Tục cà răng căng tai của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên (Hoàng Hồng Ninh)

Tục cà răng căng tai là một tập tục có từ lâu đời và khá phổ biến trong một số tộc người ở Tây Nguyên như Ê đê, Bana, M’nông, Mạ, Stiêng…
Ngoài việc làm đẹp theo quan niệm riêng của dân tộc, cà răng căng tai còn chứng tỏ lòng dũng cảm, sự trưởng thành của người con trai và con gái. Đây là một thử thách mà bất cứ người con trai, con gái của các tộc người này đều phải trải qua nếu không sẽ không được bộ tộc và buôn làng công nhận là thành viên và sẽ bị chê cười. Trai không lấy được vợ, gái không lấy được chồng. Người Mạ, M’nông, Stiêng cho rằng người đàn bà không chịu cà răng là người không có giá trị nhân phẩm. Căng tai cũng là để cho thấy người con gái nhẫn nại, chịu thương chịu khó.

Con trai không chịu cà răng thì cũng không chứng tỏ được lòng dũng cảm của mình để đương đầu với những thử thách trong cuộc sống và chiến đấu chống kẻ thù để bảo vệ bộ tộc và buôn làng.

Tục cà răng
Cà răng là một cực hình rất đau đớn, khổ sở nhưng các chàng trai, cô gái miền sơn cước này vẫn tự nguyện xin được cà răng để hội nhập vào xã hội và cộng đồng, để được mọi người trong buôn làng công nhận là đẹp và đã trưởng thành.
Để cà răng họ có thể dùng nhiều cách khác nhau: có dân tộc thì dùng cưa, có dân tộc thì dùng đá để cà, có dân tộc thì dùng dao nhỏ có hình lưỡi cưa để cắt. Số lượng răng được cà thường là 6 hoặc 4 cái răng cửa phía trước, cũng có dân tộc còn vót thêm 6 cái răng cửa của hàm dưới theo hình tam giác nhọn như người Mạ ở vùng Đạ Tẻh, Cát Tiên (Lâm Đồng). Thường người được cà răng phải nằm trên đống rơm, cỏ hoặc trên sàn nhà, đầu thì gối lên đùi người cà, để người này cầm dao hình lưỡi cưa hoặc đá để cà. Sau khi cà xong thì người ta lấy nhựa một loại cây rừng (cây thuốc) đem hơ trên lửa cho sôi rồi bôi vào chỗ chân răng bị cà, hoặc lấy cây Knhài ngâm với nước thuốc lá tươi dùng bông thấm nước thuốc lá ngậm từ 2 đến 3 tháng mới hết đau và răng mới bóng đẹp (theo kinh nghiệm của người Mạ).
Cà răng thường được tiến hành đối với thanh niên nam nữ ở độ tuổi 15-16 khi răng đã mọc hết.

Tục căng tai
Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Tây Nguyên thì lỗ tai phải to rộng, dái tai phải dài mới là tiêu chuẩn để đánh giá cái đẹp. Nhất là đối với phụ nữ, người Mạ còn coi như là một tiêu chí để đánh giá người con gái đó lười biếng hay chịu thương, chịu khó (nếu lỗ tai căng được to chứng tỏ người đó siêng năng, chăm chỉ).
Để có thể căng tai, đầu tiên người ta phải dùng dùi nhọn hoặc gai cây chanh để xuyên lỗ ở dái tai rồi dùng nước gừng đun sôi để rửa hàng ngày và thỉnh thoảng phải vê, xoay gai chanh, hoặc lõi gỗ khi xuyên để lại trong dái tai để tạo lỗ. Khi vết thương lành hẳn thì dùng lõi gỗ nhỏ hoặc tre để căng dần đến một độ lớn nhất định thì có thể thay thế bằng vòng lồ ô có dạng khuyên tròn để căng cho to dần. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Tây Nguyên thì lỗ tai căng càng to thì càng đẹp và càng chứng tỏ được sự quyền quý. Thường những nhà giàu có thì căng tai bằng ngà voi, những nhà nghèo thì dùng lồ ô để căng tai. Ngà voi căng tai thường được mua của người Thái Lan thông qua trao đổi hàng hoá, nhưng cũng có nơi họ tự săn voi cắt lấy ngà, tự cắt gọt ngắn làm vật căng tai.
Cà răng căng tai thường được hiểu là để làm đẹp và chứng tỏ lòng dũng cảm cũng như được công nhận đã trưởng thành theo quan niệm của một số tộc người ở Tây Nguyên, nhưng theo lời của già làng Y Bhiong Niê (A ma H’loan) người Ê đê ở buôn A kõ D hong (cọ thong), phường Tân Hội, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk thì tục cà răng còn được xuất phát từ một câu chuyện tình bi thương của một đôi trai gái của hai bộ tộc yêu nhau. Chàng và nàng đã từng quấn quýt bên nhau như đôi chim chơ rao mỗi khi lên rừng, đi rẫy và đã cùng nguyện ước một ngày được nên vợ nên chồng. Nhưng khi đôi trẻ về thưa với mẹ cha và những người lớn trong bộ tộc thì không được chấp thuận. Chàng đã nài nỉ đến khô cả cổ, nàng đã khóc cạn hết cả nước mắt mà vẫn không lay chuyển được người lớn thay đổi quyết định. Quá thương nhau, họ cảm thấy cuộc sống thật vô nghĩa nếu không được ở bên nhau. Vì vậy hai người đã hẹn nhau lên rừng lấy củi gặp mặt và yêu thương một lần như vợ chồng. Sau đó đôi trai gái tội nghiệp đã lấy dây rừng tự trói chặt hai thân vào nhau rồi cùng cắn lưỡi tự tử. Sau cái chết bi thương của họ, già làng của các bộ tộc trong vùng đã họp lại và đưa ra một quyết định và sau đó đã trở thành luật tục là con trai, con gái khi tới tuổi trưởng thành đều phải cà răng để không thể làm chuyện dại dột là cắn lưỡi tự tử vì tình nữa.
Tục cà răng căng tai là một trong những nét văn hoá đặc trưng phản ánh nhân sinh quan và quan niệm về cái đẹp của một số tộc người ở Tây Nguyên. Nó đã từng tồn tại một thời gian dài trong lịch sử nhưng ngày nay với cuộc sống thời hiện đại do sự hội nhập và giao lưu văn hoá, kinh tế rộng rãi nên nhận thức và quan niệm của đồng bào cũng đã có nhiều thay đổi. Tục cà răng căng tai không còn tồn tại và phổ biến ở các tộc người vùng Tây Nguyên như trước đây mà chỉ thấy ở thế hệ người già từ 60-70 tuổi trở lên. Các chàng trai, cô gái Tây Nguyên ngày nay không còn phải khổ sở vì phải chịu những cực hình để “làm đẹp” theo quan niệm xưa. Họ tự do và tươi tắn hơn với hàm răng trắng bóng và cặp bông tai xinh xắn thay cho vòng lồ ô hay cặp ngà voi nặng trĩu trước đây.

Hoàng Hồng Ninh (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét