Dân tộc Nùng ở Việt Nam có nhiều nhánh
như: Nùng Xuồng, Nùng Giang, Nùng An, Nùng Lòi, Nùng Phản Sình, Nùng Chảo,Nùng Inh và Nùng Qui Rin…tuy nhiên cuộc
sống và sinh hoạt của các nhóm dân tộc Nùng không có gì khác biệt, riêng trang
phục có khác nhau đôi chút. Người Nùng ở Việt Nam đứng thứ 7/ 54 dân tộc anh
em.
Đời sống dân tộc Nùng đa dạng, phong phú và giàu bản sắc.Thường dân tộc
Nùng tập trung sinh sống ở vùng núi phía Bắc một số khác ở tỉnh Đăk Lăk do người
dân ở phía Bắc di cư vào. Để dân tộc Nùng giữ gìn được ngôn ngữ, bản sắc văn
hóa truyền thống lâu đời của họ thì Nhà nước cần có một cơ chế chính sách về kinh
tế, bảo tồn nền văn hóa, trong đó có văn hóa tâm linh của dân tộc Nùng.
Dưới đây xin giới thiệu một số nhóm dân tộc
Nùng đặc trưng:Tộc người Nùng xuất hiện cách đây khoảng 300 năm. Theo số liệu
điều tra thì người Nùng hiện có khoảng 1 triệu người sinh sống ở các tỉnh Bắc
Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Đăk Lăk (do dân
các tỉnh biên giới phía Bắc di cư vào những năm 1954 và sau chiến tranh Biên giới
phái Bắc năm 1979). Một số nhóm người Nùng đặc trưng: Hiện có nhóm Nùng Giang,
Nùng Inh, Nùng An và Nùng Phản Sình. Ngôn ngữ người Nùng cùng dòng ngôn ngữ của
người Tày, Thái. Kinh tế: Người Nùng làm nương, rẫy, ruộng khe, ruộng bậc thang
chủ yếu trồng ngô, lúa nương, lúa nước, mạch ba góc, đỗ tương. Cây công nghiệp
có cây Hồi, Lai, Trẩu; do địa hình và khí hậu vùng núi nên người Nùng phát triển
các loại cây ăn quả như: Hồng, Quít, Na. Nghề thủ công: hiện người Nùng vẫn duy
trì nghề dệt thổ cẩm, nhuộm chàm, đan lát các loại: nón lá chít, cót, bồ, lồ
(hình tròn và to bằng cái thúng của người Kinh đan bằng lạt giang) nghề rèn
(dao, búa và cácloại nông cụ thô sơ), nghề làm giấy dó, làm hương, làm miến
dong, đúc ngói âm dương…Nhà ở của người Nùng chủ yếu làm nhà sàn, nhà đất, nhà
tường trình, nhà xây bằng bột đá đúc (to gấp đôi viên gạch) mái lợp gianh, lợp
ngói âm dương, froximang. Các chòm nhà người Nùng đứng trong thung lũng, ven sườn
núi, dọc theo khe nước gọi là bản, mỗi bản trên dưới chụcnóc nhà.
Trang phục của một số nhóm người Nùng: Người
Nùng Inh và Nùng An mặc áo chàm khuy vải tròn chéo từ cổ xuống nách phải, vạt
dàiđến đầu gối, quần chân què, ống rộng, cạp rời, người Nùng Inh và Nùng An đeo
tạp dề vải chàm thắt dây buộc ngang lưng (vì gùn), khi đeo tạp dề đàn bà dắt vạt
áo vào thắt lưng cho gọn. Đàn ông cũng mặc quần áo chàm, áo khuy vải tròn, quần
chân què ống rộng và dài đến cổ chân.Người Nùng Giang mặc áo vải xanh sĩ lâm cổ
áo, tay áo viền vải đen, vạt áo che mông, khuy chéo từ cổ sang nách phải. Người
Nùng Phản Sình mặc áo bà ba vải kẻ ô sặc sỡ. Đầu người Nùng Phản Sình, Nùng
Giang đội khăn len vải kẻ màu; người Nùng Inh, Nùng An đầu đội khăn vải chàm
(phụ nữ Nùng Inh và Nùng An thường nhuộm răng đen).Phong tục tập quán của người
Nùng: Về ẩm thực: Người Nùng thường chế biến các món ăn bằng bột gạo, bột ngô,
điển hình có món khau nhục ( cắt lát miếng khoai lang hoặc khoai tàu cỡ bốn
ngón tay ốp vào miếng thịt lợn nửa nạc nửa mỡ được tẩm ướp đầy đủ gia vị rồi
đem hấp chín) món ăn này thường chế biến trong các đám cưới, đám ma…Người Nùng
có nền văn hóa khá phong phú: trong các đám cưới người Nùng uống rượu bằng thìa
hát sli giang, hà lều…(từng đôi nghiêng tai vào nhau và hát đối thành hai bè
cao, bè trầm) cuộc vui kéo dài thâu đêm.Hôn nhân của người Nùng: cũng giống như
dân tộc Tày, nam nữ tự do tìm hiểu nhưng việc cưới xin phải do cha mẹ quyết định
(xem vía hai người có hợp hay không mới cho cưới). Sau đám cưới cô dâu về nhà
cha mẹ đẻ ở cho đến khi sắp sinh nở mới về nhà chồng. Tang lễ: Người Nùng đón
thầy tào cúng ma tiễn hồn người chết về cõi âm cắt đứt linh hồn người chết với
người còn sống, hàng năm người Nùng không cúng giỗ để tưởng nhớ người đã khuất
như các tộc người khác. Sau khi ông, bà cha, mẹ mất, con trai trưởng trong gia
đình hàng năm sẽ được con cháu tổ chức sinh nhật, họ hàng người thân nhớ ngày
sinh mà tự giác đến chứ gia đình không mời. Người đến dự sinh nhật thường tặng
quà như: tiền mặt, mảnh vải (may quần, áo) và các đồ vật khác. Nhìn chung cuộc
sống của dân tộc Nùng đến nay vẫn còn gặp không ít khó khăn, nhiều nơi cái đói
nghèo vẫn đeo đẳng. Do địa hình rừng núi
hiểm trở lại sinh sống ở vùng cao hẻo lánh, dân tộc Nùng chưa nhận được sự quan
tâm của Nhà nước so với các khác. Sau
chiến tranh Biên giới 1979 rất nhiều bản người Nùng ở Cao Băng, Lạng Sơn,
Yuyeen Quang… đã bỏ quê hương di cư vào Nam sinh sống. Tục lệ tảo hôn vẫn còn xảy
ra một số nơi. Nhiều trẻ em bỏ học do gia đình không có khả năng cung cấp cho
ăn học, có xã tỉ lệ học sinh Nùng tốt nghiệp cấp III chỉ đếm trên đầu ngón tay
(Hà Quảng, Cao Bằng). Thanh niên rủ nhau đi làm cửu vạn vận chuyển hàng từ
Trung Quốc sang Việt Nam và ngược lại hoặc đi bốc vác, phụ hồ (lao động thời vụ).
Phần do thất học dẫn đến thất nghiệp và không có vốn để làm ăn buôn bán, quanh
năm đồng bào Nùng chỉ bám vào mảnh nương, khe ruộng để mưu sinh nên cái nghèo
đói mãi đeo đẳng.
Để góp phần xoá đói giảm nghèo và nâng tầm
văn hoá tri thức cho đồng bào Nùng, Nhà nước cần có chính sách hợp lý, đầu tư
giống cây trồng, vật nuôi, cơ sở hạ tầng, đường, điện… ưu tiên cho các vùng hẻo
lánh trong đó có người Nùng. Có như vậy mới giữ gìn được bản sắc truyền thống của
dân tộc Nùng ở Việt Nam, mới tạo được lòng tin của đồng bào Nùng cũng như đồng
bào dân tộc Thiểu số khác đối với Đảng và Nhà nước ta.
Đoàn Ngọc Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét