Người Nùng ở Yên Khê (Hoàng Thị Lân)

Hộ anh Nông Văn Xín chuẩn bị vào ở nhà mới tại bản Trung Yên, Yên Khê.

Cơn mưa rừng cuối hạ đổ xuống miền Trà Lân  không ngăn nổi bước chân háo hức của chúng tôi tìm đến với đồng bào dân tộc Nùng sinh sống tại xã Yên Khê (Con Cuông). Trải dài dưới chân núi là những nương chè, nương ngô xanh non, được rào che thẳng thớm, ngăn nắp, trông rất đẹp mắt.
Vậy mà anh chàng bản địa - người dẫn đường cho chúng tôi, vẫn cho rằng những nương rẫy đó vẫn chưa đẹp bằng các nương chè, nương đậu tương của người Nùng .

Nương chè của người Nùng tại bản Trung Hương, Yên Khê.

Hiện nay cơ bản các hộ dân người Nùng đều có đời sống kinh tế ổn định, khấm khá. Trong đó, làm ăn kinh tế tiêu biểu có hộ ông Đặng Văn Thông, chăn nuôi 15 con dê, trâu bò 4 con, trồng 8 sào chè... mỗi năm thu nhập bình quân 120 triệu. Năm 2013, hộ ông Đặng Văn Thông được đi báo cáo kinh tế điển hình huyện và được Chủ tịch UBND huyện Con Cuông tặng giấy khen.

Đan cài bản sắc
Chị Lữ Thị Thìn, cô gái người Thái ở bản Đình về làm dâu người Nùng bản Trung Yên cho biết chị rất mê món đậu phụ truyền thống của người Nùng. Người Nùng ở đâu cũng vậy, có thể lựa chọn trồng bất cứ cây gì để cho hiệu quả kinh tế cao nhưng vẫn không thể thiếu được cây đậu tương. Đó là loài cây cho hạt dùng để làm món đậu phụ. Muốn có đậu phụ ngon, phải tuyển chọn hạt đậu tương thật tốt, đều, xay và ép bằng bí quyết riêng, sau đó nhồi thịt và rán dòn. Đó là một trong những món ăn đặc trưng không thể thiếu của người Nùng trong các ngày lễ, tết. Mâm cỗ của người Nùng có rất nhiều loại bánh: bánh nếp, bánh đúc, bánh khảo. Trong đó đáng chú ý là bánh khảo xi, được làm từ cơm nếp rang thành nổ, nấu đường phên, đổ vào khuôn, vừa ngon vừa để được lâu. Về cơ bản, người Nùng ở Yên Khê hòa chung với các ngày hội cộng đồng địa phương ở Yên Khê.

Người Nùng ở Yên Khê vẫn duy trì được bản sắc ngôn ngữ riêng và sắc phục truyền thống của dân tộc mình. Cháu Nông Chí Mạnh, cháu đích tôn của ông Nông Văn Sáng mới tập nói nhưng được tập cùng lúc 3 thứ tiếng. Trong ngôi nhà ông Nông Văn Sáng, khi bố mẹ, cha con nói chuyện với nhau vẫn nói bằng “cang Nòng” – tiếng Nùng. Còn khi trò chuyện với cô con dâu Lữ Thị Thìn thì họ lại nói bằng tiếng Thái, và tiếp chuyện chúng tôi bằng ngôn ngữ phổ thông. Dù xa quê cũ hàng chục năm, nhưng các gia đình người Nùng vẫn mang theo và gìn giữ trang phục riêng của người Nùng, mặc vào dịp sinh hoạt cộng đồng, ngày lễ hội. Ông Sáng vừa nói vừa đưa cho chúng tôi xem mấy bộ “shif Nòng” - áo Nùng, là loại áo chàm đen. “Shif pú sài” - áo nam, gài khuy ngang ở giữa, quần chàm rộng, ngắn. “Shif mé nhưng” - áo nữ, gài cúc bên trái, quần gần giống nam nhưng dài kín chân. Nữ trẻ thì đội khăn khăn trắng, khi nhiều tuổi thì đội khăn đen.

Đã qua một quá trình dài người Nùng đến với Yên Khê, hộ đến trước thì vài ba chục năm, hộ vào sau cũng đã hơn chục năm, đời sống sinh hoạt của người Nùng, người Thái và người Kinh có sự giao thoa, đan cài bải sắc, tạo nên một vùng quê đa bản sắc. Trong một gia đình, những đứa trẻ sinh ra biết nói cùng lúc tiếng Thái, tiếng Nùng, tiếng phổ thông. Trên những dây phơi, có cả những tà áo, vạt váy người Thái sặc sỡ xen lẫn áo, váy người Nùng đen nhánh... Đó là minh chứng sinh động về “đất lành chim đậu”, cũng là sự khẳng định về việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc miền núi của tỉnh Nghệ An.

Hoàng Thị Lân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét