Các Lễ hội xuân nổi tiếng ở tỉnh Thái Nguyên (Hoàng Thị Lân)

Lễ hội là không gian văn hóa mà ở đó mỗi con người được bình đẳng để thể hiện lòng thành và ước vọng những điều tốt đẹp cho mai sau. Trong không khí Tết đến xuân về rộn ràng khắp nơi, chúng ta cùng đến với một số lễ hội xuân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

1. Lễ hội Đền Đuổm, huyện Phú Lương
Lễ hội đền Đuổm diễn ra vào ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch tại xã huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Lễ hội tưởng nhớ công lao của Phò mã Dương Tự Minh, người có công đánh giặc Tống dưới thời Lý. Với các hoạt động như dâng hương, cúng cỗ to, hát thờ thần, hát giao duyên nam nữ; lễ hội đền Đuổm là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Thái Nguyên, thu hút đông đảo du khách thập phương về tham dự.
Tại lễ hội có phần lễ dâng hương tưởng nhớ người anh hùng dân tộc, cầu Thánh Đuổm Dương Tự Minh ban phúc cho một năm mới mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hoà, người người ấm no, hạnh phúc. Phần hội là các màn diễn tích được lưu truyền qua nhiều đời nay như: Thánh Đuổm trị tà thần, chiếc áo tàng hình, sự tích giếng Dội... Ngoài ra, trong lễ hội còn có các trò chơi mang đậm bản sắc văn hoá dân gian: ném còn, đánh đu, kéo co, cờ người... Trong khuôn khổ lễ hội, huyện Phú Lương còn tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao giữa các xã trong vùng, tạo ra một không gian văn hoá vui tươi, lành mạnh trong những ngày đầu xuân mới.

2. Lễ hội Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ


Chùa Hang có tên chữ “Kim Sơn Tự”, còn được gọi là “Tiên Lữ Phật Động”, tọa lạc trong lòng ba ngọn núi đá lớn Huyền Vũ, Thanh Long và Bạch Hổ. Tương truyền "Chùa Hang - Kim Sơn Tự" có từ thời nhà Lý (thế kỷ XI), là nơi tu hành của nhiều bậc chân tu. Chùa Hang nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút nhiều tín đồ phật tử và khách tham quan trong và ngoài nước. Với những giá trị lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, ngày 26/2/1999, Chùa Hang được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia.
Lễ hội Chùa Hang được tổ chức hàng năm vào cuối tháng giêng Âm lịch, gồm 02 phần: lễ và hội với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhân dân an lạc, đời sống yên lành, hạnh phúc. Phần lễ gồm: dâng hương lễ Phật trong chùa và đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ của huyện. Phần hội thu hút đông đảo người tham gia với các trò chơi dân gian quen thuộc, mang đậm bản sắc dân tộc như: ném còn, đi cầu kiều, bắt trạch trong chum, bắn nỏ, chọi gà, kéo co...

3. Lễ hội Lồng Tồng, huyện Định Hóa


Lễ hội Lồng Tồng (Hội xuống đồng) là lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc của người Tày ở huyện Định Hóa. Lễ hội được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm nhằm cầu cho mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no.
Trong quá trình đoàn kết giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em hiện nay, Lễ hội Lồng Tồng không còn riêng là Lễ hội của người Tày mà đã trở thành Lễ hội chung, biểu trưng của tỉnh đoàn kết giữa các dân tộc anh em trong và ngoài huyện Định Hóa. Tham dự Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa, quý khách sẽ gặp lại ở đây những nghi lễ truyền thống có từ lâu đời của các dân tộc như: Lễ cầu mùa của dân tộc Tày, Dân tộc Sán Chay, lễ cầu phúc của dân tộc Dao, lễ xuống đồng, các trò hội dân gian như hội tung còn, hội múa lân, bịt mắt bắt dê, đi cầu thăng bằng… Du khách cũng sẽ được thưởng thức những điệu hát then, điệu hát ví mượt mà của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Định Hóa và đặc biệt là được thưởng thức hương vị đậm đà của trà Định Hóa. Đến với lễ hội còn là dịp để du khách về với những giá trị lịch sử của khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Thái Nguyên.

4. Lễ hội Núi Văn - Núi Võ, huyện Đại Từ


Lễ hội Núi Văn-Núi Võ được tổ chức ngày mùng 4 Tết Âm lịch tại đền thờ Lưu Nhân Chú ở xã Văn Yên, huyện Đại Từ. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ công đức vị tướng tài ba Lưu Nhân Chú, người con của xã Văn Yên, huyện Đại Từ. Ông là một trong 18 người cùng với Lê Lợi lập ra Hội thề Lũng Nhai (năm 1416) và là một trong những vị công thần khai quốc của triều đại hậu Lê vào cuối thế kỷ thứ 15.
Tưởng nhớ công lao, ân đức Đại tư mã Lưu Nhân Chú, hằng năm cứ vào ngày mùng 4 Tết Âm lịch, quê hương Núi Văn, Núi Võ lại mở hội, khai lễ thể hiện sự tri ân của thế hệ sau với tiền nhân. Trong ngày khai hội, dòng họ Lưu của Tướng quân Lưu Nhân Chú sẽ rước lễ và đoàn nghi lễ trình bày bản tế Tướng quân. Ngoài phần lễ, Lễ hội Núi Văn-Núi Võ còn có phần hội với nhiều hoạt động phong phú như văn nghệ, chơi bóng chuyền, cờ tướng và các trò chơi dân gian... Hiện quần thể di tích Núi Văn-Núi Võ đã được xếp hạng Di tích Quốc gia và đã được đầu tư để xây dựng các công trình như Đền thờ Tướng quân Lưu Nhân Chú, nhà tưởng niệm, khuôn viên cây xanh, trạm nghỉ cho khách thập phương...

5. Lễ hội đình – đền – chùa Cầu Muối, huyện Phú Bình


Cụm di tích đình - đền - chùa Cầu Muối nằm trên địa bàn xóm Cầu Muối, xã Tân Thành, huyện Phú Bình được xây dựng từ năm 1719 vào thời hậu Lê, đời vua Lê Dụ Tông. Cụm di tích gồm: đình Cầu Muối thờ Cao Sơn Quý Minh Đại Vương (tức Phò mã Dương Tự Minh), người đã có công giúp vua Lý chống giặc Tống; chùa Cầu Muối thờ Phật; đền Thượng thờ mẫu Thượng Ngàn và đền Công Đồng thờ Mẫu Liễu Hạnh. Năm 2005, cụm di tích được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Hằng năm, vào ngày mùng 4 tháng Giêng Âm lịch, nhân dân trong vùng lại tưng bừng tổ chức Lễ khai hội đầu xuân để tưởng nhớ công lao của các anh hùng đã có công đáng đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc; đồng thời cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Tại lễ hội, sau nghi lễ rước kiệu, dâng hương là các hoạt động vui tươi, sôi động với các màn hát múa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc cùng các trò chơi như kéo co, đẩy gậy... thu hút đông đảo du khách thập phương.

 Hoang Thị Lân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét