Người Nùng là một bộ phận dân tộc sống ở
nhiều tỉnh Miền núi phía Bắc. Người Nùng có nhiều phân hệ với các tên gọi như:
Nùng Inh, Nùng Phàn Sình (sống nhiều ở tỉnh Lạng Sơn) và Nùng Chao... Tên gọi
này xuất phát từ những miền đất mà người Nùng di cư đi.
Riêng ở tỉnh Hà Giang, người Nùng cư trú tại
nhiều địa phương trong tỉnh nhưng hai huyện miền núi phía Tây Xín Mần và Hoàng
Su Phì là nơi cư trú đông nhất của người Nùng. Người Nùng sống ở đây thành cộng
đồng, lương thực chủ yếu là gạo nên từ lâu họ đã biết dựa vào các triền dốc,
làm ruộng bậc thang để cấy lúa. Âm ngữ của người Nùng tại đây gần giống với tiếng
dân tộc Tày nhưng hơi nặng hơn. Vì vậy nhiều nơi ở đây còn gọi người Nùng là
người Tày đen.
Người Nùng có nhiều tập tục đáng quý,
trong đó họ có tập tục đề cao phụ nữ. Vai trò của người phụ nữ và sự tôn trọng
họ đã được người Nùng để ý đến từ xa xưa.
Người Nùng không thuộc chế độ mẫu hệ, thế
nhưng trong hôn nhân người phụ nữ được quyền định đoạt nhiều thứ. Trong hôn
nhân, người phụ nữ dân tộc Nùng được bình quyền và tự định đoạt duyên phận
mình. Trước, khi chưa có giao lưu với các nền văn hóa của dân tộc khác, phụ nữ
người Nùng được quyền thách cưới, tài sản tiền bạc mà phụ nữ Nùng thách cũng
không đem sử dụng mà để lại cho cha mẹ mình, tựa như một sự trả ơn với bậc sinh
thành đã nuôi mình khôn lớn.
Sau khi về ở với chồng, quyền chủ động và
quyết định trong hôn nhân của phụ nữ người Nùng vẫn được tôn trọng và đề cao
thông qua hình thức “phạt vạ”. Một người đàn ông Nùng nào đó, nếu “chán” vợ, muốn
ruồng rẫy vợ cũng không hề đơn giản. Nếu anh ta muốn bỏ vợ mình thì phải “nộp vạ”
hay còn gọi là bị xử phạt vì đã “làm mất danh dự” của vợ.
Mọi lễ vật cho “phạt vạ” được người vợ tự
quyết. Nếu người vợ còn yêu chồng, còn muốn ở với người chồng thì người ta sẽ
“tâng” lễ vật lên cao ngất ngưởng, để người chồng không có khả năng trả được nữa
đành phải ở cùng vợ. Nếu người vợ không muốn ở với người chồng nữa thì lễ vật
“phạt vạ” sẽ được người vợ đòi ít đi, anh chồng sẽ có cớ “nhanh chóng rút khỏi
nhà” còn người vợ sẽ có sự giải thoát trong hôn nhân gia đình.
Người đàn ông Nùng phải thực hiện sự phạt
vạ này một cách nghiệt ngã. Nếu anh ta không thực hiện sẽ không thể đi tìm hiểu
và lấy thêm ai nữa. Không cần văn bản giấy tờ, không cần thông báo nhưng đâu
đâu cũng biết, thế mới thấy sức lan tỏa của hình thức “phạt vạ” này.
Cũng như một số dân tộc thiểu số khác, người
Nùng cũng có tập tục làm ma để chia của cho người đã chết, vì người ta cho rằng
người chết sẽ có một cuộc sống mới nơi đất khác và cũng cần phải có tài sản, tư
liệu sản xuất.
Nếu người sống không làm ma được thì phải
nợ. Việc làm ma chia của này với đối tượng là phụ nữ, vợ và con gái càng phải cần
kíp và thực hiện sớm hơn về mặt thời gian.
Cái này đã ăn sâu và trở thành tiềm thức. Ở
Tổ 9, Thị trấn Việt Lâm tôi có quen một ông tên ông Thèn Xuân Lin. Ông đi từ Đản
Ván huyện Hoàng Su Phì xuống Tổ 9 định cư từ hồi chiến tranh biên giới xảy ra.
Trong cộng đồng 54 dân tộc anh em người Việt,
có những tập tục lạc hậu cần loại bỏ nhưng cũng có những tập tục chứa đựng những
nét văn hóa. Trong đó nó chứa đựng những quy chuẩn về một giá trị đạo đức như
“Tập tục trọng vợ” của người Nùng khu vực Cực Bắc Hà Giang mà tôi đã từng biết.
Hoàng Minh Thắng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét