hóa Thái có những yếu tố của văn hóa Mường. Việc giao lưu, vay mượn văn hóa ấy
còn có thể nhận diện qua lễ hội truyền thống, lễ hội của một dân tộc thường có
nhiều dân tộc khác tham dự”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét