Giao thông khó khăn, sống cách xa đường bộ, người dân hai
bên sông Đà từ khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình ngược lên huyện Mộc Châu, Phù
Yên, Bắc Yên (Sơn La) rơi vào cảnh ngăn sông cách chợ. Tuy nhiên, đoàn thuyền
chợ dài ngày đều đặn đi qua những nơi này mỗi tháng 3 lần, tạo nên phiên chợ
duy nhất để người dân nơi đây mua bán những hàng hóa thiết yếu.
Toàn cảnh các thuyền cập bến chợ
phiên Sào Việt, Bắc Yên, Sơn La
Thuyền dừng ở đâu, chợ phiên ở đó
Thuyền chợ và dân ven sông Đà đã trở
thành mối quan hệ cộng sinh mà đôi bên đều trân trọng giá trị của nhau trong
hơn 20 năm qua. Sau khi đập Thủy Điện Hòa Bình hình thành và Tổ máy số 1 hòa
vào lưới điện quốc gia năm 1988, những con thuyền gỗ đã đi ngược sông Đà, neo lại
vùng ven sông để bán hàng, lâu dần những nơi đó thành phiên chợ. Anh Thìn, một
chủ thuyền hàng gắn bó với tuyến sông này 20 năm, cũng từng là cựu công nhân
xây dựng Thủy điện Sông Đà cho biết, lúc ấy, những vùng ven sông Đà chưa có điện
lưới, người dân không có phương tiện đi lại, họ phải đi bộ hàng chục kilômét để
tới mua hàng hóa. Có khi chỉ là gói muối, viên pin hay nhu yếu phẩm khác nhưng
đồng bào dân tộc chỉ trông mong thuyền chợ mang đến. Thuyền chợ dừng ở đâu, ở
đó lâu dần thành phiên chợ.
Tới nay, hầu hết các chủ thuyền chợ đều
là thế hệ thứ hai, tiếp nghề của gia đình. Anh Thìn nhớ lại, hồi đó anh chạy
thuyền gỗ nhỏ, đồng bào dân tộc còn lạ lẫm, đôi khi trai bản còn xuống quậy phá
thuyền hàng. Nhưng lâu dần, người dân thấy ý nghĩa của chợ, chính quyền các xã
tạo điều kiện lập lán, xây chợ ven sông, cử người gác thuyền... "Đến giờ
tính riêng ở Mộc Châu, Phù Yên, Bắc Yên - Sơn La có 11 chợ phiên", anh Cường,
một chủ thuyền chợ cho biết.
Đi thuyền nhiều năm, nhà thuyền phát hiện
những nơi giao thông khó khăn rồi đề nghị chính quyền bản, xã nơi đó lập chợ,
chọn một ngày làm phiên giao dịch, và dù thời tiết có khắc nghiệt đến đâu, bất
kể mưa - nắng thì thuyền chợ không bao giờ bỏ bến.
Tại chợ Mường Khoa, Bắc Yên, Sơn La
trong chuyến chợ cuối năm, mưa, bùn lầy ngập chân, người dân không thể xuống
núi mua hàng, phiên chợ vẫn được duy trì. Mặc cho kẻ mua lác đác, người bán vẫn
ngồi trọn một phiên chợ giữa trời mưa.
Không bỏ chợ, đó là nguyên tắc bất di bất
dịch, một phần là vì cam kết với chính quyền xã, nhưng“thực sự mình bỏ chợ thì
thấy mắc lỗi với dân bản”, anh Thìn nói. Anh Thìn kể có lần một cụ bà người
Mông tới trách móc nhà thuyền vì đã bỏ một phiên chợ. Do không biết chữ, để
tính ngày, tháng, mỗi ngày sau phiên chợ bà bỏ một hạt ngô vào lọ, đủ 10 hạt
ngô là có phiên chợ. Lần đó bà xuống đến nơi không thấy chợ họp, anh Thìn sau
đó giải thích cho bà là có những tháng có 31 ngày, bà phải thả 11 hạt ngô thì mới
tới phiên. "Đấy, mỗi lần đi chợ là người dân phải lặn lội tới đây, vì thế
mình không thể bỏ được", anh Thìn nói.
Dù mưa, lầy lội, thuyền không bao giờ bỏ chợ
(Cảnh dọn hàng tại chợ Đá Đỏ, Phù Yên, Sơn La)
Nguyên Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét