Ngày 15/2, tại huyện Trùng Khánh, Cao Bằng đã diễn ra hội
truyền thống dân gian Co Sầu (tên thường gọi của Trùng Khánh xưa) thu hút đông
đảo nhân dân.
Hát Then tại hội dân
gian truyền thống Co Sầu.
Hội Co Sầu là một trong
những hội mang nét đặc sắc về văn hóa của đồng bào các dân tộc tại huyện Trùng
Khánh, tỉnh Cao Bằng. Lễ hội phố Co Sầu có lịch sử từ xa xưa, thường được tổ chức
vào ngày 15/2 âm lịch hàng năm. Là nơi hội tụ văn hóa tâm linh cùng những giá
trị lịch sử, góp phần tạo nên giá trị đặc sắc riêng về văn hóa của huyện Trùng
Khánh.
Tương truyền rằng Co Sầu
xưa (Trùng Khánh nay) là một vùng đất tập trung đông người, nền kinh tế phát
triển “Co Sầu Thượng Lang, đa hào phong phú”, văn hóa đa dạng. Đây cũng là nơi
hội tụ các vùng miền qua lại trao đổi hàng hóa, hơi hẹn hò của tình yêu lứa
đôi.
Do chợ phiên thường họp
5 ngày một lần nên nhiều người ở xa phải đi chợ để buôn bán, hẹn hò từ chiều
hôm trước. Từ đó, nhiều người rủ nhau góp tiền mua thực phẩm để “hắt co kin sầu”
(nghĩa là góp cỗ ăn cơm chiều).
Đêm trước chợ phiên, để
cho việc mua bán được đắt hàng, thuận lợi, mọi người cùng nhau ngồi lại để hát
sli, hát lượn, đối đáp và dần dần tạo thành thói quen tiền lệ khi đến chợ. Sau
này, dần dần phố xá phát triển, nơi đây đã trở thành khu phố Co Sầu, nằm giữa
Trung tâm huyện Trùng Khánh sầm uất.
Hội Co Sầu diễn ra với
nhiều hoạt động đặc sắc, đề cao tinh thần uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Để chuẩn bị cho lễ hội,
ngay từ sáng 14/2 (âm lịch), các gia đình tại Thị trấn Trùng Khánh và vùng lân
cận đã nô nức chuẩn bị sắm sửa đồ, lễ vật để cúng dân và đón tiếp khách thập
phương về dự lễ, hội. Mỗi gia đình đều đặt trước cửa nhà một chiếc ghế đẩu
vuông và mâm lễ gồm gà thiến, rượu, một ống đựng thóc, ngô để thắp hương.
Trong ngày chính thức diễn
ra lễ hội, các cụ ông, cụ bà và đông đảo nhân dân đã tập trung lại, xếp hàng đi
theo đoàn kiệu rước một cách trang nghiêm, cung kính.
Lễ rước được bà con chuẩn
bị bao gồm một con lợn quay, mâm xôi, mâm hoa quả, mâm bánh khảo. Kèm theo đó
là tiếng nhạc, trống của các thầy tào, tiếc sắc sô của bà bụt. Chủ nhang thắp
hương đến lễ tại đền thờ Thần Nông, đền Đức Thánh Trần và đền Quan Thánh.
Nam thanh nữ tú tại huyện
Trùng Khánh, Cao Bằng tham gia lễ hội dân gian độc đáo.
Người được chọn làm chủ
tế là người cao tuổi, có uy tín trong vùng. Đặc biệt, để được chọn làm chủ lễ,
phải có gia đình hòa thuận, con cháu hiếu thảo, làm ăn giỏi giang...
Chủ lễ sẽ cầu mong cho
phố chợ bình yên, cầu mong cho mọi người mạnh khỏe, hạnh phúc, mong mưa thuận
gió hòa, mùa màng bội thu, già mạnh khỏe, trẻ dẻo dai, của đồng làm ra của nhà
làm nên.
Ngoài ra, đi cùng đoàn
còn có đội múa lân, múa rồng diễu hành qua khu phố. Khi đoàn đi qua đều được
các gia đình đón chào nồng nhiệt và trao cho bao lì xì đỏ để thể hiện sự may mắn,
bình an cả năm.
Ảnh: Page Phong cảnh
và con người Cao Bằng
Hội Co Sầu còn là dịp để
du khách giao lưu văn hóa, ẩm thực của vùng đất biên cương, nơi có ngọn thác Bản
Giốc hùng vĩ.
Trong khuôn khổ hội Co Sầu,
còn diễn ra các hoạt động đặc sắc như múa rồng và tranh đầu pháo, biểu diễn võ
thuật dân tộc ở sân ao Phia Phủ, hát giao duyên, hát dân ca tày nùng như lượn,
hát then, tung còn…
Phố "Co Sầu" ở
Trung tâm Thị trấn Trùng Khánh, nằm dưới chân ngọn núi Phia Phủ (núi võ), tại
đây có rất nhiều hang động, tương truyền là nơi luyện võ của thanh niên, trai
tráng huyện Trùng Khánh.
Giặc "Cờ Vàng" do Ngô Côn,
Hoàng Sùng Anh, Diệp Tài cầm đầu bất ngờ nổi lên cướp phá ở vùng Cao Bằng, Lạng
Sơn, Tuyên Quang... Năm 1868, Ngô Côn cho quân đánh chiếm thành Cao Bằng, trong
đó có khu vực Trùng Khánh.
Lễ rước độc đáo tại hội
truyền thống Co Sầu.
Các võ sĩ Phia Phủ anh
dũng chống lại giặc cướp "cờ vàng" trả lại thanh bình cho phố chợ và
vùng thượng lang. Để ca ngợi công lao của các anh hùng hảo hán một thời, nhân
dân đã lập nên miếu thờ thần núi Phia Phủ có tên gọi Miếu Phú Sơn. Trên thành
miếu có khắc chữ: "Quan sơn vệ dân" ca ngợi các anh hùng hảo hán ngày
xưa.
Vào một đêm nọ, có một quả
cầu lửa to bay qua phố "Co Sầu", rơi xuống trước cửa miếu Phú Sơn
đúng vào dịp các võ sĩ đi dẹp giặc cướp chiến thắng trở về, dân chúng cho rằng
miếu linh thiêng nên mọi người góp công, góp của và nâng cấp miếu Phú Sơn thành
đền Phú Sơn. Sau đó, đưa quan Vân Trường, Bách Linh, Phật bà Quan Âm vào thờ từ
đó. Nhân dân Thị trấn một số vẫn gọi là đền Phú Sơn, một số gọi là Đền Quan
Thánh cho đến ngày nay.
Xuân Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét