Để phù hợp với điều kiện sinh hoạt và sản
xuất, người Nùng sống quây quần thành từng bản. Nhà ở của người Nùng không những
là nơi tụ họp các sinh hoạt văn hóa của gia đình mà đây còn là một hình ảnh thu
nhỏ của văn hoá tộc người.
Kết cấu ngôi nhà
Ngôi nhà truyền thống tiêu biểu của người
Nùng là ngôi nhà sàn lợp ngói máng. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất trong ngôi nhà của
người Nùng là nhà sàn 4 mái, ngoài 2 mái chính còn 2 mái đầu hồi bao giờ cũng
thấp hơn mái chính. Kết cấu kỹ thuật ở nhà sàn 4 mái của đồng bào Nùng phức tạp
hơn so với nhà sàn 2 mái ở một số địa phương khác. Điều này thể hiện rõ ở kết cấu
vì chái, mái đầu hồi, các vì kèo, cột trong bộ sườn của nó (thường có kết cấu
4,6,7 hàng cột).
Ngôi nhà sàn của người Nùng cửa ra vào mở
ra 2 đầu hồi. Cửa chính thường đặt cầu thang lên xuống, còn cửa phụ là nơi bếp
hay ra sàn. Số lượng các bậc cầu thang bao giờ cũng chỉ có số bậc lẻ:
3,5,7,9... không làm bậc chẵn. Quan niệm cũ cho rằng, cầu thang bậc chẵn chỉ
dùng ở thế giới của người chết. Câu thành ngữ “vùng dú củ pây”(lẻ ở, chẵn đi)
là để diễn đạt quan niệm đó.
Chọn đất và hướng nhà (Dòm tỳ lơn)
Trong tâm thức của người Nùng, ngôi nhà dường
như đã trở thành điều kiện cho sự thành bại của mỗi đời người. Chính vì thế, việc
làm nhà mới đối với người Nùng đã trở thành một trong những sự kiện quan trọng
của cuộc sống. Người Nùng quan niệm, nơi làm nhà phải cao, thoáng, vị trí của
ngôi nhà và hướng nhà không bị che khuất bởi các ngọn núi. Hướng nhà được cư
dân địa phương thời kỳ này lựa chọn chủ yếu là hướng Nam. Cũng giống như một số
quan niệm hiện nay, khi chọn đất và hướng nhà người Nùng có một số kiêng kỵ: Họ
kiêng làm nhà trên nền giếng cũ hay ngõ cụt, những mảnh đất ở nơi gần chùa, miếu,
nơi thờ cúng... ở hướng nào thì nhà của người Nùng cũng đảm bảo những điều kiện
thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống.
Chọn vật liệu (Dòm may day)
Khác với một số tộc người khác, người Nùng không có tập tục giúp
đỡ nhau hay chọn ngày đi lấy vật liệu. Thường thì gia đình tự chuẩn bị vật liệu,
bao giờ đủ thì mới làm nhà. Người ta lên rừng chọn những cây tre, cây gỗ vừa ý.
Cây gỗ, cây tre ấy phải thẳng, đều gióng. Có như vậy mới đảm bảo ý nghĩa khoa học,
sức bền của vật liệu và mỹ quan. Dây buộc thường làm bằng tre, nứa, mây nước, vật
liệu làm mái thường được đồng bào chuẩn bị khi sắp sửa làm nhà vào lúc nông
nhàn.
Chọn tuổi và ngày khởi công (Dòm văn hất
lơn)
Khi chuẩn bị xong nguồn nguyên vật liệu, đồng
bào tiến hành chọn năm làm nhà, chọn ngày khởi công. Người chủ biện một lễ nhỏ
đến nhờ thầy Tào, thầy Mo xem tuổi mình có làm được nhà vào năm đó không, khởi
công giờ nào, ngày nào; dựng nhà và vào nhà mới ngày nào là đẹp nhất. Các thầy
thường dựa vào tuổi của chủ nhà và ngày sấm ra đầu tiên của năm đó. Thông thường
những người ngoài 40 tuổi mới được làm nhà. Khi đã xem được tuổi và các ngày
quan trọng thì gia chủ chuẩn bị làm lễ “khởi móng” (người Kinh gọi là động thổ).
Sau khi khấn xong, người được tuổi làm nhà sẽ cầm cuốc, cuốc 45 nhát cuốc ở bốn
góc từ Đông, Nam, Tây, Bắc và ở giữa để khởi móng.
Lễ phát mộc (Dòm văn long lơn)
Đây là nghi lễ cầu xin Thổ thần và Tổ
tiên, Tổ sư Lỗ Ban phù hộ cho việc làm mộc được an toàn. Do đó, lễ phát mộc được
tiến hành không chỉ có chủ nhà mà còn có sự tham gia của phường thợ. Để tiến
hành Lễ phát mộc chủ nhà sắp mâm cỗ mặn đặt lên bàn thờ thắp hương vái lạy tổ
tiên, thợ cả thắp nén hương xin phép vị tổ sư của mình là Lỗ Ban. Sau khi hành
lễ, người thợ cả dùng dao đẽo mấy nhát vào cây gỗ theo giờ đã chọn phù hợp với
nhà. Chỉ sau khi người thợ cả đặt dao xuống thì công việc làm mộc mới được bắt
đầu việc quan trọng nhất của ngày hôm đó là phải cắt được “Cai may to long lơn”
(cây sào, thước mực).
Cách thức dựng nhà
Việc dựng nhà đối với người Nùng không mấy
khó khăn vì đồng bào có tập quán giúp đỡ nhau khi làm nhà. Khi dựng nhà người
Nùng chú ý nhất thời điểm đặt cột chính và đặt nóc. Những sự kiện này người
Nùng phải chọn ngày dựa theo lời của thầy cúng. Đến giờ quy định, người ta lắp
các vì vào nhau.
Trước khi dựng nhà họ đào sẵn những chiếc
hố để dựng cột. Đến giờ đẹp họ mang hòn đá tảng bỏ vào những chiếc hố đó. Riêng
cột chính chủ nhà phải ôm cột nhà đặt lên tảng đá. Đối với nhà đất cột kê, họ
làm lễ in tảng trước rồi mới dựng trước khi đặt tảng, người ta thường đặt xuống
đó mảnh giấy đỏ, coi như là sự yểm bùa để bảo vệ ngôi nhà khỏi tà ma. Sau khi dựng
xong, người ta bắt đầu lợp nhà, lợp hai mái phụ trước rồi đến hai mái chính.
Lễ vào nhà mới (Kin liên hoan khẩu lờn
mâu)
Lễ vào nhà mới là một trong những nghi thức
không thể thiếu được khi làm xong ngôi nhà. Trước hết, người ta tiến hành một số
công việc như là làm ống hương đặt ở các nơi thờ cúng. Ngoài ra, còn phải ấn định
nơi đặt bếp nấu nướng, kiếm củi sẵn để đó. Bàn thờ được đóng mới hoặc nếu dùng
bàn thờ cũ phải lau chùi sạch sẽ, kể cả các đồ thờ. Thời điểm đặt bàn thờ phải
được thầy cúng xem kỹ. Đây là một hình thức tín ngưỡng truyền thống, phù hợp với
điều kiện kinh tế, điều kiện sinh hoạt và đời sống văn hoá tinh thần của đồng
bào, nó có ý nghĩa tác dụng giáo dục sâu sắc.
Những tín ngưỡng khác liên quan đến ngôi
nhà
Người Nùng cho rằng, ngôi nhà có chủ thì
phải có nơi thờ cúng với mục đích phù hộ sức khoẻ cho gia đình, xua đuổi tà ma,
đặc biệt là canh giữ cửa không cho các hồn vía xấu vào nhà. Do đó, ngoài bàn thờ
Tổ tiên và ông Táo họ còn có ống hương ở trước cửa để thờ thần canh cửa.
Trong nhà có người mất thì đồ vật cũng phải
đeo tang. Nếu người chết ở ngoài đường thì không được phép đưa vào trong nhà mà
phải để ngoài ngõ. Họ quan niệm rằng, khi đưa những người chết đường vào nhà
gia đình sẽ gặp điều xấu, bị ma tà hãm hại.
Các gia đình trong làng xóm có người sinh
thì bà con không ai đến chơi vì sợ mang vía xấu đến nhà làm ảnh hưởng đến sức
khoẻ và tính tình của đứa bé. Nếu ai không biết đến nhà có người đang ở cữ thì
sẽ được chủ nhà mời chén rượu để giải đen.
Nhà ở phản ánh trình độ phát triển kinh tế
xã hội của mỗi dân tộc, đồng thời phản ánh chiều hướng phát triển kinh tế của họ
gắn với ứng xử với môi trường thiên nhiên, đặc biệt là phương thức sinh hoạt./.
Minh Thắng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét