Đặc điểm kiến trúc của dân tộc Tày - Nùng ( Lý Thị Ninh)

Vùng núi phía Bắc Việt Nam là khu vực có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Qua hàng trăm năm, cuộc sống của các dân tộc ít biến đổi, kiến trúc nhà ở của họ vẫn giữ được nét văn hóa sơ khai từ xưa đến nay.
Người Nùng thường ở nhà sàn hoặc nhà đất hoặc nhà nửa sàn nửa đất tùy theo điều kiện địa hình, trong đó nhà sàn là kiểu nhà ưa thích của họ. Nhà thường khá to, rộng, có 3 gian, vách thường bằng gỗ và lợp ngói âm dương.

Mái ngói âm dương
Nhà được chia làm hai phần bởi vách ngăn, trừ một lối đi ở gian giữa. Phần trong đặt bếp là nơi sinh hoặt chủ yếu của phụ nữ trong gia đình. Phần ngoài dành cho nam giới và đặt bàn thờ tổ tiên. Phía sau nhà có cầu thang phụ, ở đấy có máng nước dùng để tắm rửa. Phân chia này cũng đều áp dụng với khách nam và nữ.

Nhà của người Tày - Nùng có đặc trưng riêng không giống các cư dân khác trong cùng nhóm ngôn ngữ Tày - Thái. Bộ khung nhà Tày - Nùng cũng được hình thành trên cơ sở các kiểu Vì kèo. Có nhiều kiểu vì vèo khác nhau, nhưng chủ yếu đều bắt nguồn từ kiểu vì kèo - ba cột. Để mở rộng lòng nhà người ta thêm 1 hoặc 2 cột vào 2 bếp, vì kèo 3 cột trở thành vì kèo 5 hoặc 7 cột. Song không có vì kèo nào vượt quá con số 7.

Bộ khung nhà có 2 đặc trưng:
- Ô vì kèo, đứng trên lưng xà, kẹp giữa 2 cột có một trụ ngắn hình "quả bí"(hay quả dưa) đấu đầu vào thân kèo.

- Để liên kết các cột trong một vì kèo hay giữa các vì kèo với nhau, người ta không dùng các đoạn xà ngắn mà dùng một thanh gỗ dài xuyên qua thân các cột.

Mặt bằng sinh hoạt cảu nhà Tày - Nùng cơ bản là giống nhau , mặt sàn chia làm 2 phần: một là dành cho sinh hoạt của nữmột dành cho sinh hoạt của nam. Các phòng ngủ và nơi ngủ cảu mọi thành viên trog nhà đều giáp vách tiền và hậu.

Nói đến nhà Tày - Nùng có lẽ không nên bỏ qua một loại hình nhà khá đặc biệt đó là " nhà phòng thủ". Thường có sự kết hợp giữa nhà đất và nhà sàn ( đúng hơn là nhà tầng). Tường xây bằng gạch hoặc trình bằng đất rất dày ( 40 - 60cm)để chống đạn. Trên tường còn được đục nhiều lỗ châu mai. Có nhà còn có lô cốt chiến đấu. Loại nhà này chỉ có ở Lạng Sơn gần biên giới phía Bắc để phòng chống trộm cướp.

Nhiều đời nay, bà con dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn, sống dọc biên giới Việt-Trung, thường xây dựng nhà giữa lưng chừng núi, với những kiểu nhà mang tính chất phòng thủ. Người dân Xứ Lạng thường gọi là nhà pháo đài..

Nhà pháo đài vừa để ở, vừa có thể trở thành một lô cốt giúp nhân dân tự bảo vệ và đánh trả bọn cướp. Bởi do đặc thù của một tỉnh miền núi, biên giới, bà con các dân tộc Tày, Nùng sống rải rác ở các vùng núi cao, đồi núi, nhiều dân cư thưa thớt. Mỗi một thôn, bản chỉ vài nóc nhà, mỗi nhà cách nhau vài cây số. Chính vì thế để tự bảo vệ mình và bảo vệ biên cương, từ bao đời nay, bà con các dân tộc đã nghĩ ra những kiểu nhà độc đáo.

Nhà pháo đài gồm một nhà chính để ở, các bộ phận khác như bếp, chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm được nối liền với nhà chính bằng một hành lang khép kín toàn bộ. Ðồng bào thường làm nhà theo kiểu trình tường bằng đất hoặc xây bằng gạch mộc, nhưng phổ biến nhất là nhà trình tường. Ðể chuẩn bị làm được nhà, đồng bào phải chuẩn bị trước vài năm. Quá trình làm nhà bắt đầu từ khâu san nền nhà, xây tường bằng cách đóng khuôn với hai tấm gỗ dài hơn hai mét, chiều cao 40 cm, rộng từ 30 đến 35 cm. Khi trình thì đổ đất vào khuôn sau đó từ ba đến bốn người dùng chày gỗ nện thật chặt, rồi dùng những thanh tre vào giữa khuôn để kết nối với các khuôn khác... Nhà dạng này thường làm hai mái, mái lợp bằng ngói âm dương. Thông thường nhà pháo đài được làm thành hai tầng: tầng trên và tầng dưới, chung quanh tường nhà có lỗ châu mai. Kết cấu nhà pháo đài gồm có nhiều gian, ngăn này thông ra ngăn kia, có cửa gỗ kiên cố chia cắt từng ngăn. Nhà pháo đài thường có gác bằng gỗ ván. Nhà ở chính bao giờ cũng có hiên ở đằng trước xây thành một hành lang phòng thủ có cửa sổ và lỗ châu mai. Phía chính cửa gia chủ còn làm một giàn đá tảng rất chắc. Nếu kẻ gian vào lập tức sẽ bị giàn đá đổ ập xuống. Ngoài ra trong nhà còn có nhiều ngăn và mỗi ngăn đều có cửa riêng và có lỗ châu mai phòng khi hành lang bị chiếm, gia chủ có thể rút lui vào các phòng trong để tiếp tục chiến đấu. Ở những nhà pháo đài phòng thủ kiểu này, tường nhà thường dày 30 đến 35 cm. Ðặc điểm của những ngôi nhà này rất ấm về mùa đông và mát về mùa hè.

Lý Thị Ninh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét