Phong tục, tập quán dân tộc Tày ở Việt Bắc (Sơn Anh)

Cuốn sách Phong tục, tập quán người Tày ở Việt Bắc cung cấp cho bạn đọc khá nhiều kiến thức bổ ích. Cuốn sách viết, người Tày ở Việt Bắc sống trong cộng đồng quần cư xen kẽ với các dân tộc Kinh, Dao, Mông, Cao Lan… Người Tày ở Việt Bắc xưa có hai nguồn gốc chính: Người Tày địa phương và người Tày lưu quan.

Người Tày địa phương còn gọi là Thổ dân ở đây từ lâu đời với dân số khá đông. Người Tày lưu quan, nghĩa là quan ở lại. Từ thế kỷ 16, vua nhà Lê cử các quan người Kinh miền xuôi lên làm quan ở miền núi, định cư lâu ở Việt Bắc, các vị quan lấy vợ người Tày địa phương, nói tiếng Tày, ảnh hưởng văn hóa người Tày. Con cái họ sinh ra mang họ mẹ và nhiều thế hệ đã bị “Tày hóa”. Văn hóa người Tày đa dạng, phong phú thể hiện ở tất cả các lĩnh vực của cuộc sống như tục đặt tên làng bản, tập quán làm nhà, tục mừng nhà mới, tập quán về ăn mặc, lễ cưới, phong tục tập quán về sinh đẻ… Tên làng bản của người Tày không quá văn hoa mà họ thường lấy những cái tên gần gũi nhất từ đồi núi, sông suối, cây cổ thụ để đặt cho tên làng, bản. Người Tày còn có tục lệ lấy tên một người có công đặt tên cho bản để tôn vinh những người nghĩa khí. 
Những điều kiêng kỵ trong đám hiếu cũng được tác giả phản ánh một cách tỷ mỷ. Khi gia đình có cha hoặc mẹ khuất núi thì việc trước tiên là cấm được khóc khi chưa có thầy Tào đến làm lễ khâm liệm, đưa thi hài vào áo quan. Bởi theo họ, nếu khóc than khi chưa được khâm liệm chu đáo sẽ làm linh hồn người đã mất bất an, không yên lòng nơi chín suối. 
Cuốn sách còn khái quát những nét văn hóa độc đáo trong các lễ hội, tục ăn Tết của người Tày như Lễ hội Lồng tông, ném còn, hát lượn đối đáp…
Cuốn sách do tác giả Hoàng Quyết và Tuấn Dũng thực hiện được Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành năm 1994 rất có ý nghĩa với những người làm công tác văn hóa, xã hội.

Sơn Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét