Lễ cúng Hoàng Vần Thùng với lễ vật sống.
Lễ cúng Hoàng Vần Thùng là một nghi lễ
truyền thống, mang nhiều nét văn hóa độc đáo của người Cờ Lao.
Lễ cúng Hoàng Vần Thùng của người Cờ Lao ở xã Túng Sán,
Hoàng Su Phì, Hà Giang trước đây thường do một dòng họ đứng ra chủ trì tổ chức
tại miếu thờ thôn Tả Chải. Nghi lễ cúng Hoàng Vần Thùng (thần Hoàng) hết
sức quan trọng, mang ý nghĩa tín ngưỡng tâm linh sâu sắc đối với cộng đồng người.
Hàng năm, đồng bào dân tộc Cờ Lao ở xã Túng Sán thường chọn
ngày Thìn vào tháng 7 âm lịch để cúng Hoàng Vần Thùng. Đây là một nghi lễ
truyền thống, bày tỏ lòng thành kính biết ơn của con cháu đối với Hoàng Vần
Thùng - một nhân vật huyền thoại, có sức mạnh huyền bí, người đã có công khai
khẩn, gây dựng cơ nghiệp cho dân tộc Cờ Lao.
Trước khi tổ chức lễ cúng, các gia đình phải họp bàn, thống nhất đóng góp tiền để mua một con lợn dâng lên thần Hoàng. Còn khi đến dự Lễ cúng không phân biệt giàu có hay nghèo khó, mỗi gia đình đều chuẩn bị chút lễ lạt tùy theo khả năng kinh tế để mang đến miếu.
Lễ vật cúng chung gồm có một con lợn khoảng 50-60kg, rượu, hương, giấy và gà. Khi các khoản đóng góp đã bàn bạc xong, bà con tiến hành làm vệ sinh xung quanh miếu, đường đi lối lại, trong nhà miếu cho thật sạch. Đến ngày thầy cúng làm thủ tục thắp hương cúng và khấn vái xin thần linh cho tiến hành lễ.
Những người trực tiếp tham dự lễ cúng Hoàng Vần Thùng chia
làm hai nhóm (có nam và nữ). Mọi người mặc trang phục ngày lễ của dân tộc Cờ
Lao. Hai nhóm người đi vòng tròn, hết vòng lại đổi chiều; hết ba vòng thì ngồi
vòng tròn để dự lễ, rồi sau đó thầy cúng đọc lời cúng, với mong muốn xin thần
hãy nhận lễ vật để phù hộ độ trì cho dân các thôn bản mạnh khỏe, làm ăn phát đạt,
nuôi lợn, gà, trâu, ngựa đầy chuồng, làm việc gì cũng thành công...
Đầu tiên cúng Hoàng Vần Thùng là quốc vương, hai nữa là Cốc
Bú thiên chi, thứ ba là người Giem Thông chủ chùa, thứ tư là Cúng Bổ Tát,
thứ năm là cúng Nương Nương, thứ 6 là cúng Thổ Công ở bảo quản nhà miếu.
Sau khi cúng xong lợn và gà được làm thịt luộc chín rồi lại
đem lên cúng tiếp. Nội dung các bài cúng này đều tương tự như cúng hiến sinh,
chỉ có khác vài câu là “đã làm thịt xong, đã nấu thịt chín xin mời ông chứng kiến
và mời ông cùng thưởng thức ăn uống”. Sau bài cúng lần cuối cùng, thầy cúng cầm
trên tay một chiếc lưỡi cày được hơ nóng giơ về bốn phương, tám hướng rồi đưa
cho mọi người chạm tay vào, thể hiện sự sùng kính và ước vọng no đủ.
Có một điều đáng chú ý là ở nghi lễ cúng Hoàng Vần Thùng và
cúng Gia tiên, Thổ công của người Cờ Lao bao giờ các con vật hiến dâng cho Thần
và tổ tiên phải cúng sống trước, sau đó mới được thịt, rồi nấu chín lại cúng tiếp.
Sau phần lễ cúng tại miếu thờ Hoàng Vần Thùng và cúng gia
tiên, thổ công tại gia đình đại diện, các hộ gia đình được chia lộc và cùng
nhau tổ chức ăn uống. Các nghệ nhân, các chàng trai cô gái lại trổ những ngòn
nghề tài hoa nhất trên các loại nhạc cụ truyền thống, thi hát dân ca và tham
gia các môn thể thao truyền thống, tạo nên một không khí hết sức sôi động, thể
hiện tính gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng.
Hà Nhung (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét