Lễ hội Đâm trâu của dân tộc Ba Na ở Phú Yên (Mạc Phi)

Là lễ hội lớn nhất của người Ba Na, sống ở phía Đông dãy Trường Sơn Nam thuộc các vùng Thồ Lồ, Xí Thoại, nơi tiếp giáp ba tỉnh Gia Lai, Bình Định và Phú Yên. Lễ hội Đâm trâu không phải năm nào cũng tổ chức. Đây là lễ hội tạ ơn Trời Đất của người Ba Na sau khi vượt qua những tai ương như mất mùa, đau ốm, súc vật chết...
Trong những trường hợp ấy, người Ba Na sẽ tổ chức lễ hội Đâm Trâu để cúng Giàng và hứa sẽ tạ ơn bằng một con trâu. Ba năm sau buôn làng xây cột đâm trâu. Họ sẽ chuẩn bị một con trâu đực, 3-4 con bò và 5-7 con lợn, hàng chục con gà, trăm ché rượu cần, ba chục gùi gạo và mời khách các buôn làng chung quanh đến vui chung.


Việc chọn địa điểm xây cột đâm trâu do già làng quyết định.
Tại vị trí đó người ta trồng một cây gôn (giống như cây gạo dưới xuôi) làm cột chính. Khi cây gôn đâm chồi, nảy lộc, thì chọn ngày lành tháng tốt dân làng dựng nêu. Cây nêu là bốn cây cột bằng gỗ bút trắng, được chạm khắc hoa văn, có tô màu. Trên đỉnh cột chính đặt bàn thờ Giàng, bọc vải uy nghi.
Lễ hội kéo dài ba ngày. Ngày đầu, bắt đầu bằng ba hồi cồng, thầy cúng làm lễ trong nhà rông. Sau đó, dắt trâu vào cột chính để cúng Trời. Ngày thứ hai sau lễ cúng Giàng, dân làng cử một thanh niên đâm trâu một cách tượng trưng. Đến ngày thứ ba nghi lễ đâm trâu chính thức được tiến hành. Đầu trâu được đưa vào nhà rông vào ban đêm để cúng. Dân làng làm cỗ ăn mừng.


Mọi người nắm tay nhau nhảy múa trong tiếng cồng chiêng vang lên rộn rã.
Lễ hội Đâm Trâu của người Ba Na, Phú Yên có khác với lễ hội ăn Trâu của các dân tộc khác ở Tây Nguyên, nhưng về ý nghĩa giống nhau là mang lại niềm tin, tạo sức mạnh cho con người chiến thắng tai ương, đẩy lùi nghèo đói.

Mạc Phi (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét