Vào những ngày trời đông lạnh đến tê người, được ngồi sưởi ấm bên
bếp lửa than hồng và thưởng thức vị ngọt ngon béo ngậy của lạp xưởng thì còn gì
tuyệt vời hơn nữa. Đây cũng là một trong những lý do vì sao mà dù có thể dễ
dàng mua được lạp xưởng ở bất kỳ đâu chẳng hạn như siêu thị nhưng người ta vẫn
sẵn sàng lặn lội hàng trăm, hàng ngàn cây số để đến và thưởng thức lạp xưởng
gác bếp của vùng núi rừng Tây Bắc.
Với những người đồng bào Mông, Nùng hay một số vùng dân tộc khác của
núi rừng Tây Bắc, từ lâu, lạp xưởng gác bếp đã trở
thành món ăn truyền thống. Bằng việc treo lạp xưởng lên gác bếp và để cho khói
của than củi hun khô nên nhiều người quen gọi lạp xưởng gác bếp là lạp xưởng
hun khói. Dù với tên gọi nào thì lạp xưởng vẫn là lạp xưởng, vẫn được làm từ ruột
non và thịt lợn. Tuy nhiên, ở mỗi một dân tộc sẽ có những cách chế biến khác
nhau để tạo nên nét đặc trưng riêng của lạp xưởng vùng dân tộc đó.
Không mấy khó khăn để ta có thể làm ra món lạp xưởng gác bếp, tuy
nhiên, cái khó nằm ở chỗ làm thế nào để tạo ra được hương vị thơm ngon đúng chuẩn
lạp xưởng. Lạp xưởng ngon nhất phải được làm
từ phần thịt ngon nhất của con lợn khỏe mạnh nhất. Phần lòng non của con lợn
sau khi mổ sẽ được đem đi làm sạch và rửa với rượu cho hết mùi. Phần thịt ngon
nhất của con lợn sẽ được lựa chọn để đem xay (hoặc băm nhỏ) sau đó đem tẩm ướp
với gia vị đã chuẩn bị sẵn rồi nhồi vào phần lòng non đã làm sạch trước đó. Tùy
vào khẩu vị của từng người ở từng vùng mà người ta sẽ có cách nêm nếm gia vị
khác nhau. Đây cũng là điểm tạo nên sự khác biệt và là bí quyết riêng của mỗi
vùng dân tộc.
Công
đoạn nhồi lạp xưởng đòi hỏi phải có một sự khéo léo nhất định, sao cho lạp xưởng
có đủ độ căng bóng mà không làm rách ruột non. Để lạp xưởng được to đều, người
ta thường nhồi to cỡ 3 ngón tay. Lạp xưởng sau khi đã nhồi xong được đem
phơi dưới 2-3 cái nắng. Công đoạn cuối cùng trong quy trình chế biến món lạp xưởng
gác bếp là buộc chúng lại thành từng đoạn và treo lên gác bếp cùng những loại
thịt khô khác.
Lạp xưởng sau khi được hun khô trên than hồng củi lửa sẽ ngả dần
sang màu cánh gián trông vô cùng bắt mắt. Thông thường, lạp xưởng đem hun khói
từ 1-2 ngày là có thể sử dụng được. Tuy nhiên, tùy vào mỗi vùng khác nhau mà
người ta sẽ hun khô trong thời gian khác nhau. Lạp xưởng hun khói có thể gác
trên bếp than hồng quanh năm mà không hề sợ hỏng. Trong mỗi dịp lễ tết, lạp xưởng
chính là món ăn không thể thiếu của đồng bào dân tộc Tây Bắc.
Nếu có đi qua bếp nhà ai đang treo lạp xưởng thì bạn sẽ không thể
nào cưỡng lại được mùi vị thơm ngon béo ngậy của
món ăn này. Người dân Tây Bắc cứ treo lạp xưởng quanh năm như vậy, đó là cách để
họ bảo quản món ăn này. Trước khi ăn, chỉ cần đem những khúc lạp xưởng đi chiên
qua chảo lửa rồi thái thành những lát nhỏ là có thể sử dụng được. Mùi thơm béo
ngậy hòa quện với mùi khói bếp tạo nên một món ăn vô cùng độc đáo của vùng rừng
núi Tây Bắc. Thêm vào đó là màu sắc bắt mắt khiến người ta vừa thấy đã thèm. Vậy
nên, dù ngày tết có bao nhiêu món ngon đi chăng nữa thì lạp xưởng gáp bếp vẫn
là một món ăn không thể thiếu.
Không chỉ riêng người dân Tây Bắc mà những người dưới xuôi, đặc biệt
là trẻ nhỏ cũng rất thích món lạp xưởng gác bếp này. Đây được xem như một món
ăn vặt nịnh miệng cho những đứa trẻ, đồng thời cũng là món nhắm tuyệt vời cho
cánh mày râu.
Lạp xưởng gác bếp là món ăn thơm ngon đặc
biệt. Nếu đã chán những xúc xích hay lạp xưởng ăn ngay trong siêu thị thì món lạp
xưởng này là một sự lựa chọn tuyệt vời, đảm bảo ngon miệng mà ăn mãi không
chán, nhất là những ngày lạnh trời mà có món này thì đúng là tuyệt vời.
Đàm Minh Phượng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét