Vùng Tây Bắc gồm các tỉnh Điện Biên, Lai
Châu, Sơn La, Hoà Bình, Lào Cai, Yên Bái và miền núi Thanh Nghệ. Về mặt địa lý,
có thể nói, Tây Bắc là vùng có quá trình kiến tạo khá phức tạp và là vùng núi
cao hiểm trở nhất Việt Nam. Nói một cách chung nhất, đây là “miền đất của những
núi cao và cao nguyên “(Lê Bá Thảo), là một khối liền mạch núi sông kéo dài từ
Vân Nam (Trung Quốc) được cấu tạo theo hướng Tây Bắc-Đông Nam song song với
thung lũng sông Hồng. Từ Đông sang Tây được đánh dấu bởi dãy núi cao Hoàng Liên
Sơn dài 180 km có đỉnh Phan Xi Păng cao nhất Việt Nam. Xen giữa dãy Hoàng Liên
và dải cao nguyên phía Tây là các vùng bồn địa
Vắt dọc Tây Bắc là sông Đà, từng được
Nguyễn Tuân ví như “sống lá khi coi Tây Bắc là chiếc lá, có tiềm năng lớn về
nhiều mặt, góp phần tạo dựng bức tranh Tây Bắc hùng vĩ với nhiều kỳ quan, gắn
liền với lịch sử tụ cư của nhiều tộc người ở khu vực này. Tuy nhiên thiên nhiên
vùng Tây Bắc khá đa dạng với nhiều tiểu vùng với các đặc trưng về địa hình, thổ
nhưỡng, khí hậu, thủy văn… Khí hậu ở vùng này mang tính lục địa rõ hơn vùng
Đông bắc và trong năm xuất hiện những hiện tượng thiên nhiên cực đoan, lạnh có
tuyết, sương mù vào mùa Đông và hiện tượng “phơn” mùa hạ làm nhiệt độ có khi
lên trên 40oC. Biên độ nhiệt độ trong ngày khá lớn. Nhiều nơi có cả 4 mùa trong
ngày như vùng cao nguyên Mộc Châu. Theo các nhà địa lý học, Tây Bắc không chỉ
giàu có về nguồn tài nguyên trên mặt đất như đất đai, rừng và thảm thực vật, động
vật… mà còn giàu có nguồn tài nguyên dưới lòng đất mà trong đó có nhiều tài
nguyên chưa được phát hiện, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng hiểm trở đi lại
khó khăn.
Trên đại thể, Tây Bắc hình thành 3 vùng
cảnh quan rõ rệt . Đó là vùng thung lũng lòng chảo thấp, nơi cư trú của các tộc
người thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường, Thái-Kađai ; vùng giữa hay các sườn núi
là nơi sinh sống của các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer và vùng cao
hay rẻo núi cao là nơi cư trú của các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Mông-Dao, Tạng
Miến. Chính các vùng cảnh quan trên đã hình thành nên những truyền thống của
các tộc người trong quá trình thích ứng với môi trường, sinh tồn và phát triển
có nhiều nét đặc thù về văn hoá ở khu vực này.
Quá trình hình thành tộc người ở Tây Bắc
Việt Nam khá phức tạp và đa dạng. Theo những kết quả nghiên cứu hiện nay, trên
lãnh thổ Tây Bắc đã tìm thấy đấu vết của con người từ thời nguyên thủy trong
các di chỉ hậu kỳ đồ đá cũ . Trong bức tranh về thành phần cư dân hiện nay có
thể phân thành 3 lớp (ngoài người Mường trong nhóm ngôn ngữ Việt Mường): lớp thứ
nhất là các cư dân Môn-Khơme, cư trú trên một khu vực rộng lớn từ bắc Việt Nam
và Lào; lớp thứ 2 là các tộc người thuộc ngữ hệ Thái-Kađai, trong đó nhóm Kađai
có mặt sớm hơn các nhóm Thái (trừ nhóm Táy khao có mối liên hệ với khối cư dân
Tay cổ); lớp thứ 3 là nhóm cư dân Dao-Tạng Miến và trong những thế kỷ gần đây
là người Mông, người Việt.
Trên đại thể về phân bố cư dân và các vùng cảnh quan có
thể thấy ở vùng thung lũng lòng chảo thấp hay vùng bồn địa giữa núi, trước núi
là nơi sinh sống của các cư dân Thái, Mường, Lào, Lự, trong đó người Mường chủ
yếu cư trú ở vùng phía Nam của Tây Bắc. Vùng rẻo giữa hay vùng sườn núi là nơi
cư trú của các tộc người nói ngôn ngữ Môn-Khmer như Khơ Mú, Mảng, Kháng, Xinh
Mun. Vùng rẻo cao là nơi cư trú của các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Mông-Dao,
Tạng Miến.
Mặc
dù xu thế chung về cư trú của các tộc người ở Việt Nam là cư trú cài răng lược
nhưng ở Tây Bắc mức độ phân bố cư dân không đều giữa các vùng cảnh quan , đặc
biệt ở vùng rẻo cao, rẻo giữa. Điều này liên quan đến quá trình tộc người (di
cư từ bên ngoài tới, các cuộc xung đột tộc người liên quan đến nơi cư trú…)cũng
như tập quán mưu sinh của các tộc người quy định. Do những đặc thù về môi trường
cư trú và lịch sử tộc người, mặc dù đều có đặc điểm chung của khu vực miền núi
phía Bắc nhưng mỗi vùng và mỗi tộc người đều có những đặc điểm nhất định. Dưới
đây chúng tôi xin trình bày về các đặc điểm kinh tế-văn hóa-xã hội theo vùng cảnh
quan.
Trước hết là vùng thung lũng. Qua nghiên
cứu về mô hình văn hóa thung lũng chúng tôi tạm gọi đây là văn hóa bản mường.
Mô hình này chỉ có ở khu vực miền núi phía Bắc, chủ yếu ở các tộc người Mường,
Thái, Tày hay Tày-Nùng. Thung lũng được hình thành do các vận động kiến tạo lọt
giữa vùng núi cao với nhiều sông suối. Đây là khu vực thuận lợi nhất cho việc
canh tác lúa nước ở vùng miền núi. Bởi thế đặc trưng của hoạt động kinh tế
thung lũng là ruộng nước với một hệ phức hợp về kỹ thuật, khác với kỹ thuật
canh tác lúa nước ở vùng đồng bằng. Gắn liền với canh tác ruộng nước, hệ thống
thủy lợi vùng thung lũng khá đặc sắc. Người ta hay nói đến hệ thống mương phai,
lái, lin ở người Thái hay đập, mương và hệ thống dẫn nước ở người Mường. Tuy
nhiên hệ canh tác này không chỉ có ruộng mà còn có nương, góp phần đa dạng hóa
hệ canh tác. Bên cạnh đó, cư dân còn tiến hành các hoạt động chăn nuôi, sản xuất
thủ công nghiệp, săn bắt, nuôi và đánh cá, thu nhặt lâm thổ sản… Trong khuôn khổ
địa hình vùng thung lũng, cư dân tập hợp lại thành bản và các bản trong khuôn
khổ vùng thung lũng tập hợp thành mường với một thiết chế chặt chẽ. Trước đây,
trong khu vực Mường chủ yếu thuần một tộc người còn về sau này một bộ phận các
tộc người khác nhập cư nhưng cư dân Thái hoặc Mường vẫn là chủ yếu. Trong tiến
trình phát triển, trên cơ sở khai phá vùng thung lũng của cư dân đã hình thành
nên cánh đồng lớn, các mường lớn, ví như ở người Thái có nhất Thanh, nhì Lò,
tam Tấc, tứ Than; người Mường có nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động. Trong
trường hợp này các mường đồng nghĩa với các cánh đồng, các thung lũng và đương
nhiên liên quan đến vai trò của các thủ lĩnh trong vùng. Chính đặc điểm này đã
tạo nên những đặc trưng trong văn hóa của các tộc người trên các lĩnh vực vật
thể và phi vật thể. Người Mường đã tổng kết về các đặc trưng của văn hóa thung
lũng: trâu đeo mõ, chó leo thang, củ mài, rau sắng, măng đắng, mật ong, cơm đồ
nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới.
Tuy nhiên cùng với ruộng, cư dân vùng thung lũng còn có
các hoạt động trên nương rẫy và khai thác các nguồn lợi từ rừng khá đa dạng và
phong phú và làm phong phú thêm đời sống vật chất cũng như tinh thần.
Đối với cư dân ở vùng rẻo giữa (chủ yếu là cư dân
Môn-Khmer) hoạt động kinh tế chủ yếu là nương rẫy thấp. Trong lịch sử họ đã được
ghi nhận là những cư dân biết làm ruộng nước từ khá sớm nhưng do các đặc điểm lịch
sử họ buộc phải chuyển sang hoạt động kinh tế nương rẫy là chính. Mặc dù các cư
dân này đã có không ít kinh nghiệm trong việc khai thác nương rẫy mà điển hình
là phương thức phát, đốt, chọc lỗ, tra hạt nhưng do năng suất nương rẫy thấp
nên đời sống của họ thường thấp kém, hiện tượng du canh du cư khá phổ biến. Người
Thái đã tổng kết: Thái ăn theo nước, Xá ăn theo lửa chính là phản ảnh đặc điểm
canh tác của 2 nhóm tộc người này
ở vùng rẻo cao, mặc dù điều kiện tự nhiên có không ít khó
khăn trong sản xuất nông nghiệp, nhưng cư dân rẻo cao (Mông Dao, Tạng Miến) đã
sáng tạo nên các hình thức kỹ thuật canh tác rất đa dạng, kết hợp canh tác khô
và cạn. Đồng bào đã tạo nên hệ thống ruộng bậc thang khá kỳ vĩ trong điều kiện
của vùng núi cao.
Trong bức tranh chung về các tộc người vùng Tây Bắc, các
sắc thái văn hóa khá đa dạng. Có thể thấy rõ điều này trên các khía cạnh về nhà
cửa, trang phục, ẩm thực; các biểu hiện về quan hệ gia đình và cộng đồng; các
hình thức tổ chức xã hội…
Tuy
vậy, sự giao thoa văn hóa giữa các tộc người diễn ra khá mạnh mẽ. Có thể thấy
rõ điều này thông qua ngôn ngữ; các hoạt động kinh tế… Không phải ngẫu nhiên mà
ngôn ngữ của một bộ phận cư dân Môn-Khmer đã chịu ảnh hưởng đậm ngôn ngữ Thái.
Điển hình là người Xinh Mun, La Ha…
Khi nói đến văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc có thể thấy
một hệ giá trị trong bức tranh văn hóa vùng và tộc người. Đó là:
Sự gắn bó của đồng bào về quê hương xứ sở, Tổ quốc đã trở
thành truyền thống trong quá trình bảo vệ và dựng xây đất nước. Lao động cần
cù, sáng tạo, tính cộng đồng cao. Đời sống kinh tế-văn hóa-xã hội gắn bó và hòa
đồng với thiên nhiên, các ngành nghề thủ công tinh xảo, phản ánh sáng tạo văn
hóa của mỗi tộc người. Kho tàng tri thức dân gian phong phú được đúc kết qua
nhiều thế hệ liên quan đến các hoạt động sản xuất, làm ăn, bảo vệ môi trường thực
sự là tài sản quý giá trong hành trang của mỗi tộc người, làm nên bản sắc tộc
người. Sự gắn bó của mỗi thành viên trong đời sống gia đình và cộng đồng đã tạo
nên sự cố kết đậm nét trong đời sống. Tính tự hào dân tộc, tính tự trọng cao;
con người trung thực, cầu thị, tin người, mến khách. Văn hóa dân gian phong phú
đa dạng, giàu bản sắc. Văn hóa mang đặc trưng vùng miền rõ nét; sự giao lưu văn
hóa giữa các tộc người diễn ra mạnh mẽ, tăng cường sự hiểu biết gắn bó giữa các
tộc người trong vùng và trong khu vực.
Có thể nêu lên nhiều giá trị văn hóa khác nữa. Điều chúng
tôi muốn khẳng định ở đây là Văn hóa các tộc người vùng Tây Bắc khá phong phú
và đa dạng, giàu bản sắc, gắn liền với quá trình tụ cư lâu đời của cư dân từ nhiều
nguồn và nhiều thời điểm khác nhau. Chính vì vậy trong chiến lược phát triển
vùng cũng như tiểu vùng, điều có ý nghĩa sống còn là giải quyết hài hòa mối
quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, truyền thống và đổi mới tại khu vực này.
Có như vậy mới có thể phát triển bền vững kinh tế xã hội ở vùng đất vốn giàu tiềm
năng và có kho tàng văn hóa phong phú.
Lâm Bá Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét