Nét đẹp trong phong tục văn hóa của người Nùng ở Yên Bái ( Triệu Sính Lầy)


Lễ hội xuống đồng của người Nùng (ảnh: Nguồn internet)

 Trong xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay, xu hướng toàn cầu hóa văn hóa đang đe dọa sự tồn tại những nét văn hóa dân tộc độc đáo. Do đó, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc hay những đặc trưng văn hóa dân tộc mang một ý nghĩa quan trọng, góp phần giữ gìn tính đa dạng và sự đa sắc màu  văn hóa của quốc gia. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa mỗi dân tộc là một vấn đề cấp thiết và mang tính chiến lược để phát triển lâu dài cho mỗi địa phương cũng như cho đất nước.

Yên Bái là một tỉnh miền núi Tây Bắc của tổ quốc, với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống như: Kinh, Dao, Tày, Nùng, Cao Lan… đã tạo nên một bức tranh văn hóa nhiều màu sắc cho tỉnh Yên Bái nói riêng và cho đất nước Việt Nam nói chung. Trong số các dân tộc cùng sinh sống thì dân tộc Nùng chiếm số lượng khá đông, tập trung chủ yếu ở hai huyện Lục Yên và Yên Bình. Giống như một số dân tộc khác, đồng bào Nùng sống xen kẽ cùng các dân tộc khác nhưng vẫn giữ gìn được những nét văn hóa truyền thống của mình.
Nói đến những phong tục truyền thống của đồng bào Nùng phải kể đến những phong tục liên quan đến trẻ nhỏ. Họ có tục lệ rất đặc biệt trong quá trình mang thai và chăm sóc trẻ nhỏ. Khi người phụ nữ mang thai họ kiêng không được mang các loại lá cây tươi xanh vào nhà hoặc để dưới gầm sàn đề phòng sẩy thai; kiêng không được sửa nhà, sửa giường chiếu, không được làm gì tác động mạnh đến giường ngủ của người mang bầu cũng là đề phòng bị sảy thai; người có bầu và chồng mình phải kiêng không được giết mổ gia súc, gia cầm (không được sát sinh); người mang bầu kiêng không được đi viếng đám tang hoặc có chuyện buồn để tránh làm ảnh hưởng không tốt và những chuyện không hay xảy ra với thai nhi …
Trong quá trình chăm sóc trẻ nhỏ, đồng bào có tục thờ Dá Va (Mẹ Hoa) hay thờ Bà Mụ của người Kinh. Với người dân tộc Nùng, tục thờ Dá Va đã có từ rất lâu đời, Dá Va chính là đại diện cho người trông nom, cai quản trẻ em trong mỗi gia đình. Bàn thờ Dá Va của người Nùng được lập khi người mẹ mang thai đứa con đầu lòng được 7 tháng, gia đình sẽ làm lễ tạ bà Mẹ Hoa, khi ấy nhà ngoại đứa bé sau này sẽ mang sang một bàn thờ nhỏ chính là bàn thờ Dá Va. Mỗi gia đình chỉ lập bàn thờ Dá Va một lần và thờ suốt đời, những lần sinh con sau chỉ cần cắm thêm một bông hoa bằng giấy lên bàn thờ Dá Va để báo với bà về thành viên mới trong gia đình mình mà thôi. Trên bàn thờ của người Nùng không bao giờ thiếu bàn thờ Dá Va. Khi đứa trẻ còn nhỏ (14 tuổi trở xuống), bất kể đi đâu xa, người nhà đều rút một chân hương từ bát hương thờ Dá Va mang theo, với ngụ ý là bà mẹ Hoa luôn đi theo, che chở và bảo vệ cho đứa bé được bình an.
Người Nùng cũng có tục lệ gửi con nuôi, đó là khi bố mẹ sinh cháu bé ra nhưng cháu bé lại hay ốm đau, chậm lớn… thì họ sẽ tìm một người bố mẹ nuôi cho cháu và nếu gia đình bố mẹ nuôi đồng ý họ sẽ làm lễ gửi con nuôi. Lúc này hai bên gia đình sẽ coi nhau như một. Ngày lễ tết người con sẽ phải đi tết bố mẹ nuôi của mình và có trách nhiệm như với gia đình mình. Họ sẽ làm lễ cởi gửi khi người con chuẩn bị lập gia đình, cũng có những trường hợp họ không làm lễ cởi gửi vì tình cảm hai bên gia đình đã thân thiết và họ muốn duy trì mối quan hệ đó.
Ngoài những nghi lễ về trẻ nhỏ thì nghi lễ trong hôn nhân, người Nùng cũng có nhiều nét độc đáo. Trong quan hệ hôn nhân, người Nùng trọng tình nghĩa, ít có sự thay đổi trong hôn nhân. Từ những năm 1990 trở về trước, nạn tảo hôn ở đây diễn ra khá nhiều và phổ biến, cũng bởi nhận thức của nhân dân còn nhiều hạn chế, việc hôn nhân hầu hết đều là do cha mẹ sắp đặt. Nhưng trong thời đại ngày nay, khi mà nhận thức của người dân, nhất là giới trẻ được nâng cao thì việc hôn nhân đã được để cho đôi trẻ tự do tìm hiểu và quyết định. Việc hôn nhân được xem là việc trọng đại của con người nên bất kể đám cưới nào của người Nùng cũng được tuân thủ đầy đủ theo các trình tự: Buổi gặp gỡ đầu tiên, lễ dạm, lễ ăn hỏi, lễ cưới và lễ lại mặt. Một số nghi lễ quan trọng và gần như không thể thiếu trong nghi lễ hôn nhân của người Nùng như: Việc xem ngày giờ trong hôn nhân phải do thầy Tạo xem và người nhà nhất định phải nghe theo nếu muốn tốt cho cuộc sống đôi trẻ và gia đình nên có những trường hợp đám cưới bị hoãn tới vài năm vì đợi ngày giờ tốt. Việc thách cưới của đồng bào vẫn tồn tại dù đã có nhiều cải tiến, không còn trọng về vật chất, ngoài ra đồng bào có tục giúp nhau khi gia đình có công việc, điều đó thể hiện tinh thần đoàn kết làng xóm. Trong hôn nhân họ giúp nhau gà, gạo, rượu hay tiền tùy theo hoàn cảnh mỗi gia đình, và gia chủ sẽ hoàn trả khi gia đình người kia có công việc.
Nằm trong quy luật sinh - lão - bệnh - tử, con người ai cũng một lần sinh ra, lớn lên và về cõi vĩnh hằng. Đồng bào quan niệm, bên cạnh thế giới của người sống còn tồn tại song song thế giới của người chết, giống cuộc sống của người trần thế. Vì vậy, khi gia đình có người vừa qua đời, dù nhà có của hay nghèo khó, ở bất kể tầng lớp nào, họ luôn luôn chu đáo trong lễ tang người thân với mong mỏi người thân của mình khi sang thế giới bên kia sẽ có cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc. Các nghi thức trong tang lễ của người dân tộc Nùng trải qua rất nhiều bước và được thực hiện nghiêm trang. Trong số những tập tục ấy có những nghi lễ mang  nhiều yếu tố thần bí, chưa được lý giải như nghi lế Hám Thản (sang than), lên đồng…  Trong nghi lễ đám tang đồng bào cũng có những kiêng kỵ rất khắt khe như:  Kể từ sau lễ nhập quan, mọi sinh hoạt trong gia đình có nhiều thay đổi, nhất là trong việc ăn uống như: trong gia đình không được ăn bún, hành lá vì họ cho rằng ăn bún và hành lá là ăn tóc người chết; Không ăn nội tạng của động vật vì như vậy nghĩa là ăn nội tạng của người chết; Không được ăn bầu, bí vì như vậy nghĩa là ăn óc người chết; Không được ăn mộc nhĩ vì ăn mộc nhĩ là ăn tai người chết, không được ăn thịt, không được dùng đũa khi ăn… Vì vậy, trong đám tang người nhà chỉ ăn sắn hoặc ngô luộc và đậu phụ. Việc ăn chay này được thực hiện ngay từ khi trong nhà có người chết, ba ngày sau đám tang người nhà làm lễ “ké chai” (bỏ kiêng) và lúc này con cháu người chết sẽ được ăn một bữa thịt, sau đó lại ăn kiêng đến ngày thứ bảy thì làm lễ “ké chai” lần hai rồi được ăn thịt, những thứ đồ ăn kiêng như trên vẫn tiếp tục kiêng cho đến khi mãn tang. Không những thế, sau khi đưa ma, gia chủ còn phải kiêng kỵ một số thứ như: Gia chủ phải nằm đất có rải chiếu hoặc cót (là một loại chiếu được đan bằng lạt tre hoặc trúc) trong 40 ngày đêm sau khi đưa ma. Đàn ông trong nhà không được cạo râu, cắt tóc khi chưa qua 40 ngày, không được sinh hoạt vợ chồng khi chưa qua 100 ngày, không được đi dự đám vui khi chưa hết tang… Do cuộc sống ngày càng phát triển nên những nghi thức rườm rà cũng dần bị cắt bớt đi cho phù hợp với cuộc sống và chính sách của nhà nước. Tuy vậy, về cơ bản những nghi lễ chính của đồng bào vẫn được giữ gìn và thực hành trong đời sống hàng ngày.

Trang phục truyền thống của các cô gái dân tộc Nùng (ảnh: Nguồn internet)

Bên cạnh đó, đồng bào Nùng cũng có những phong tục thờ cúng vẫn còn ảnh hưởng rất sâu đậm trong cuộc sống như: thờ tổ tiên, thờ tổ sư nghề, thờ thổ công… Những tín ngưỡng thờ cúng này xuất phát từ tâm thức của đồng bào về niềm tin vào thánh thần, các lực lượng siêu nhiên khi mà con người chưa lý giải được các hiện tượng thiên nhiên trong cuộc sống. Tín ngưỡng thờ cúng của đồng bào không hẳn là yếu tố mê tín dị đoan mà đây chỉ là một nét văn hóa tồn tại từ ngàn xưa khi con người ta còn sống dựa và phụ thuộc vào thiên nhiên và suy nghĩ của đồng bào “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Tín ngưỡng thờ cúng hiện nay vẫn ảnh hưởng khá sâu đậm trong đời sống của đồng bào, tạo nên sự khác biệt trong văn hóa của dân tộc Nùng với các dân tộc khác.
Dân tộc Nùng là một dân tộc thiểu số mang nhiều nét văn hóa đặc sắc, hòa cùng với sự phát triển chung của đất nước trong thời kỳ hội nhập, nền văn hóa của đồng bào dân tộc Nùng luôn gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp nhằm góp phần làm phong phú nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 Triệu Sính Lầy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét