Điện Biên là nơi hội tụ sinh sống của 21 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc
có những nét riêng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa… tạo thành bức
tranh đa sắc màu cho nền văn hóa Điện Biên.
1. Dân tộc Thái
Dân tộc Thái cư trú ở vùng Tây Bắc đã hơn chục thế kỷ. Ở Điện
Biên, dân tộc Thái là dân tộc có số dân đông nhất, chiếm 38,4% dân số toàn tỉnh.
Hiện nay dân tộc Thái sinh sống ở hầu hết các huyện, thị trong tỉnh (tập trung ở
huyện Điện Biên và Tuần Giáo). Người Thái còn có các tên gọi khác là Táy, Hàng
Tổng, Pa Thay, Thổ Đà Bắc. Tiếng Thái thuộc hệ ngôn ngữ Tày – Thái.
Phụ nữ Thái có bộ y phục rất độc đáo với chiếc áo cóm bó sát người
đính hàng cúc bướm bằng bạc; chiếc váy dài chấm gót, đầu đội khăn piêu tạo nét
duyên dáng cho người phụ nữ. Người Thái có 2 nhóm là Thái đen và Thái trắng
phân biệt qua trang phục và cách vấn tóc của phụ nữ có chồng. Phụ nữ Thái đen
khi đã lấy chồng phải “tằng cẩu” (búi tóc lên đỉnh đầu) còn với phụ nữ Thái trắng
thì không làm như vậy.
Người Thái được biết đến với những kinh nghiệm trong kỹ thuật tưới
nước, đắp phai, đào mương… Lúa nước là nguồn lương thực chính. Sản phẩm nổi tiếng
là vải thổ cẩm với hoa văn độc đáo, màu sắc rực rỡ, đệm bông lau bền, đẹp. Người
Thái ở nhà sàn, mỗi bản thường có 30 – 80 nóc nhà kề nhau, sinh sống dọc theo
các con suối, nguồn nước.
2. Dân tộc Mông
Là một trong ba dân tộc có dân số lớn trong 21 dân tộc tại Điện
Biên, chiếm 29,6% dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc Mông ở Điện Biên cư trú ở
hầu hết các huyện, tập trung nhiều ở Tủa Chùa, Điện Biên Đông. Người Mông được
chia thành 5 nhóm chính: Mông Đơ, Mông Lềnh, Mông Si, Mông Đu, Mông Sua. Nguồn
sống chính của người Mông là làm nương rẫy, trồng ngô, trồng lúa. Người Mông
thường cư trú ở các vùng núi cao, được biết đến là những người thợ thủ công tài
hoa trong nghề rèn đúc.
Hôn nhân của người Mông theo tập quán tự do kén chọn bạn đời, người
cùng dòng họ không được lấy nhau. Phong tục tập quán cưới ở nhiều nơi còn phức
tạp và tốn kém nhưng hiện nay đã giảm dần. Nền văn nghệ dân gian của người Mông
khá phong phú với những nhạc cụ truyền thống như: khèn, đàn môi, sáo, nhị, trống,
chiêng…
Văn hóa của người Mông rất đa dạng và phong phú, đặc biệt là lễ hội
trong ngày tết: ném pao, múa khèn… Khi những nụ đào, mận chớm nở trên các triền
núi cũng là lúc các chàng trai, cô gái Mông chuẩn bị cho ngày vui xuân của
mình. Người Mông thường ăn tết sớm hơn ngày tết cổ truyền của dân tộc. Những
ngày tết, bà con các làng bản lại tập trung tại những khoảng đất trống, rộng để
vui chơi, múa hát. Nhiều nét văn hóa độc đáo của người Mông vẫn còn được lưu giữ,
làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đồng bào.
3. Dân tộc Kinh
Là một dân tộc có số dân đông thứ 3 trong số 21 dân tộc, chiếm gần
20% dân số toàn tỉnh song người Kinh ở Điện Biên vẫn chỉ được coi là một dân tộc
ít người, cư trú ở tất cả các huyện, thị. Tiếng Kinh thuộc nhóm ngôn ngữ Việt –
Mường. Nghề làm vườn, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt cá đều rất phát triển.
Người Kinh sống ở nhà đất, nhà xây, có tục thờ cúng tổ tiên, con
trai đầu có trách nhiệm thờ phụng ông bà cha mẹ đã khuất. Mỗi thôn, xóm đều có
đình, chùa nhưng vì người Kinh ở Điện Biên không nhiều nên hệ thống đình, chùa,
miếu mạo rất ít. Văn học – nghệ thuật của người Kinh phát triển sớm và đạt
trình độ rất cao về nhiều mặt: văn học truyền miệng, văn học viết, âm nhạc,
điêu khắc, hội họa…
4. Dân tộc Dao
Các huyện Mường Nhé, Tủa Chùa là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào
Dao, với các nhóm: Dao quần trắng, Dao quần chẹt, Dao tiền, Dao thanh y, Dao đỏ,
Mán, Đông, Trại, Xá… Cũng như phần lớn các dân tộc thiểu số khác, người Dao sống
chủ yếu bằng nghề trồng lúa nương và lúa nước. Các nghề thủ công như: dệt vải,
rèn, mộc, làm giấy cũng phát triển phần nào phục vụ nhu cầu cuộc sống của họ.
Người Dao có 3 loại nhà khác nhau: nhà sàn, nhà nửa sàn nửa đất,
nhà đất. Đàn ông Dao để tóc dài búi sau gáy hoặc để chòm tóc trên đỉnh đầu.
Trang phục của phụ nữ Dao phong phú hơn và giữ được nét trang trí hoa văn truyền
thống. Người Dao không có văn tự riêng mà sử dụng chữ Hán đã được Dao hóa gọi
là chữ Nôm Dao.
5. Dân tộc Khơ Mú
Dân tộc Khơ Mú ở Điện Biên cư trú đông nhất ở Điện Biên, Tuần
Giáo, Điện Biên Đông, Mường Chà. Người Khơ Mús sống chủ yếu bằng nghề nương rẫy,
thường dùng dao, rìu, gậy chọc lỗ tra hạt. Người Khơ Mú còn có nghề thủ công từ
rất lâu đời và tương đối phát triển.
6. Dân tộc Hà Nhì
Trước đây, dân tộc Hà Nhì còn có tên gọi là U ní, Xá u ní, sống tản
mạn trên rẻo cao chủ yếu ở huyện Mường Nhé. Họ sống chủ yếu bằng nghề làm
nương, rẫy, có nơi trồng lúa nước, chăn nuôi khá phát triển. Nhà của người Hà
Nhì phần lớn làm bằng đất, mái lợp rạ, nhà làm thấp và nhỏ nên bên trong thường
rất tối. Các bản được làm gần rừng cây để tránh những cơn xoáy lốc thường xảy
ra.
Trang phục của người Hà Nhì khá độc đáo, thoạt nhìn giống bộ quần
áo dài của dân tộc Kinh, 2 tây khấu những vòng vải màu đỏ, vàng xen kẽ, nối tiếp
nhau (36 vòng). Vòng quanh cổ áo có đính các đồng tiền bạc. Khăn đội đầu rực rỡ
sắc màu có những chuỗi hạt cườm rủ xuống, tay đeo nhiều vòng bạc.
7. Dân tộc Giáy
Dân tộc Giáy ở Điện Biên chiếm tỷ lệ nhỏ trong dân số toàn tỉnh.
Người Giáy còn có tên gọi khác là Nhắng, Dẳng, Xạ… Tiếng Giáy thuộc ngôn ngữ
Tày – Thái.
Theo phong tục của người Giáy, ngựời cha có vị thế quan trọng nhất
trong gia đình nên con cái phải lấy họ cha. Phụ nữ Giáy khi mang thai phải
kiêng cữ và cúng cầu mong sinh nở yên lành. Tên, ngày tháng năm sinh của đứa trẻ
khi đầy tháng được thầy cúng ghi vào miếng vải đỏ, sẽ dùng để so tuổi khi tính
chuyện cưới xin sau này và chọn giờ cho đám ma của chính người đó. Người Giáy
có hình thức hát giao duyên rất sôi nổi và hấp dẫn.
8. Dân tộc La Hủ
La Hủ là dân tộc chỉ có ở hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu, tập
trung chủ yếu ở Mường Tè (Lai Châu) và xen kẽ một ít ở Mường Nhé (Điện Biên).
Ngôn ngữ La Hủ thuộc nhóm Tạng – Miến, khá gần gũi với ngôn ngữ Hà Nhì. Người
La Hủ nhanh nhẹn, tháo vát; nam giới rất giỏi đan lát các sản phẩm từ mây, tre.
Dân tộc La Hủ lập bản trên sườn núi, bàn thờ tổ tiên và bếp bao giờ cũng đặt tại
gian có chỗ ngủ của chủ gia đình. Tục ở rể vẫn được duy trì.
9. Dân tộc Lào
Dân tộc Lào tại Điện Biên cư trú đông nhất ở huyện Điện Biên, Điện
Biên Đông. Người Lào sống định cư tại các bản làng đông đúc, tín ngưỡng tôn
giáo chịu ảnh hưởng của đạo Phật. Nghề chủ yếu là làm ruộng nước, các nghề phụ như
dệt, rèn, gốm, làm đồ bạc cũng khá phát triển.
10. Dân tộc Lự
Dân tộc Lự cư trú tập trung ở tỉnh Lai Châu, ở Điện Biên hiện nay
chỉ còn một số sinh sống xen lẫn với các dân tộc khác.
Người Lự có truyền thống làm ruộng từ lâu đời, nhà nào cũng có vườn
cạnh nhà. Họ thích ăn cơm nếp hơn cơm tẻ, thích ăn ớt, uống nước chè và đàn ông
thường hút thuốc lào. Trang phục của người Lự, từ chiếc quần của đàn ông đến
váy, áo, khăn của người phụ nữ thường có hoa văn trang trí sặc sỡ trên nền vải
nhuộm chàm.
11. Dân tộc Hoa
Dân tộc Hoa hay còn gọi là Hán, Xạ Phạng, sinh sống ở Điện Biên, sống
tập trung thành bản làng hoặc đường phố theo dòng họ tại các thị xã, thị trấn,
đông nhất là ở huyện Mường Chà, Tủa Chùa. Người Hoa sinh sống bằng nhiều nghề
nghiệp khác nhau: nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nhân viên chức, buôn
bán nhỏ… Hôn nhân của người Hoa do cha mẹ quyết định, nạn tảo hôn vẫn xảy ra.
Ca kịch là hình thức nghệ thuật được đồng bào người Hoa ưa chuộng, các ngày lễ
tết là dịp tổ chức biểu diễn múa sư tử, múa quyền thuật, chơi đu, vật, đánh cờ…
12. Dân tộc Kháng
Dân tộc Kháng ở Điện Biên cư trú tập trung ở các huyện: Tuần Giáo,
Mường Chà, Mường Nhé. Tiếng Kháng thuộc ngôn ngữ Môn – Khơ Me. Người Kháng làm
rẫy theo lối chọc lỗ, tra hạt. Lúa nếp là lương thực chính. Ngoài ra, người
Kháng còn nổi tiếng với những sản phẩm thủ công đan lát và sản phẩm thuyền độc
mộc kiểu đuôi én được các dân tộc khác ưa thích. Phụ nữ Kháng, từ các em bé đến
các cụ già đều búi tóc, cũng có tục ăn trầu và nhuộm răng đen như một số dân tộc
khác ở Tây Bắc. Trong tục cưới hỏi, người cậu đóng vai trò quan trọng nhất. Vào
những dịp lễ hội hay ngày vui, người Kháng đánh trống, đánh chiêng, nhảy múa
theo kiểu người Thái.
13. Dân tộc Mảng
Người Mảng sinh sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy, phương thức
canh tác còn rất thô sơ, lạc hậu như dùng rìu, dao, gậy. Họ ở nhà sàn nhưng rất
sơ sài, đơn giản. Nam giới mặc áo cánh xẻ ngực, quần; nữ giới mặc váy
dài, áo cánh ngắn xẻ ngực, choàng một tấm vải trắng trang trí hoa văn. Người Mảng
có tiếng nói riêng, phong tục tập quán riêng như tục xăm cằm, lễ thành đinh, tục
đánh nhau giả giữa họ nhà trai và họ nhà gái để giành cô dâu trong lễ cưới.
14. Dân tộc Tày
Dân tộc Tày ở Điện Biên thường sống ở các thị trấn, thị xã xen kẽ
với nhiều dân tộc khác, mỗi bản có 10 – 20 nóc nhà, tập trung chủ yếu ở huyện
Điện Biên, T.P Điện Biên Phủ. Kinh tế nông nghiệp của người Tày khá phát triển
với nhiều loại cây trồng và rau quả. Họ thường mặc áo vải bông nhuộm chàm, áo
phụ nữ dài đến bắp chân, ống tay hẹp, xẻ nách bên phải cài khuy. Dân tộc Tày có
nền văn nghệ cổ truyền phong phú, nổi tiếng với những điệu hát lượn, hát ru con
và cây đàn tính. Thờ cúng tổ tiên là nghi lễ tôn giáo bắt buộc của người Tày.
15. Dân tộc Cống
Dân tộc Cống tập trung đông nhất ở Mường Nhé, ngoài ra còn cư trú
rải rác ở huyện Điện Biên và T.P Điện Biên Phủ… Tiếng Cống thuộc ngôn ngữ Tạng
– Miến. Người Cống sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy, canh tác theo lối phát rừng,
đốt, chọc lỗ tra hạt. Phụ nữ Cống không biết dệt, chỉ trồng bông đổi lấy vải.
Thường ở nhà sàn, mỗi họ của người Cống đều có người trưởng họ, theo phong tục
người cùng dòng họ phải cách 7 đời mới được lấy nhau. Người Cống có cách tính lịch
riêng, một năm có 12 tháng (ứng với 12 con vật), mỗi tháng có 30 ngày.
16. Dân tộc Xinh Mun
Dân tộc Xinh Mun cư trú ở vùng lưng chừng núi thuộc xã Chiềng Sơ
(Điện Biên Đông). Người Xinh Mun trồng lúa nếp và ngô là chính, một số nơi có
ruộng nước. Họ cũng biết khai thác và sử dụng các loại dược liệu thiên nhiên
như: hà thủ ô, đẳng sâm. Người Xinh Mun có tập quán ăn trầu, nhuộm răng đen, uống
rượu cần, thích gia vị cay. Hiện nay, bản của người Xinh Mun khá đông đúc, đồng
bào ở nhà sàn, mái hình mai rùa, có hai thang lên xuống ở hai đầu hồi.
Trong hôn nhân, nhà trai phải đưa tiền cho nhà gái sau lễ cưới đôi
vợ chống phải đổi tên riêng của mình, lấy chung một tên khác docậu, bố mẹ hay
thày cúng đặt cho. Phụ nữ thường sinh nở tại nhà, khi trong nhà có người chết,
người nhà sẽ bắn súng báo tin cho mọi người biết.
17. Dân tộc Lô Lô
Dân tộc Lô Lô chủ yếu sinh sống tập trung ở Phong Thổ (Lai Châu), ở
Điện Biên chỉ còn lại một số ít sinh sống xen kẽ, rải rác ở các địa phương. Dân
tộc Lô Lô còn có tên gọi khác là Mùn di, Di… có hai nhóm: Lô Lô hoa và Lô Lô
đen. Phụ nữ Lô Lô hoa thường mặc áo cổ tròn xẻ ngực, quần chân què, ngoài quần
còn quấn thêm váy lửng. Phụ nữ Lô Lô đen mặc quần chân què, áo cổ vuông chui đầu.
Cách bố trí hoa văn, quần có nét riêng biệt rất sặc sỡ. Hôn nhân của người Lô
Lô theo chế độ một vợ, một chồng với tập quán cư trú tại nhà chồng. Người Lô Lô
có trống đồng, tộc trưởng của mỗi dòng họ là người giữ trống và sử dụng trong
những đám tang.
18. Dân tộc Si La
Dân tộc Si La ở Điện Biên còn rất ít, chỉ còn gần hai trăm người,
cư trú tại huyện Mường Nhé và một ít ở Mường Lay. Do điều kiện giao thông cách
trở, đời sống của đồng bào Si La còn gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 2006, nhờ sự đầu
tư của dự án bảo tồn dân tộc Si La, Nhà nước đã đầu tư xây dựng con đường tới bản
Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, nơi sinh sống tập trung người Si La.
Người Si La sống bằng nghề phát nương làm rẫy. Mặc dù đã biết làm ruộng nước
song săn bắn hái lượm vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào
dân tộc Si La.
Người Si La ở nhà trệt, giữa nhà có bếp lửa. Phụ nữ ăn mặc khá độc
đáo, đặc biệt là mảng áo ngực bằng vải khác màu với áo gắn dày đặc đồng xu bạc,
xu nhôm. Người Si La có phong tục làm lễ cưới 2 lần, lần sau cách lần trước một
năm. Trong trường hợp có người chết, đồng bào tổ chức vui chơi, ca hát, không
có tiếng khóc. Người Si La cũng thực hiện nhiều lễ thức tôn giáo như cúng tổ
tiên, cúng bản.
19. Dân tộc Nùng
Dân tộc Nùng ở Điện Biên sống chủ yếu ở T.P Điện Biên Phủ, huyện
Điện Biên, bao gồm các nhóm: Xuồng, Giang, Nùng An, Nùng Lòi… Tiếng Nùng rất gần
với tiếng Tày, văn tự là chữ Nôm Nùng xuất hiện từ thế kỷ XVII. Người Nùng thờ
tổ tiên là chính ngoài ra còn thờ các vị tiên, thánh thần, Khổng Tử và Quan Âm
bồ tát. Đồng bào Nùng sống thành từng bản trên các sườn đồi, chủ yếu ở nhà sàn,
trang phục có màu chàm. Dân tộc Nùng có một kho tàng văn hóa dân gian phong
phú, nhiều làn điệu dân ca đậm đà bản sắc dân tộc. Người Nùng nổi tiếng với lễ
hội “lồng tồng” (hội xuống đồng) được tổ chức vào tháng giêng hàng năm.
20. Dân tộc Mường
Dân tộc Mường ở Điện Biên cư trú xen kẽ với các dân tộc khác ở T.P
Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay. Người Mường làm ruộng từ lâu đời. Những nghề
thủ công tiêu biểu là dệt vải, đan lát, ươm tơ. Phụ nữ Mường đội khăn màu trắng
hình chữ thập, mặc yếm và áo cánh ngắn, thân có xẻ ngực (có nơi xẻ vai), không
cài cúc, váy khá dài mặc cao đến nách. Tục cưới xin, ma chay của người Mường gần
giống người Kinh. Khi trong nhà có người sinh nở, người Mường rào cầu thang
chính bằng phên nứa. Đồng bào Mường có lễ hội quanh năm, hội xuống mùa, hội cầu
mưa, hội cơm mới…
21. Dân tộc Phù Lá
Dân tộc Phù Lá cư trú ở Phình Sáng, Pú Nhung của huyện Tuần Giáo
và một số ở huyện Điện Biên Đông. Người Phù Lá bao gồm cả nhóm Xá Phó thuộc
nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến. Họ sống thành bản xen kẽ với các dân tộc Mông, Thái,
mỗi bản thường có 5 – 15 nóc nhà. Do dân số quá ít lại phải sống xen kẽ nên văn
hóa truyền thống của dân tộc Phù Lá đang dần bị mai một. Nhiều phong tục tập
quán như cưới xin, ma chay, lễ tết đều làm theo người Thái và người Mông. Người
Phù Lá sống chủ yếu bằng nghề nương rẫy nhưng đến nay vẫn chưa thật định cư vì
vậy cuộc sống còn gặp không ít khó khăn.
Hoàng Thanh Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét