Tang ma là một nghi lễ đặc biệt quan trọng trong đời sống của đồng bào Tày. Không đơn thuần là việc tổ chức tang lễ thông thường, những nghi lễ trong đám tang thể hiện đậm nét những phong tục, tập quán và những quan niệm nhân sinh từ bao đời của người Tày. Đới với đồng bào Tày ở vùng Tây Bắc,
nghi lễ tang ma từ bao đời nay là một nghi lễ đặc biệt quan trọng và gắn liền với những nét văn hóa mang đậm bản sắc. Mỗi khi gia đình người Tày có người qua đời, việc chuẩn bị và tiến hành các nghi lễ của đám tang được tổ chức khá chu đáo. Những nghi lễ trong đám tang như khâm liệm, dựng và trang trí làm nhà táng, mời thầy cúng về cúng ma, gọi vía người chết được các thành viên trong gia đình và những người trong bản làm giúp. Đặc biệt, nghi lễ viếng của anh em dòng họ được tiến hành rất trang trọng, thể hiện sự gắn kết keo sơn của những người trong họ. Từ việc anh em tập trung ở một nhà chuẩn bị lễ viếng là cây hoa, dệt tấm thổ cẩm, làm bánh nếp, gà, cá suối, lợn…cho đến nghi thức vào viếng, đón lễ của con cháu đều thể hiện rõ nét những quan niệm mang bản sắc văn hóa bản địa. Người Tày Tây Bắc quan niệm, khi người còn sống ăn gì, mặc gì và dùng những vật gì thì khi chết đi, lễ viếng cũng gồm những đồ vật vừa giản dị vừa gắn liền với đời sống thường ngày. Những nghi lễ thiêng liêng trong tang ma của đồng bào Tày Tây Bắc vừa thể hiện sự tiếc thương, tri ân của người sống đối với người chết, vừa gắn liền với lời ăn nét nghĩ của đồng bào, mong ước cho sự hồi sinh, sự nảy nở, may mắn trong cuộc sống.
Lý Thị Ninh (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét