Hát
Sình ca hay còn gọi là hát ví của đồng bào dân tộc Cao Lan, là lối hát đối đáp
giữa thanh niên nam nữ, được sáng tác theo thể thơ tứ tuyệt, ghi chép bằng chữ
Hán.
Theo truyền thuyết của người Cao Lan, tác giả của bài Sình
ca là nàng Lưu Ba, cô gái đẹp đã đặt lời cho các điệu hát và nàng đã hát suốt
13 ngày đêm không ăn không ngủ rồi chết. Tiếng hát ấy không chỉ lưu lại đời đời,
còn chứng tỏ sức sống tiềm tàng và tình yêu trong sáng, ngọt ngào, bình dị của
người Cao Lan.
Những cuộc hát Sình ca đều có đề tài riêng. Thanh niên nam
nữ mượn những cảnh đẹp của quê hương, đất nước, cảnh sinh hoạt hằng ngày, những
câu chuyện cổ tích, thần thoại để gợi cảm và thông qua đó nói lên tình yêu và ước
vọng xây dựng một cuộc sống vui tươi, hạnh phúc. Những đêm hát Sình ca là những
đêm vui vẻ, sinh động xóa đi những mệt nhọc của những ngày lao động vất vả, có
sức thu hút diệu kỳ với những chàng trai, cô gái. Từ những đêm hát đã nảy sinh
những mối tình thật đẹp.
Hàng năm, từ mùng 4 tháng Giêng âm lịch cho đến hết tháng
Giêng, thanh niên nam nữ đi hội, đi chơi làng, hát đối với nhau. Sình ca có nhiều
dạng: Hát trong đám cưới, hát tháng Giêng (hát hội), hát chúc tụng các cụ... Đặc
biệt, trong hát hội chỉ có thanh niên nam nữ mới được tham gia, vì đi hát là để
tìm hiểu yêu đương.
Vào mùa lễ hội, tiếng hát Sình ca dập dìu suốt đêm thâu.
Giai điệu Sình ca có lúc ngân cao, có khi trầm ấm. Mùa xuân về khi làng mở hội,
làn điệu Sình ca bay bổng, âm vang núi đồi, hoà quyện vào trong gió, vào hương
sắc mùa xuân làm lay động lòng người. Hát Sình ca ít khi có nhạc đệm, có nhiều
chủ đề như: Làm khách, đường về, chúc tụng, chào mừng...
Qua câu hát, người con trai khéo léo ca ngợi vẻ đẹp của người
con gái và bày tỏ tình yêu của mình. Đó chính là nét tinh tế của hát Sình ca
Cao Lan. Hát Sình ca còn là để kể chuyện cổ, kể lại những tích xưa. Sình ca được
hát trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng hát nhiều nhất vẫn là khi mỗi độ tết
đến xuân về, nam thanh nữ tú đến với nhau để tìm hiểu yêu đương. Những thiếu nữ
Cao Lan dịu dàng, e ấp trong bộ váy chàm mới đi trảy hội, đẹp như những bông
hoa rừng đã tô điểm thêm cho bức tranh trong ngày hội thêm rực rỡ.
Trải qua nhiều năm tháng, ngày nay lớp thanh niên trẻ dân tộc
Cao Lan không còn biết chữ Hán để đọc được những lời hát Sình ca cổ, nhưng những
làn điều Sình ca thì vẫn được người già trong làng lưu truyền và phát triển từ
đời này sang đời sau. Trong những lễ hội truyền thống của người Cao Lan hiện
nay vẫn không thể thiếu làn điệu Sình ca.
Vi Đức Hồi (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét