Gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc Pu Péo (Mai Thị Hằng)

Các nghệ nhân người Pu Péo

Không có chữ viết riêng nên việc bảo lưu và gìn giữ các giá trị văn hóa của người Pu Péo chỉ thông qua hình thức truyền miệng, phụ thuộc vào trí nhớ của con người. Đây chính là nguyên nhân khiến các giá trị văn hóa độc đáo của người dân tộc Pu Péo bị pha trộn và quên lãng. 

"Vốn" văn hóa độc đáo
Kết quả thống kê dân số năm 2009 cho thấy, dân tộc Pu Péo có gần 700 người. Người Pu Péo không sống trên núi cao mà sống phân tán ở những vùng núi thấp mang đậm tính chất của khí hậu á nhiệt đới như: Phố Là (huyện Đồng Văn), Yên Cường (huyện Bắc Mê), Sủng Tráng, Phú Lũng (huyện Yên Minh) thuộc tỉnh Hà Giang.
Mặc dù số dân còn rất ít, nhưng người Pu Péo ở Hà Giang vẫn còn lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc, nổi bật là kiến trúc nhà ở truyền thống. Nhà của họ là nhà trình tường hai mái, không có chái, không có cửa sổ và chỉ trổ một cửa ra vào. Mái nhà được lợp bằng cỏ tranh, hoặc lợp bằng ngói âm dương. Nhà tựa lưng vào rừng và nhìn ra ruộng, có khuôn viên riêng.
Cũng như các dân tộc khác, trang phục của người Pu Péo được phân loại theo giới tính và tình trạng hôn nhân. Áo, váy của phụ nữ Pu Péo khá độc đáo với kỹ thuật đắp vải màu. Áo thường có 2 lớp, lớp áo ngoài xẻ ngực, không khuy cài, xung quanh gấu và nẹp áo được trang trí bằng những miếng vải khác màu xếp thành hình tam giác, hình vuông hay hình quả trám, lớp áo trong, cài khuy bên nách phải cũng được trang trí bằng vải màu như áo ngoài. Tục cưới xin của người Pu Péo khá "cầu kỳ", khi đón dâu, phù dâu phải cõng cô dâu ra khỏi cổng để theo đoàn nhà trai về. Sau khi cúng tổ tiên, thức ăn để trên nong, cả nhà cùng dâu rể phải ăn bốc.

Theo truyền thuyết của người Pu Péo, quả bầu chính là vật đã cứu sống tổ tiên của dân tộc này nên khi hành lễ, bao giờ thầy cúng cũng phải cầm một quả bầu trên tay. Đặc biệt, tin vào ảnh hưởng của bà mụ nên khi sinh nở, sản phụ người Pu Péo đẻ trong căn buồng riêng của mình; nhau thai chôn trong ống tre đặt dưới gầm giường hoặc bọc vào chiếu cũ để lên cành cây trên rừng. Đứa trẻ sinh ra được đặt tên sau 5 ngày và tên này đến năm 13 tuổi sẽ được thay thế bằng tên đặt theo tiếng Quan Hỏa. Trong thời gian chưa đặt tên cho con, ông bố chỉ được quanh quẩn trong nhà, ra khỏi nhà phải đội nón...
Mỗi khi trong gia đình có người thân qua đời, người Pu Péo đặt nghiêng hũ thờ trên bàn thờ để "thông báo" cho tổ tiên biết. Gia đình có người chết không được nấu ở bếp chính mà kê đá làm bếp ở gian giữa nhà. Sau khi thầy cúng làm lễ, lúc đưa tang, người ta treo bó lá trước cửa ngăn ma vào nhà. Thời điểm khi khiêng quan tài ra khỏi cửa, bắt buộc phải đốt lửa ngoài sân rồi rắc tro để sáng hôm sau quan sát vết chân trên lớp tro rắc trước cửa nhà xem người thân có tái sinh hay không.
Người Pu Péo tin vào sự tồn tại của ba thế giới. Ngoài thế giới thực, còn có sự tồn tại của một thế giới khác ở trên trời, người sống ở đó mặt đỏ và thường đeo dao gỗ ở cổ. Thế giới thứ ba ở dưới mặt đất với những con người chỉ bé bằng ngón tay và thường đeo dao ở khoeo chân.
"Điểm nhấn" làm nên sự đa dạng trong văn hóa của người Pu Péo chính là những bài cúng được cất lên tại lễ cưới hỏi, mừng năm mới, tang ma. Lời lẽ trong bài cúng thực chất là những áng cổ văn, kể về nguồn gốc loài người, về nạn đại hồng thủy và lịch sử du cư của người Pu Péo từ đời này sang đời khác.
Nguy cơ mai một
Do cư trú ở vùng đất có nhiều dân tộc cùng sinh sống, chịu tác động mạnh mẽ và liên tục từ văn hóa các dân tộc khác sống lân cận, khiến dân tộc Pu Péo đứng trước nguy cơ mai một bản sắc văn hóa. Trong khi đó, sự tiếp nối sáng tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng Pu Péo gặp phải nhiều "vấn đề" khi số lượng nghệ nhân, thầy cúng, những người am hiểu về văn hóa truyền thống dân tộc ít dần và nhiều người trong số đó ít có khả năng truyền dạy.
Trước thực trạng này, ngành văn hóa tỉnh Hà Giang đã triển khai rất nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng của dân tộc Pu Péo như: Đẩy mạnh xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa để huy động nhiều nguồn lực xã hội tham gia phục dựng lại các lễ hội truyền thống (lễ cúng thần rừng, lễ mừng năm mới, các làn điệu múa hát…); tổ chức cho các nhà nghiên cứu đi điền dã để nghiên cứu sâu những giá trị văn hóa đó (ghi chép, quay phim, chụp ảnh), giúp những di sản này tồn tại và sống trong cộng đồng.

Mai Thị Hằng (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét