Người Pu Péo ở Hà Giang chỉ có khoảng 600 người trên tổng
dân số trong toàn tỉnh, sinh sống chủ yếu tại các xã Phố Là (huyện Đồng Văn), Sủng
Tráng và Phú Lũng (huyện Yên Minh), Yên Cường (huyện Bắc Mê).
Cho dù với số dân không đông, nhưng người Pu Péo lại sinh
sống phân tán trên dải đất Việt – Trung. Đó chính là miền đất được mệnh danh
“Cao nguyên đá” bởi địa hình nhiều đá gốc chưa phong hóa, còn để lại những “thạch
thụ” làm hạn chế rất nhiều đối với việc canh tác. Người Pu Péo không ở trên núi
cao như người H’mông mà thường chọn những bồn dựa giữa núi để lập làng. Làng bản
của người Pu Péo đều thuộc vùng núi giữa, mang đậm tính chất của khí hậu nhiệt
đới. Với một điều kiện tự nhiên như vậy, người Pu Péo có thể làm ruộng nước và
vừa vận dụng được những thế mạnh của rừng trong canh tác.
Trong kinh tế người Pu Péo lấy nông nghiệp trồng trọt làm
cơ sở chủ đạo, bên cạnh đó còn có sự bổ trợ của chăn nuôi, thủ công nghiệp gia
đình, hái lượm và buôn bán nhỏ.
Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo
Cũng như các dân tộc khác, người
Pu Péo ở Hà Giang có một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ chưa được
các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đề cập trong các công trình nghiên cứu và
sưu tầm. Chính vì vậy, tại bài viết này tôi xin đưa ra một số giải pháp cần được
bảo tồn và phát huy những giá trị phi vật thể của người Pu Péo ở Hà Giang.
Người Pu Péo tin vào sự tồn tại của
ba thế giới. Ngoài thế giới thực, còn có sự tồn tại của một thế giới khác ở
trên trời, mà con người không kiểm soát được - thế giới của các thần linh.
Trong thế giới đó, ngoài các vị thần còn có những người trời, có đặc điểm là mặt
đỏ và thường đeo dao gỗ ở cổ. Thế giới thứ ba ở dưới mặt đất với những con người
chỉ bé bằng ngón tay và thường đeo dao ở khoeo chân. Thời gian của thế giới thực
và hai thế giới kia luôn ngược nhau, trước kia ba thế giới được thông qua bằng
chiếc thang. Truyền thuyết của người Pu Péo kể lại rằng quả bầu chính là vật đã
cứu sống tổ tiền của dân tộc này chính vì vậy: con cháu dân tộc này khi cúng tổ
tiên bao giờ cũng bày thức ăn lên nong chứ không bày lên mâm; và khi hành lễ,
bao giờ thầy cúng cũng phải cầm một quả bầu. Người Pu Péo sử dụng lịch Nhà Chu,
mỗi giáp có 12 năm, mỗi năm chia thành 12 tháng, mỗi tháng có 29 ngày hoặc 30
ngày, mỗi ngày có 12 giờ. Cứ 3 năm, sẽ có một năm nhuận, hoàn toàn khớp với
cách tính năm, tháng và ngày của Âm lịch ngày nay. Vì vậy, họ cũng ăn Tết
Nguyên đán như nhiều dân tộc khác.
Người Pu Péo ở Hà Giang vẫn còn
lưu giữ trong ký ức cộng đồng một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú. Những
bài cúng của họ thực chất là những áng cổ văn, kể về nguồn gốc loài người, về nạn
đại hồng thuỷ và lịch sử du canh, du cư của họ từ đời này sang đời khác. Trong
đám cưới, trai gái thường hát đối đáp mà nội dung của các bài hát thường nói
nhiều về tình yêu lứa đôi và biểu thị khát vọng hạnh phúc. Ngoài ra, họ còn có
nhiều thành ngữ, tục ngữ, được sử dụng khá nhuần nhuyễn trong giao tiếp hàng
ngày. Đó là một lối truyền đạt các tri thức bản địa hữu hiệu, một biện pháp
giáo dục cộng đồng hiệu quả. Đáng tiếc cho đến nay việc nghiên cứu giá trị văn
học dân gian của người Pu Péo chưa thực sự được chú ý.
Photo
Do vậy, phong tục tập quán, lễ hội, dân ca, cưới
xin theo phong tục riêng của người Pu Péo... đặc biệt là lễ cúng thần rừng (là
lễ cúng cầu Thần Rừng, thần Đá, Thần Suối phù hộ sự bình yên cho người Pu Péo
có cuộc sống ấm no, hạnh phúc) đang ngày dần bị mai một cần được khôi phục, bảo
tồn và phát huy.
Triệu Thị Lượng
(sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét