Giai điệu của “Trời” (Lý Thị Ninh)

Thầy Cao Xiêm, một thầy then nổi tiếng ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang thực hiện nghi lễ cúng then cho một gia đình người Tày.

Trong đời sống sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc, hát then được ví là điệu hát của “thần tiên”, là giai điệu của “Trời”, nó bắt nguồn từ chính cuộc sống lao động của họ, và gắn liền với họ từ lúc sinh ra cho đến tận lúc lìa đời. Vì thế, người ta có thể tìm thấy trong then những giá trị nhân sinh quan mang tính toàn cầu.

Sống cùng then, chết cũng theo then về Trời
Theo quan niệm của người Tày, Nùng, Thái, then có nghĩa là “Trời”. Hát then trong lễ cúng then là một loại hình diễn xướng âm nhạc tín ngưỡng dân gian, có nội dung thuật lại cuộc hành trình của con người lên thiên giới cầu xin Ngọc Hoàng ban cho những điều may mắn và một cuộc sống tốt lành.

Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, then vừa là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, vừa là một loại hình âm nhạc dân gian. Toàn bộ hệ thống bài bản của then có gần bốn nghìn câu thơ, nội dung của nó phản ánh mọi khía cạnh của cuộc sống, từ chuyện đời sống, bản mường, chim muông, đến chuyện tình yêu, ma chay, cưới hỏi, phu phen, tạp dịch… Lễ cúng then là một màn trình diễn nghệ thuật lôi cuốn, có khả năng đưa con người chìm đắm vào miền siêu thực. Vì thế, khi nghiên cứu sâu các lễ then cổ truyền, người ta có thể thấy rõ nhân sinh quan, thế giới quan và bản sắc văn hóa của đồng bào Tày, Nùng, Thái.



Theo quan niệm của người Tày, Nùng, Thái cúng then là một loại hình diễn xướng âm nhạc tín ngưỡng dân gian có nội dung thuật lại hành trình của con người lên thiên giới cầu điều tốt lành. 

Theo các nhà nghiên cứu, do được bắt nguồn từ cuộc sống lao động, nên then hàm chứa những giá trị văn hoá truyền thống lâu đời mang tính nhân văn sâu sắc của người Tày. Then không chỉ giải quyết vấn đề tín ngưỡng, mà còn hàm chứa cả những lời răn dạy con người; ca ngợi về đạo đức; phản ánh, chê bai thói hư tật xấu; thể hiện tình yêu nam nữ, và cả tình yêu thiên nhiên, đất nước… Do đó, then chính là môn nghệ thuật tổng hợp chứa đựng cả thơ ca, nhạc, múa… nó đánh thức vẻ đẹp tâm hồn, khơi dậy trong con người những giá trị thẩm mỹ, nhân văn cao cả. Với những giá trị văn hóa độc đáo đó, nghi lễ hát then của người Tày tỉnh Tuyên Quang đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Then trong đời sống đương đại
Hiện nay, bên cạnh các loại then nghi lễ với hệ thống các bài then cổ, thì đã xuất hiện một hình thức then mới, được cải biên, làm mới dựa trên âm hưởng then cổ. Những bài then này đã dần thoát ly bối cảnh sinh hoạt tín ngưỡng để trở thành một loại hình dân ca độc lập, một hình thức trình diễn văn nghệ cộng đồng. Đây được coi như là sự tiến bộ, sự khéo léo của cộng đồng người Tày, đồng thời là sự thay đổi tất yếu trong việc phát triển, gìn giữ văn hoá truyền thống của các dân tộc trong giai đoạn hiện nay.


Cả bốn người con gái và các cô cháu gái trong gia đình nghệ nhân Hà Thuấn đều nổi tiếng về hát then.

Các thành viên trong CLB then Tân An học các điệu múa phụ họa cho những bài then theo lời mới.

Buổi sinh hoạt của CLB hát then xã Tân An, Chiêm Hóa.


Đàn tính, một nhạc cụ truyền thống không thể thiếu của nghệ thuật hát then.

Nhờ có sự truyền dạy, quảng bá từ các CLB và trường học nên nghệ thuật hát then đã được bảo tồn và phát triển mạnh mẽ trong đời sống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái. 



Trong dịp Liên hoan, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở khắp các tỉnh thành miền núi phía Bắc đã mang đến những làn điệu và nghi lễ diễn xướng then đặc sắc nhất của dân tộc mình, địa phương mình. Nhờ đó mà người xem đã khám phá được sự độc đáo và đa dạng của nghệ thuật hát then của các vùng. Ví dụ như then của vùng Cao Bằng dìu dặt tha thiết, then xứ Lạng Sơn tươi vui, rộn ràng, then vùng cao Tuyên Quang dồn dập như đoàn quân ra trận, then Hà Giang nhấn nhá, nỉ non, then Bắc Kạn lại rì rầm, thủ thỉ như lời tâm tình kể chuyện…



. Tái hiện nghi lễ hát then tại Liên hoan.

Với những giá trị nhân văn sâu sắc ấy, then dường như đã vượt ra ngoài phạm vi của một làng, một bản để trở thành di sản văn hóa của quốc gia, và xa hơn nữa là của nhân loại. Bởi những giá trị nhân sinh quan cao cả ẩn chứa trong từng làn điệu then chính là cái đích mà loài người đang vươn tới..

Lý Thị Ninh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét