Đến lễ hội đình Lục Nà, Bình Liêu, Quảng Ninh xem phụ nữ đánh quay ( Hoàng Thị Lân)

Môn đánh quay nữ trong lễ hội đình Lục Nà thu hút rất đông người đến xem và cổ vũ

- Mùa xuân, ai đó đến với huyện Bình Liêu hãy ghé thăm lễ hội đình Lục Nà ở xã Lục Hồn, một lễ hội mang nhiều nét riêng của người dân vùng cao. Đình Lục Nà là nơi thờ dũng sĩ người dân tộc Tày tên là Hoàng Cần, đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương. Đình đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh và lễ hội đình được phục dựng lại từ năm 2006. Năm 2011, từ nguồn ngân sách của tỉnh, công trình đình Lục Nà đã được đầu tư 8,5 tỷ đồng xây dựng trên diện tích 10.187m2. Từ đó đến nay, nơi đây hàng năm vào mùa xuân đều diễn ra lễ hội đình, cũng là lễ hội lớn nhất của huyện Bình Liêu.
Đến lễ hội đình Lục Nà vào mùa xuân năm nay, ngoài những trò chơi quen thuộc như đẩy gậy, tung còn, kéo co…, người ta thấy có môn đánh quay của phụ nữ, trò chơi lần đầu tiên xuất hiện trong lễ hội. Môn đánh quay (người đồng bằng gọi là đánh gụ) từng một thời là môn chơi độc quyền của giới mày râu. Gụ của trẻ em đồng bằng chỉ nhỏ bằng quả ổi, con quay của bà con dân tộc thiểu số chơi ở lễ hội đình Lục Nà là cả thân cây gỗ nhỏ đường kính khoảng 20cm. Gỗ đẽo quay phải là gỗ cứng, thường là gỗ dẻ, nếu tìm được gỗ gụ thì càng tốt. Con quay được cắt ngang thân cây gỗ, rồi sau đó, người đẽo phải có bàn tay khéo léo để đẽo con quay của mình tròn đều, giúp cho quay xoay tròn được lâu, thậm chí kéo dài đến chục phút.
Luật chơi quay cũng tương tự như luật chơi gụ của trẻ em đồng bằng. Người đánh quay phải dùng lực toàn thân để đánh quay xuống đất, người cùng chơi đánh tiếp theo phải tìm cách chọi trúng vào con quay của đối thủ để khiến nó ngừng quay. Nếu đánh trượt thì phải xét xem con quay của người nào xoay tròn lâu hơn thì người đó sẽ thắng. Trò chơi quay rất phổ biến trong cộng đồng người dân tộc thiểu số các huyện miền Đông của tỉnh ta, nhưng thường là đàn ông chơi. Người chơi quay giỏi thường là người đẽo quay giỏi, họ rất được chị em trong thôn mến mộ vì được coi là người đàn ông khéo léo. Con quay xoay tròn người ta ví như sự xoay vần của cuộc sống và đất trời, nên người đàn ông giữ được con quay quay lâu chứng tỏ là người biết xoay theo thời thế, đảm bảo cuộc sống trong gia đình.
Mấy năm gần đây, môn chơi này lại được nhiều chị em phụ nữ tham gia. Con quay dành cho phái nữ nhỏ hơn của nam, nhưng đội chơi nữ 4 người, đông hơn đội nam 2 người. Hiện nay ở huyện Bình Liêu có 3 đội đánh quay nữ, 1 đội ở thôn Ngàn Vàng Trên (xã Đồng Tâm) và 2 đội ở các thôn Ngàn Pạt và thôn Nậm Tút (xã Lục Hồn). Đây đều là các thôn khó khăn và cách xa trung tâm xã. Chị Trần Thị Hà, thôn Ngàn Pạt cho hay: “Không chỉ riêng ngày lễ hội mà cả ngày thường phụ nữ trong thôn cũng đánh quay. Buổi chiều, khi gặt hái xong, người dân trong thôn hay tụ tập ra bãi đất rộng để đánh quay…”. Chị Trần Thị Làu, thôn Nặm Tút, là người đánh quay trong lễ hội đình Lục Nà cho biết: “Hầu hết phụ nữ trong thôn chúng tôi đều biết chơi. Chị em chúng tôi cũng muốn thể hiện là người khéo léo, không thua kém gì đàn ông trong việc xoay vần để lo cho cuộc sống gia đình”.
Về Bình Liêu, đến lễ hội đình Lục Nà xem phụ nữ đánh quay mới biết, phụ nữ người dân tộc thiểu số hiện nay đã có tư duy tiến bộ hơn nhiều. Họ biết vươn lên để chứng tỏ mình không thua kém đàn ông, trong đó kể cả chuyện vui chơi là đánh quay.

 Hoàng Thị Lân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét