Bữa cơm sum họp gia đình ngày tết của đồng bào dân tộc Cao
Lan
Cứ mỗi độ xuân về, khi hoa mơ, hoa mận, hoa lê đua nở thì
cũng là lúc bà con đồng bào dân tộc Cao Lan xốn xang tiễn đưa năm cũ, đón năm mới
đến và tổ chức ăn tết cổ truyền.
Ở Yên Bái, dân tộc Cao Lan có khoảng trên 7.000 người, hiện
nay sinh sống tập trung tại các xã Đại Đồng, Tân Hương,Vĩnh Kiên, Bạch Hà, Vũ
Linh, Phúc An, Xuân Lai của huyện Yên Bình, Hòa Cuông, Minh Quán của huyện Trấn
Yên và Yên Phú, Yên Hợp của huyện Văn Yên. Dân tộc Cao Lan thường ở nhà sàn 3
gian, 4 mái, các gian nhà được phân định chức năng sinh hoạt của từng gian.
Trong đó, gian giữa được dùng để đặt bàn thờ cúng tổ tiên,
các gian còn lại dùng làm nơi ngủ, nghỉ và tiếp khách. Đời sống của đồng bào chủ
yếu dựa vào nông - lâm nghiệp và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với sự
cần cù, sáng tạo trong lao động, đồng bào đã tích cực tăng gia sản xuất, nâng
cao đời sống.
Cùng đó, bà con còn tích cực trao đổi mua, bán hàng nông sản,
mở quán bán hàng tạp hóa, làm dịch vụ ăn uống nên đời sống, tinh thần của bà
con được nâng lên rõ rệt, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc được phát
huy và gìn giữ.
Cũng như các dân tộc khác, tết cổ truyền là một trong những
ngày lễ lớn, thể hiện sự trân trọng với tổ tiên và với các thần linh như: thần
sông, thần núi, thần đá, thần cây… Đồng thời, đây cũng là dịp gia chủ cảm tạ
các vật dụng trong gia đình và nông cụ sản xuất ngoài đồng đã giúp cho một năm
sản xuất an toàn, bội thu.
Ngày tết là thời gian dành cho bà con đến thăm nhau, cùng
giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và tổ chức các trò chơi giải trí và chúc mừng những
thành tựu đã đạt được trong năm cũ, ước nguyện điều tốt lành trong năm mới.
Tết thường được chuẩn bị tổ chức từ ngày 27 tháng Chạp cho
đến hết rằm tháng Giêng âm lịch. Do đó, để có một cái tết trọn vẹn, an toàn,
vui vẻ, những ngày trước tết, mọi người, mọi nhà đều tất bật với công việc chuẩn
bị đồ ăn, nước uống, đặc biệt là các món đặc sản như: bánh chim gâu, bánh gai,
bánh rán, bánh chè, bánh chưng…, một phần được dâng lên tổ tiên, một phần dùng
để đãi khách quý trong dịp tết.
Cùng đó là việc dọn dẹp nhà cửa, quét sân, lau chùi các vật
dụng, trong đó đặc biệt chú trọng đến những vật thờ cúng. Tất cả dụng cụ của
gia đình như: cuốc, xẻng, dao, cày, bừa, chuồng, trại gia súc, gia cầm đều được
dán giấy đỏ “niêm phong” thể hiện sự cảm tạ của gia chủ và là tín hiệu quy ước
cho các vật dụng được "nghỉ ngơi" như con người.
Theo quan niệm của đồng bào Cao Lan, giấy đỏ biểu trưng cho
sự sung túc, mùa màng bội thu và còn mang ý nghĩa tâm linh “xua đuổi” tà ma. Với
đồng bào Cao Lan, khi giấy đỏ được dán lên những nơi quan trọng chính là niềm
tin vào năm mới tiếp tục no ấm, hạnh phúc.
Phụ nữ dân tộc Cao Lan may áo mới cho mùa hội xuân.
Tuy ngày hội xuân vui nhộn đến mấy nhưng tối đến, người nào
về nhà nấy để thắp hương lên bàn thờ tổ tiên và sum họp bên mâm cơm của gia
đình. Qua những lời chúc tụng, điệu hát dân ca và các trò đua tài, đấu võ trong
dịp tết, mọi người thấy đã quý nhau rồi lại càng quý nhau hơn, đó là món ăn
tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc Cao Lan dịp tết đến
xuân về.
Vi Đức Hồi (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét