Dân tộc Tày là một trong 22 tộc người sinh sống ở Tuyên
Quang và là tộc người có dân số đông thứ hai sau người Kinh tại đây. Dân tộc
Tày ở nơi đây có nền văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng. Do những nguyên nhân
khác nhau mà các giá trị văn hóa của tộc người Tày đang dần mai một.
Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy văn hóa tộc người
luôn được quan tâm hàng đầu trong các chính sách và quy định của nhà nước.
Thôn Tân Lập xã Tân Trào huyện Sơn Dương tỉnh
Tuyên Quang có 153 hộ với 654 nhân khẩu, có 4 tộc người dân tộc là Tày, Nùng,
Dao và Kinh cùng sinh sống. Dân tộc Tày nơi đây có một đời sống văn hóa rất
phong phú và đa dạng. Đối với văn hóa tộc người nghi lễ và lễ hội luôn là rào
chắn tốt nhất để bảo vệ bản sắc văn hóa, giữ gìn phong tục tập quán và nếp sống
tốt đẹp của cộng đồng. Các nghi lễ, lễ hội dân gian thường được phân theo hai hệ
thống: Lễ nông nghiệp và nghi lễ vòng đời người. Trong đó các nghi lễ có liên
quan đến vòng đời người ở nơi đây rất được bà con coi trọng vì nó gắn liền với
đời sống văn hóa của đồng bào. Các nghi lễ liên quan đến vòng đời người bao gồm
từ khi sinh ra, trưởng thành, lên lão và chết đi. Các nghi lễ này được diễn ra
một cách trang trọng và mang đậm tính nhân văn cao cả. Dưới đây chính là những
ghi chép tìm hiểu về các nghi lễ liên quan đến vòng đời người của người dân tộc
Tày nơi đây.
Các nghi lễ vòng đời người:
1. Nghi lễ khi con người được sinh ra:
* Lễ Khế Khoẳm: “Pà đẩy chít pướn”. Mang thai được 8 tháng
gia đình bắt buộc phải làm lễ này cho con dâu đang mang thai. Lễ này không chỉ
quan trọng đối với sinh mệnh của hai mẹ con mà còn liên quan đến danh dự của
gia đình trong cộng đồng. Bởi theo quan niệm của dân tộc Tày, khi mang thai vía
của người phụ nữ ít nằm trong cơ thể. Nó hay đi rong chơi khắp mọi nơi như đi bắt
cá ở suối, đi xúc tép ở ao “khoăn tăm cháy, khoăn tăm thum”, đi lên rừng
chặt củi, hái măng. Nó phải đi qua đủ 12 con suối và ao, cho nên phải mời thầy
về gọi vía “khế khoẳm”, đánh thức vía quay tở về với cơ thể bà mẹ để chuẩn bị
cho kỳ khai hoa. Hơn nữa, gia đình này không tổ chức lễ này cho con đều bị cộng
đồng lên án là keo kiệt, họ trách gia đình bố mẹ đẻ của cô dâu mắt đã không
“sáng” gả con cho gia đình bạc, ác.
* Lễ Ma Nhét (lễ đầy tháng): Dân tộc Tày làm lễ Ma Nhét cho
cháu bé là con trai vào ngày thứ 25 tính từ ngày sinh và cho bé gái vào ngày thứ
30. Ngày lễ mang ý nghĩa là mừng cháu bé khỏe mạnh, hay ăn, chóng lớn, mừng
phúc đức của gia đình và báo với bà mụ (Mẻ Bióoc) biết là đứa con của Mẻ Bióoc
ban cho đã ra đời, được khỏe mạnh, ghi công ơn của Mẻ Bióoc đã nhân từ ban phúc
và cũng xin Mẻ Bióoc tiếp tục phù hộ, bảo vệ, chở che đứa trẻ ngày càng chóng lớn
và trưởng thành.
* Lễ sinh nhật (lễ đầy năm): Trong lễ đầy năm, gia đình sửa
soạn mâm cúng trong đó có sách, bút, gương lược, que thêu đặt trước đứa trẻ, nếu
em bé cầm thứ gì trước tiên thì qua đó sẽ đoán trước được tính cách của đứa trẻ
này.
2. Nghi lễ cưới xin (gồm 6 bước):
* Lễ dạm hỏi (Phẩy sam lùa): Nhà trai xin ngày, tháng, năm
sinh của cô gái. Buổi dạm hỏi nhà trai, nhà gái đều dùng từ ngữ hình tượng, tế
nhị để ướm hỏi, trả lời. Sau đó nhờ thầy tử vi xem số mệnh của cô gái có hợp với
chàng trai không.
* Lễ trầu cau (tặt mèo): Nhà trai nhờ một người nam giới
trong họ có uy tín sang nhà gái bàn việc trăm năm cho đôi trẻ. Tại lễ này, nhà
trai xin bản lục mệnh của cô gái được ghi chép cẩn thận trên giấy hồng điều đủ
12 cung như cung bản mệnh, cung phụ mẫu, cung tử túc...... Khi bản lục mệnh của
cô gái đã trao chính thức cho nhà trai thì coi như hai bên đã công nhận sự đính
hôn của đôi trẻ. Nếu sau nay, vì một lý do nào đó, hai bên không cưới gả con
cho nhau được thì nhà trai phải trả lại tấm giấy lục mệnh cho nhà gái, kèm theo
gánh lễ vật để nhà gái mời khách đến dự lễ hủy bỏ lễ dạm hỏi trước đây và sau
đó cô gái mới được quyền nhận lời lấy người khác.
* Lễ kê khai (Pheo kê khai): Lễ kê khai thường được diễn ra
trước lễ cưới 2 đến 3 tháng để hai gia đình có thời gian chuẩn bị chu đáo cho
hôn lễ. Nhà gái sẽ mời họ hàng đến bàn bạc về lễ thách cưới, sau đó sẽ trao cho
nhà trai một bản kê khai các lễ vật cần mang đến.
* Đám cưới (Đảm bái): Trong ngày cưới, cô dâu mặc quần áo
dài màu trắng, chú rể mặc một đôi áo dài, áo chàm mặc ngoài, áo trắng mặc
trong. Đoàn đón dâu gồm chú rể, một phù rể (Khương pậu), hai quan làng, hai bà
đón dâu (già lặp) cùng hai người gánh đồ lễ. Trong đám cưới mọi người giao tiếp
chủ yếu bằng cách hát quan làng (hát đối), ví dụ như hát chào hỏi
“Tôi ở bản nhỏ đi đến đây
Nghe tin bản lớn có giống tốt
Tôi đến nhà xin được mang về
Để nhà tôi sinh sôi giống nòi...”
hát cảm ơn, xin trải chiếu, mời trầu... Nghi lễ trong đám
cưới của dân tộc Tày khá cầu kỳ nhưng vì quan niệm của họ là thiếu nó, cô dâu
chú rể sẽ khó có được một cuộc sống hạnh phúc. Nếu làm cho gia tiên và các vị
thần phật lòng, không chỉ những người trong nhà gặp phải những điều xui xẻo mà
việc sinh nở, hay cuộc sống gia đình của cô dâu sẽ không tránh khỏi những bất
trắc.
Một trong những nét khá đặc sắc trong đám cưới của dân tộc
Tày đó là nghi lễ cúng vải xô và vải đỏ. Tấm vải này con rể tặng mẹ vợ, nhưng
không phải để mẹ dùng ngay. Nó được đặt trên bàn thờ hoặc cất giữ cho đến ngày
mẹ của cô dâu không còn nữa và khi mất người ta sẽ chôn mảnh vải này theo thi
hài của mẹ vợ. Nghi lễ này thể hiện tính nhân văn cao, nó vừa thể hiện lòng biết
ơn của con rể, vừa là sự tôn kính công nuôi dưỡng sinh thành của người phụ nữ
Tày.
* Lễ lại mặt (Tèo lòi): Ba ngày sau, đôi vợ chồng mang lễ lại
mặt đến nhà gái. Tới nhà chú rể phải tự tay nấu 4-5 mâm cơm cảm ơn họ hàng nhà
gái và để một lần nữa nhận biết họ hàng. Kết thúc buổi lễ lại mặt, đôi vợ chồng
trẻ mới được động phòng và bắt đầu cuộc sống lứa đôi. Ý nghĩa của lễ lại mặt là
để gia đình nhà gái yên tâm họ đã gả con cho người có thể nhờ cậy.
Đám cưới của dân tộc Tày với những nghi lễ chặt chẽ thông
qua làn điệu hát quan làng để đối đáp, giao tiếp là một truyền thống tốt đẹp,
giàu tính nhân văn. Ẩn sâu trong những lời lẽ bình dị, khiêm nhường là những ý
tứ sâu xa, sắc sảo, chứa đựng tính giáo dục sâu sắc. Thông qua làn điệu quan
làng, thanh niên nam nữ dân tộc Tày một lần nữa được thấm nhuần hơn nữa vào ý
thức cộng đồng, hiểu được trách nhiệm đối với gia đình và khát vọng vươn lên, sống
tốt hơn, đẹp hơn trong cuộc sống. Đám cưới chính là sự thừa nhận của hai cộng đồng,
bản làng đối với cuộc hôn nhân của hai đôi nam nữ.
3. Nghi lễ mừng thọ (Pủ Liềng hoặc pủ Lường)
Thông thường bắt đầu từ tỏi 49 con người đã có những biểu
hiện của tuổi già như mắt kém tinh, răng kém chắc, tóc điểm bạc,... Sở dĩ có những
biểu hiện về sức khỏe trên, người ta cho rằng bịch gạo mệnh đã úa vàng... Nên
phải tổ chức lễ pủ liềng, bổ thêm lương cho bịch gạo mệnh được đầy, bắc lại cây
cầu cho vững chắc, trồng lại cây mệnh xanh tươi... ý nghĩa của lễ là trình xin
gia hạn thêm cho đương sự sống ở trần gian một thời gian nữa. Nghĩa là bổ thêm
lương vào bịch gạo mệnh. Được giành cho người cao tuổi, tổ chức nhiều vào dịp
xuân trong năm. Có 6 nghi lễ được diễn ra trong lễ mừng tọ của dân tộc Tày. Đây
là một trong những sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp, thể hiện sự quan tâm
của con cháu và cộng đồng đối với người cao tuổi.
* Dựng lương (tẳng lường): Người ta dựng một chiếc lầu váng
để đựng gạo và tiền do con cháu mang đến.
* Chuyển lương: Bà then niệm chú vào thúng gạo rồi xúc gạo
vào bát kèm theo vàng mã và ít tiền lẻ đưa cho co cháu truyền tay nhau đổ vào lầu
váng.
* Dâng rượu đốt đèn: Ông, bà ngồi bên lầu váng, con cháu
dâng rượu, thầy tào, bà then đọc lời cầu các thần chứng giám. Hết một chầu hát
then, các con thứ vái rồi rót rượu trước lầu. Kế đó người ta đốt đèn tượng
trưng tinh anh phát sáng, tinh thần minh mẫn.
* Hoàn phúc: Lầu váng đã đầy gạo số lượng dư trong thúng lẫn
với những đồng tiền được thầy tào, bà then ban lại để cho con cháu coi như lộc
của ông bà, bố mẹ.
Tôi đại diện cho Pú Mú
Được
chọn cử xuống khiêng gạo lương
Bịch
này tạo ngàn xuân không hỏng
Nhờ
Pú Cấy đón lấy
Đóm
lên đến chốn đại an
Đưa
lên đến chốn đại cát
Trời
mưa không ướt
Sấm
sét không rung
Mối
cũng không xông
Sâu
cũng không cắn
Tứ
quý hũ gạo vững bền
* Làm lường (buộc lương): Anh con rể lần lượt dùng ba sợi
chỉ ba màu se sẵn buộc lầu váng vào cây thượng lương để xin cho ông bà được sống
lâu.
* Trồng cây mệnh: Cây mai hoặc cây chuối được tượng trưng
cho sức khỏe của ông bà sẽ được mang ra vườn trồng và chăm sóc chu đáo.
4. Nghi lễ về tang ma
Theo quan niệm của dân tộc Tày, con người sinh ra có linh hồn.
Song để linh hồn người chết được siêu thoát, trở về đoàn tụ với tổ tiên ở bên
kia thế giới thì làm ma chay càng có ý nghĩa quan trọng. Tục ma chay của dân tộc
Tày đã có từ xa xưa, đây là nghi lễ mang đậm tính tín ngưỡng tôn giáo.
Làm ma chay cho người chết là sự báo hiếu của người sống đối với người chết,
hay tỏ rõ công ơn sinh thành dưỡng dục với đạo lý truyền thống “uống nước nhớ
nguồn” đã có từ lâu đời. Tập tục ma chay là lĩnh vực thuộc cõi tâm linh nhằm thỏa
mãn nhu cầu tình cảm con người với con người, là sự thể hiện lòng hiếu thảo của
con cháu với người quá cố. Người Tày có hai nghi lễ làm ma cho người đã khuất,
đó là đưa tang (làm ma tươi) và dâng nhà xe (làm ma khô). Trước đây do điều kiện
kinh tế còn khó khăn nên đồng bào thường làm ma khô (nhang phi héo) khi có điều
kiện.
* Làm ma tươi (khi trong nhà có người vừa chết):
Khi gia đình có người chết con cháu phải nhịn ăn đến khi
khâm liệm xong. Khi liệm, người chết được quấn vào một đến hai tấm vải trắng tự
dệt trải ít tro bếp sạch tượng trưng cho phân, một ít lúa nếp đốt cháy tượng
trưng cho lúa giống chia cho người chết bên dưới, đầu kê gối, đặt nằm trên chiếc
chiếu đã được cắt một góc để lên bàn thờ. Khi đưa tang (pây vậy) các con thay
nhau 3 lần chạy lên phía trước để nằm xuống cho quan tài đi qua với ý nghĩa trải
đường cho cha mẹ đi. Khi quay trở về con cháu không được khóc. Thầy cúng ở lại
sau cùng để làm các thủ tục cúng yên mộ, không cho vong quay trở về theo con cháu.
Một năm sau làm lễ tháo tang (phiết khăn). Trong lễ tháo tang gia chủ mời thầy,
mời con cháu mổ lợn, cúng ở nhà và làm xe bé để đốt ở mộ. Trong một năm đó,
ngày nào cũng làm cơm, đặt lên bàn thờ mời người đã khuất. Sau lễ tháo tang,
chuyển bài vị người đã khuất lên nhập vào bát hương tổ tiên.
* Nghi lễ làm ma khô (nhang phi héo): Diễn ra trong 3 ngày,
các nghi lễ chính trong cúng ma khô của dân tộc Tày không có quan tài và tử thi
mà chỉ mang tính tượng trưng.
Lễ thỉnh pò tào (mời tổ sư) thầy cà (pèng) làm lễ để mời
các tổ sư về nhập đàn cúng và xin âm binh làm lễ cúng ma khô.
Lễ thự nặm (lễ mua tước): Mua tước để rửa bài vị cả người
chết.
Lễ đọc thò (đọc thư): Là lễ đọc tên con cháu (đọc tiệp) để
thông báo với người đã khuất có bao nhiêu con cháu trong gia đình đã về để dự lễ.
Lễ khâm liệm và lễ chổng xe (nhập nhà táng): Là nghi thức rất
quan trọng thể hiện sự tôn kính, xót thương của những người còn sống đối với
người đã chết
Lễ chằm tiệp (mời vong về ký lá thư): Đây là nghi lễ thể hiện
lòng hiếu thảo của con cháu đã làm nhà xe mới gửi xuống cho vong hồn người chết
nơi chín suối.
Lễ phá ngục chuộc vong (phú nhục): Cứu vong ra khỏi địa ngục
giúp cho vong có thể hồi sinh lại
Lễ tràn dầu (đàn dầu): Con cháu chịu những hình phạt thay
cho vong dưới âm phủ
Lễ đại tế: Là nghi lễ thể hiện lòng báo hiếu của con cháu đối
với cha mẹ
Lễ tè phi (xua đuổi tà ma): Thầy tào đi vòng quanh chung
nhà để xua đuổi tà ma
Lễ pông xe (đốt nhà xe): Để cho linh hồn người chết được trở
về với tổ tiên
Kết luận
Các phong tục, lễ hội, trang phục cổ truyền, sinh hoạt văn
hóa trong đám cưới, ma chay, cũng như các nghi lễ trong vòng đời người mang một
giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt nam, những nét đẹp văn hóa các dân
tộc đóng góp vào việc duy trì và phát huy vốn văn hóa quý báu đó. Muốn làm được
điều này, đòi hỏi phải có sự quan tâm cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa của dân
tộc Tày.
Minh Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét