Lễ cúng nương cổ truyền của người Xá Phó
Người Xá Phó ở Việt Nam hiện nay có khoảng 7.000 người cư
trú tập trung chủ yếu ở tỉnh Lào Cai và Yên Bái, tên tự gọi là “Lão Va Sơ” hoặc
Bồ Khô Pạ, Phù Lá Lão… Người Xá Phó là một dân tộc thiểu số còn lưu giữ được
nhiều vốn văn hoá dân gian truyền thống, đặc biệt trong nghi lễ nông nghiệp như
tết cơm mới, lễ đuổi ma quét làng, lễ lấy nước cầu may, lễ mừng thầy cúng, lễ
cúng nương. Trong đó lễ cúng nương là một nghi lễ nông nghiệp đặc sắc của người
Xá Phó.
Lễ cúng nương, tiếng Xá Phó gọi là “Sê mi su to ba”, “sê”
có nghĩa là lúa, cây lúa; “mi su” có nghĩa là chia đất; “to ba” có nghĩa là mâm
cúng. Ghép lại có nghĩa là mâm cúng chia đất cho nương lúa, gọi cách khác là lễ
cúng nương. Lễ cúng nương được tổ chức ở từng gia đình nhưng trong phạm vi cả cộng
đồng nhằm mục đích cầu cho mùa màng tươi tốt, bội thu… mang lại cuộc sống ấm no
hạnh phúc.
Vào tháng 5 âm lịch hàng năm người Xá Phó chuẩn bị cho vụ
mùa làm nương mới cầu mong cho năm đó mùa màng tốt tươi, bội thu. Để chuẩn bị tốt
lễ cúng, gia đình tìm chọn ngày tốt, sắm sửa lễ vật và giống thóc tốt nhất,
trang phục mới, các vật dụng có liên quan và đặc biệt phải nhờ anh chị em trong
làng về giúp. Bà chủ đi mời mọi người đến giúp tra lúa thì phải lựa chọn đủ đôi
có nam có nữ. Người đi giúp phải là người có gia đình trong sạch tức là gia
đình không có tang.
Buổi sáng sớm hôm đi tra lúa, bà chủ chuẩn bị lúa giống
và các thứ khác, sau đó nấu cơm cho tất cả mọi người. Những người đến giúp, nam
giới mang gậy chọc lỗ, nữ giới mang ống hoặc giỏ đựng. Số người đi hôm đó phải
là số chẵn, cứ từng cặp vợ chồng, nam - nữ thành một đôi, đem theo địu và cây
húng lúa. Sở dĩ phải đủ cặp vì quan niệm của tộc người Xá Phó số chẵn - có đôi
là biểu tượng của sự viên mãn, sự sinh sôi phát triển…
Ngay từ sáng sớm các thành viên đến giúp cùng vợ chồng chủ
nhà chuẩn bị lễ vật cho vào gùi đi đến nương, theo thứ tự hai vợ chồng chủ nhà
đi trước những cặp khác theo sau. Bà chủ nương có nhiệm vụ đeo địu thóc giống,
người chồng mang đồ lễ và làm nhiệm vụ phát quang đường.
Khi tới nương vợ chồng chủ nương để gùi vào trong lán chuẩn
bị làm mâm cúng. Ông chủ nương lấy dao chặt một cây nứa hoặc cây vầu trẻ làm 8
nan để cắm ở đầu nương dùng làm chỗ đặt mâm cúng. Chủ nương còn cắt một tầu lá
chuối và lấy cả hoa chuối rừng (loại vỏ vàng) với quan niệm của tộc người hoa
chuối vàng tượng trưng cho hạt thóc giống, hạt lúa vàng, mùa màng bội thu. Nơi
bày mâm cúng, chủ nhà lấy tầu lá chuối dải quay cậng về hướng đông - là hướng của
sự sống và sự phát triển. Rồi lấy cum lúa vàng đặt ở giữa tầu, lấy vòng bạc cổ
đeo vào cum lúa, con gà làm lễ cúng được chủ nương đeo cho vòng cổ bạc với ý
nghĩa làm đẹp. Quan niệm lúa có hồn, đeo vòng bạc để giữ hồn lúa ở lại nương
sang năm cho mùa màng tốt tươi, lúa chắc hạt, bông to vàng như hoa chuối. Chiếc
vòng bạc và việc đeo vòng bạc vào cổ gà có ý nghĩa bảo vệ con gà dâng cho ma
nương, ma rừng, ma trời cho gà ngon, đẹp. Tất cả các thứ lễ vật đều được chủ
nương bày xếp trong tầu lá để dâng cúng ma nương. Ngay trong cách sắp lễ đã thấy
được ước nguyện của tộc người cầu mong cho mùa màng tươi tốt. Nghi lễ cúng
nương là một nghi lễ đặc biệt được cả cộng đồng coi trọng, là tín ngưỡng nông
nghiệp cổ truyền vẫn còn được duy trì cho đến ngày nay.
Người Xá Phó quan niệm ma nương là loại ma trú ngụ ở
nương lúa, nương ngô liên quan đến mùa màng. Do đó, trước ngày tra lúa các chủ
nương phải làm lễ cúng chia lễ vật, chia đất cho ma nương để nhằm mục đích cầu
mong mùa vụ tốt tươi không bị mất mùa. Nếu không cúng cẩn thận sẽ bị ma nương nổi
giận cùng với ma trời, ma rừng chiếm hết đất tốt, làm cho cây lúa bị sâu dịch,
hạt lép.
Mâm lễ sau khi đã bày xong, chủ nương dùng dao chẻ lấy đủ
8 nan cắm 2 nan chéo nhau tạo thành chữ u xuống đất xung quanh tàu lá chuối làm
4 góc, có ý nghĩa trang trí làm đẹp cho mâm lễ. Sau đó, chủ nương (thường là bà
chủ) đọc bài cúng có đại ý như sau: “Chủ nương tôi là…. họ … hôm nay ngày tốt
đi tra lúa nương có đem con gà, rượu, cơm, thóc cum dâng cúng cho ma nương, thần
thổ đất, ma trời mời các vị về nhận cho, ăn no uống đủ xin đừng tranh đất
của tôi. Ăn xong cầu mong sự phù hộ cho gia đình trồng lúa được tươi tốt, không
bị sâu dịch, bệnh lúc thu hoạch bông lúa to như hoa chuối, vàng như cát ở sông
suối ”.
Chủ nương cúng lần hai, quay về trước mâm lễ và đọc bài
cúng có ý nghĩa tương tự như lời cúng ở trên và hứa hẹn với các ma nương nếu
giúp đỡ cho cây trồng phát triển sang năm lại được thờ cúng chu đáo. Cúng xong,
chủ nương cúi người lạy một lạy để cảm ơn các ma. Khi đó, những người được nhờ
giúp tra lúa đang ngồi trong lán bắt đầu lên giọng hỏi thật to: Chủ nương đã
làm lễ xong chưa? Làm xong rồi, xong rồi, chủ nương đáp. Lúc này, đôi vợ chồng
chủ nương mang dụng cụ và thóc giống vào vị trí thật nhanh, chồng húng vợ tra,
húng từ đầu nương xuống dưới, lần lượt những đôi khác cùng vào vị trí người
húng người tra hạt. Theo phong tục người húng lúa phải cầm gậy chọc lỗ phải là
nam giới, còn người bỏ hạt thóc vào lỗ và lấp đất là nữ giới. Từng đôi từng cặp
phối hợp tra lúa nhịp nhàng, khi người nam chọc đầu húng xuống dưới tạo thành một
hố nhỏ thì người nữ tay cầm hạt thóc giống ném trúng vào giữa hố và dùng chân
xoa đất từ trên xuống cho khỏi mưa trôi. Động tác trọc lỗ tra hạt mang biểu tượng
của tính phồn thực, giữa người nam và người nữ có sự phối hợp nhịp nhàng cầu
mong sự sinh sôi phát triển, mùa màng tươi tốt, bội thu. Sở dĩ, đôi vợ chồng chủ
nương phải thực hiện nhanh động tác húng lúa và tra hạt trước nhằm mục đích cầu
cho mùa màng năm đó tươi tốt, cây lúa sinh sôi phát triển, bông chắc và hạt mẩy.
Còn nếu đôi vợ chồng làm bị chậm, tộc người quan niệm năm đó lúa bị kẹ lá, hạt
lép có khi làm không được ăn. Với ý nghĩa đó đôi vợ chồng chủ nương phải húng
tra lúa trước, các đôi khác cũng phải làm thật nhanh theo vợ chồng chủ nương nhằm
mục đích cầu mùa cho nhà chủ.
Sau khi tra xong mảnh nương, chủ nương hô hào mời tất cả
anh chị em tập trung về phía mâm lễ để làm lý ăn cầu may, cầu cho được mùa no đủ.
Mọi người cùng nhau dùng tay bốc cơm tẻ, xôi để ăn, uống rượu… Tuy nhiên, người
được ăn trước là vợ chồng chủ nương và khi ăn không được ăn hết mà phải để lại
một ít phần cho ma nương, ma rừng có như thế ma nương, ma rừng mới phù hộ tốt
cho nương rẫy, cho vụ mùa được bội thu còn nếu ăn hết tộc người quan niệm năm
đó làm nương không được ăn, chim chuột về phá nương, cây lúa không mọc được chỉ
còn mảnh nương trơ chọi.
Nghi lễ cúng nương của người Xá Phó là một nghi lễ nông
nghiệp giàu bản sắc văn hóa, chứa đựng nhiều nét độc đáo, riêng biệt. Nó phản
ánh tín ngưỡng cầu mùa của cư dân nông nghiệp đã gắn chặt với đời sống của người
Xá Phó ở Lào Cai. Lễ cúng nương không chỉ có giá trị về mặt văn hóa dân gian mà
còn chứa đựng nhiều tri thức bản địa về khai thác nương rẫy cần được duy trì và
bảo tồn.
Nông Quang Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét