Không gian văn hóa nhà sàn vùng Tây Bắc (Hoàng Minh Thắng)

Các dân tộc ở vùng Tây Bắc nước ta phổ biến là sống trong kiến trúc nhà sàn. Cấu trúc nhà sàn tuy có đôi nét khác biệt giữa các dân tộc nhưng về đặc điểm cư trú của các làng bản nhà sàn cơ bản lại có nhiều nét tương đồng, đó là họ thường cư trú quần tụ theo từng tộc người, từng họ bên những dải đất bằng gần những con suối, những cánh đồng bằng phẳng, lưng nhà tựa vào thế đất cao.

Sở dĩ, từ xa xưa họ phải ở trong kiến trúc nhà sàn là vì phải chống lại thú dữ và một phần để tránh lũ lụt. Đồng thời, ở đông đúc gần nhau trong một không gian cư trú là để dành đất cho canh tác và tạo nên sức mạnh đề phòng sự cướp phá, thôn tính lẫn nhau giữa các tộc người, dòng họ. ở gần nhau cũng nhằm thắt chặt mối liên hệ huyết thống giữa các thế hệ trong một gia đình, dòng họ.
Không gian nhà sàn tuy không quá cầu kỳ về mặt kiến trúc và nó thể hiện tính thực tế của gia chủ khi sử dụng không gian ở như việc dùng gầm nhà sàn (phần gian bếp) để làm chuồng nuôi gia cầm, chứa củi, làm bếp lò nấu thức ăn cho gia súc và bếp nấu khi nhà có việc lớn. Phần gầm sàn ở những gian giữa là nơi cất nông cụ, treo ngô, cum lúa. Trong lòng nhà sàn, phần xà trên cũng thường có gác để cất lương thực.
Gian bếp thường kéo dài hơn so với phần gian chính nên nhà sàn thường có hình chữ L. Không gian bếp vừa là nơi nấu ăn nhưng cũng là nơi ngủ của con gái phía sau bếp vì nơi đó vừa kín đáo cũng là nơi tiện cho các cô gái thức khuya dậy sớm trong việc bếp núc mà không gây tiếng ồn tới vị trí ngủ của người cao tuổi. Tiếp theo gian bếp, qua một bức chắn là nơi ngủ của vợ chồng trẻ. Sở dĩ, những cặp vợ chồng trẻ được bố trí ở đây là vì nàng dâu cũng là người phải cùng với các chị em lo chuyện bếp núc.


Đồng thời, con nhỏ quấy khóc, đi vệ sinh ban đêm cũng tiện lợi do gần bếp tiện nước nôi và không gây ồn ào tới giấc ngủ của cha mẹ, ông bà. Đồng thời, việc bố trí cho vợ chồng trẻ ở chỗ này cũng là để tránh gần với bàn thờ tổ tiên.
Qua gian vị trí ngủ của vợ chồng trẻ là gian của bố mẹ và tiếp đến gian gốc là vị trí ngủ của ông bà, gian này thường đặt bàn thờ. Đối diện với dãy phòng ngủ là không gian để tiếp khách, múa hát trong những dịp lễ hội cùng các sinh hoạt khác trong gia đình.
Bên cạnh những nét văn hóa trong sử dụng không gian nhà ở thì cư dân nhà sàn còn cả một hệ thống tín ngưỡng liên quan đến nơi ở. Đó là, tục thờ cúng thần linh nơi cư trú, thờ cúng tổ tiên trong nhà, thờ ma nhà, tín ngưỡng phồn thực… nên từ việc thiết kế cầu thang cũng phải làm bậc lên theo số lẻ của quy luật đếm “may, rủi, may”.
Người ở nhà sàn rất kiêng kỵ việc con cháu ngồi ăn cơm quay lưng vào bàn thờ tổ tiên. Kiêng quay lưng ra cửa sổ vì đó là lối đi vào của tổ tiên. Kiêng để bếp lửa bị lụi tắt sẽ mất lộc làm ăn và kiêng dùng dao bập vào cột nhà làm cho ma nhà sợ hãi bỏ đi và gia chủ sẽ dễ gặp rủi ro, làm ăn lụi bại…
Với những phong tục tập quán khá phổ biến và nhiều nét tương đồng như vậy, có thể thấy nhà sàn không chỉ thuần túy là không gian để ăn ở, sinh hoạt của nhiều tộc người mà nó còn chứa đựng cả một không gian văn hóa tinh thần, tín ngưỡng của người dân. Vì vậy, bảo tồn được nhà sàn cũng là bảo vệ được các giá trị văn hóa phi vật thể từ cổ xưa.
Hoàng Minh Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét