Các cụ già vui vẻ trò chuyện trong ngày hội Hảng Pồ.
Trên con đường dẫn vào trung tâm xã
Ea Siên (thị xã Buôn Hồ), những đôi nam thanh nữ tú, những người già, cùng các
cháu nhỏ trong trang phục đặc trưng của dân tộc mình (Tày, Nùng) háo hức, nhộn
nhịp đến phiên chợ đầu xuân (lễ hội Hảng Pồ) để được vui trong chén rượu men lá
đượm tình, những câu hát lượn, hát sli đắm say lòng người.
Dập dìu câu hát lượn, hát sli
Rời quê hương Cao Lộc (Lạng Sơn)
vào mảnh đất Ea Siên lập nghiệp từ năm 1988, những người con đồng bào thiểu số
Nùng, Tày ở vùng cao Việt Bắc luôn mang theo những nét văn hóa đặc trưng của
dân tộc mình khi đến vùng đất mới. Những câu hát lượn, hát sli, màn múa sư tử…
đến những món ăn ẩm thực đặc sắc như: heo quay pha mật, rượu nấu bằng men lá đắm
say những ánh nhìn. Lễ hội Hảng Pồ là hoạt động văn hóa tinh thần to lớn của đồng
bào dân tộc phía Bắc, đây là dịp để mọi người gặp gỡ, giao lưu; cầu cho mưa thuận
gió hòa, mùa màng bội thu; là ngày hội giao duyên, tâm sự đầu xuân, chúc tụng
nhau một năm mới hạnh phúc và may mắn… Cái hay của phiên chợ này là những câu
hát sli, hát lượn mê say lòng người và đã là người Nùng, hầu hết ai cũng biết
hát sli, hát lượn bởi ngoài việc ví, đối … lời hát còn được coi như hát giao
duyên. Nó thể hiện sự ứng đối tài hoa của mỗi người với những lời hát sli, hát
lượn ví von, bóng bẩy, tinh nghịch, xa xôi, ẩn chứa rất nhiều hàm ý.
Một điều đặc biệt của lối hát
sli, hát lượn của dân tộc Tày, Nùng trong ngày hội Hảng Pồ là lời hát đôi khi
không chỉ bao hàm nội dung mượt mà, tế nhị của chuyện tình cảm trai gái mà còn
có cả muôn mặt của đời sống như các hiện tượng tự nhiên, các mốc thời gian cùng
sự kiện nhân vật và lịch sử… đôi khi có cả những lời chào mời sang trọng, lời
thách đố kiêu ngạo, đáng yêu… Họ hát giao duyên ngay từ khi khách đến ngoài
ngõ, rồi những lời tâm sự, chuyện trò đến khi tiễn khách ra về đều bằng những
câu hát làm say mê lòng người. Ngày hội, là dịp để thanh niên nam nữ các làng
khác đến ở lại qua đêm để tìm hiểu, hẹn hò hoặc trổ tài hát sli, hát lượn với
thanh niên nam, nữ trong làng. Đây là một lối hát đối đáp rất kịch tính giữa
bên nam và nên nữ, họ hát từ trời chập choạng tối đến tận sáng hôm sau. Do đó,
hành trang của thanh niên các làng đến tham dự ngày hội không chỉ có tiền bạc,
áo quần, mà quan trọng nhất là kho kiến thức về điệu hát sli, hát lượn. Bởi nếu
đến ngủ tại làng hội, khi thanh niên trong làng đến mời mà không biết hát thì sẽ
bị khinh bỉ, cho là kẻ dốt nát. Cũng từ phiên chợ này, bằng những câu hát mượt
mà, nhiều chàng trai, cô gái Tày, Nùng đã tìm được cho mình “một nửa” còn lại.
Gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống
Xã Ea Siên là một địa phương có
hơn 80% dân số là đồng bào Tày, Nùng. Trong những năm trước, cứ đến ngày 28
tháng giêng âm lịch, mọi người không ai bảo ai, họ lại tụ tập lại trên một vùng
đất gần đồi núi để cùng vui hội đầu xuân. Đó đôi khi chỉ là những lời thăm hỏi,
chuyện trò, động viên, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn của mọi người ở mỗi vùng đất
khác nhau; những trò chơi dân gian như ném còn, múa sư tử… Dẫu chỉ có thế,
nhưng ngày hội đã quá đỗi thân quen với mỗi người, dù đi xa làm ăn, nhưng ai
cũng mong ngóng ngày hội để được trở về gặp nhau.
Khác với những lần trước, xuân
năm nay, lễ hội đầu năm của dân tộc Tày, Nùng ở xã Ea Siên đã được chính quyền
xã tổ chức quy mô, thu hút nhiều người ở các địa phương khác đến tham dự. Chị
Hoàng Thị Dung, vượt đoạn đường dài từ huyện M’Drak đến tham dự ngày hội vui vẻ
nói, mấy năm trước mình đều sang làng này dự hội để gặp gỡ giao lưu với mọi người.
Nhưng năm nay, ngày hội đông vui hơn nhiều. Nói xong, chị lại quay sang để kịp
hát đối đáp với những người bạn lâu ngày gặp mặt. Đến đây, trẻ con được bố mẹ
cho tiền ăn quà vặt; người già được gặp lại bạn cũ để chuyện trò, trao đổi việc
làm ăn; thanh niên được thỏa sức vui chơi, tâm sự, tìm hiểu nhau… Ngày hội cũng
là dịp để cho làng giới thiệu với khách những món ăn đặc sắc của dân tộc mình
là heo quay và rượu men lá. Trong ngày này, mọi người từ già đến trẻ nhỏ đều
vui vẻ, mọi nhà trong làng dù giàu hay nghèo cũng tất bật chuẩn bị mấy ký thịt
heo quay, mấy vò rượu để tiếp khách đến thăm. Theo người dân quan niệm, nếu nhà
nào được nhiều người đến chơi thì trong năm đó gia đình sẽ gặp nhiều may mắn, hạnh
phúc.
Lễ hội Hảng Pồ là một nét
văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Tày, Nùng ở tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn.
Mặc dù vào đây sinh sông đã hơn 20 năm, nhưng năm nào người dân cũng tự tổ chức
lễ hội này để nhớ về quê hương đất tổ. Bây giờ, cuộc sống của mọi người đã bớt
khó khăn, nên việc tổ chức ngày hội này cần được mở rộng để thu hút mọi người đến
tham gia và tìm hiểu truyền thống của dân tộc mình. Có thể nói, trước cuộc sống
ngày càng phát triển hiện nay, thì việc giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn
hóa của dân tộc là việc làm đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Qua đó, làm tăng tinh
thần đoàn kết giữa các dân tộc; đồng thời góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ nhớ
về truyền thống tốt đẹp của ông cha để lại.
Đặng Ngọc Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét