Người La Chí ở Hà Giang có khoảng trên 8 nghìn người, cư trú tập
trung ở các xã Bản Phùng, Bản Díu và Bản Máy của các huyện Xín Mần, Hoàng Su
Phì... Người La Chí có nhiều tên gọi khác nhau như: Thổ đen, Mán, Xá... nhưng
phổ biến nhất là La Chí, còn Cù Tê là tên gọi của dân tộc.
Theo người La Chí: Cù là chỉ người, còn
Tê là tên dân tộc, ở mỗi địa phương, người La Chí còn còn gọi tộc mình bằng từ
địa phương như Y Pí là người La Chí ở Bản Phùng, Ỳ Mía ở Bản Máy... Người La
Chí gọi người Kinh là Kon Ti, người Tày là U ké, người Nùng là Ka rế, người
Mông là Mì Phư, người Dao là Nhà Nhí...
Dân tộc La chí không có nhiều loại nhạc
cụ phong phú như những dân tộc anh em láng giềng. Do quá trình cộng cư lâu dài,
ngày nay dân tộc La Chí cũng sử dụng đàn (tính tẩu ba dây) của người Tày – Nùng
để chơi trong những dịp lễ tết và hội hè. Ngoài ra những chàng trai dân tộc La
Chí còn biết sử dụng đàn lá. Người con trai La Chí dùng một chiếc lá mỏng ngậm
vào môi rồi thổi thành tiếng để hẹn hò với những cô gái trong bản. Đàn lá được
coi như là công cụ để những chàng trai bày tỏ tình cảm với người con gái mình
yêu. Trống tiếng La Chí gọi là thằng khuy, chiêng gọi là nhe poong. Đây là bộ
nhạc cụ cổ truyền chỉ dùng trong các nghi thức lễ tết như tế cầu mùa tháng 7 và
trong những nghi lễ tang ma.
Trống của người La Chí được làm bằng da bò, có đường kính
khoảng 50 đến 60 cm, xung quanh được chèn nêm đối xứng, được chằng bằng những sợi
dây da bò. Chiêng được làm bằng đồng nguyên chất, có đường kính khoảng 35 – 40
cm. Trong những ngày lễ tết, các dòng họ trong bản thay phiên nhau mang chiêng,
trống về nhà mình để làm lễ cúng, còn những ngày thường chiêng, trống được cất
trong ngôi nhà khu ca tê của bản. Trong tang lễ người ta thường đánh chiêng và
trống theo hai giai thoại vây và dồn. Khi quan tài mang đi chôn, chiêng trống
đi trước đánh theo điệu vây để cho linh hồn người quá cố yên nghỉ, còn khi những
người trong gia đình nộp lễ vật, hay khi ăn uống thì người ta lại phải đánh
chiêng trống theo điệu dồn để đánh thức linh hồn người chết dậy nhận lễ vật và
ăn uống cùng con cháu. Trên đường đưa linh cữu đến nơi yên nghỉ cuối cùng,
chiêng, trống phải được đánh liên tục không ngừng nghỉ để tiễn biệt linh hồn về
với thế giới của họ. Chiêng, trống của người La Chí không chỉ là những nhạc cụ
thông thường mà nó còn là những nhạc cụ nghi lễ gắn liền với đời sống tín ngưỡng
tâm linh của cả cộng đồng của Hà Giang vốn văn học dân gian
của người La Chí rất phong phú, đồng bào có những truyền cổ tích, thần thoại lý
giải về nguồn gốc người, nguồn gốc dân tộc, những chuyện về nguồn gốc mặt trời,
mặt trăng, cây lúa, củ gừng đến sự tích các ngày lễ tết hội hè... những người
già thường kể cho con cháu nghe, những câu chuyện kể dân gian có thể được kể
bên bếp lửa vào những buổi chiều, rồi ngay trong khi lao động những lời ca tiếng
hát lại được cất lên. Các hình thức diễn xướng dân gian, trình độ nghệ thuật
còn thô sơ, sự phối hợp giữa lời nói, điệu nhạc và động tác còn khá đơn giản.
Do nảy sinh từ cuộc sống cho nên dẫu có đơn giản đến đâu đi chăng nữa thì những
hiện tượng văn hóa dân gian ấy vẫn là những chính thể nguyên hợp của nó. Như
nhiều dân tộc khác, điệu ru của đồng bào La Chí chính là lời của ông bà, lời của
cha mẹ, lời của anh chị dành cho cháu, cho con, cho em. Hát ru của đồng bào La
Chí có cấu trúc giai điệu nhạc đơn giản, mang đậm chất ngâm ngợi. Thanh niên La
Chí rất thích truyện của dân tộc mình.
Có thể nói, mặc dù dân số không đông, nhưng người La Chí ở Hà Giang luôn cùng kề vai sát cánh với các dân tộc khác trong lao động xây dựng và bảo vệ quê hương. Trong sự phát triển của mình, người La Chí giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, một số phong tục tập quán tốt đẹp tiếp tục được phát huy, một số hủ tục đang dần được uốn nắn để nhanh chóng hòa đồng với các dân tộc khác trong vùng,để thích ứng với sự phát triển chung của đất nước hiện nay...
Nông Trọng Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét