Dân tộc Pu Péo (tên gọi
khác Ka Beo, Pen ti lô lô, La quả) là một dân tộc thiểu số
thuộc hệ ngôn ngữ Tai-Kadai, nói giỏi tiếng H’Mông, Quan hỏa, cư trú tập trung ở
vùng biên giới Việt-Trung thuộc các huyện Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc tỉnh Hà
Giang.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Pu Péo ở
Việt Nam có dân số 687 người, có mặt tại 20 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố.
Người Pu Péo cư trú tập trung tại các tỉnh: Hà Giang (580 người, chiếm 84,4% tổng
số người Pu Péo tại Việt Nam), Tuyên Quang (48 người), Sài Gòn (15 người), Đồng
Nai (11 người).
Tộc Pu Péo đã từng sinh sống lâu đời ở miền cực bắc Việt
Nam. Các dân tộc láng giềng đều thừa nhận tộc Pu Péo là một trong những cư dân
khai khẩn ruộng nương đầu tiên ở vùng cực bắc.
Dân tộc Pu Péo.
Người Pu Péo tồn tại song song hai loại dòng họ. Một loại gọi
theo tên bằng chữ Hán, đọc theo cách phiên âm của địa phương như Củng, Tráng,
Phù… được sử dụng chính thức trong các giấy tờ. Một loại họ khác cổ hơn, thể hiện
mối dây liên lạc máu mủ giữa các thành viên của dòng họ, mỗi dòng họ như thế
thường gồm một cặp như Kacung – Kacăm, Karảm – Kachâm, Karu – Karựa, Ka bu – Ka
bởng.
Người Pu Péo ăn mừng Tết Nguyên đán, đêm 29 gói và nấu bánh
chưng đen tiễn năm cũ và đêm 30 gói và nấu bánh chưng trắng mừng năm mới, cúng
tổ tiên. Sáng mồng một tết nam nữ đi gánh nước vàng nước bạc lấy lộc. Trong 3
ngày tết sau bữa cơm không được rửa bát, mỗi lần đến bữa chỉ dùng giấy lau sạch
với mong muốn không có mưa quá to sẽ trôi hết đất mầu.
Họ tin mỗi người có 8 hồn, chín vía. Ðêm 30 tết Nguyên đán
các gia đình đều làm lễ gọi hồn cho từng thành viên trong nhà. Thờ tổ tiên 3 đời.
Trên bàn thờ có những hũ sành nhỏ tượng trưng cho đối tượng thờ, ít nhất 3 hũ
cho 3 đời. Mỗi khi thành viên nào đó trong gia đình ốm đau thầy bói sẽ bói và
cho biết cần phải thờ ai để có thêm một hũ thờ nữa đặt lên bàn thờ.
Họ sử dụng lịch 12 con vật, khớp với âm lịch.
Đồng Văn-Mèo Vạc, Hà Giang.
Người Pu Péo chủ yếu sống bằng nghề làm nương và ruộng bậc
thang, trồng ngô, lúa, mạch ba góc, đậu… Trong sản xuất, họ dùng công cụ cày, bừa;
dùng trâu, bò làm sức kéo. Có người làm nghề ngói máng, mộc. Lương thực chính
trong bữa ăn thường ngày là bột ngô đồ chín.
Mỗi dòng họ có hệ thống tên đệm riêng dùng đặt tên lần lượt
cho các thế hệ kế tiếp nhau. Trai gái các họ kết hôn với nhau theo tập tục: Nếu
con trai họ này đã lấy con gái họ kia, thì mãi mãi con trai họ kia không được lấy
vợ người họ này. Nhiều người dân tộc khác cũng đã trở thành dâu, rể của các gia
đình Pu Péo. Nhà trai cưới vợ cho con, sau lễ cưới con gái về nhà chồng. Con
cái lấy họ theo cha và người cha, người chồng là chủ nhà.
Mặc dù hiện nay người Pu Péo nhà đất là chính. Nhưng họ còn
nhớ rất rõ là sau khi đến Việt Nam khá lâu hãy còn ở nhà sàn. Nhà đất hiện nay
rất giống nhà người Hoa cùng địa phương. Nhưng cách bố trí trên mặt bằng sinh
hoạt có khác.
Trong tục cưới xin người Pu Péo có nhiều bước. Ngày đón
dâu, phù dâu phải cõng cô dâu ra khỏi cổng để theo đoàn nhà trai về. Trong bữa
cơm cúng tổ tiên, thức ăn để trên nong, cả nhà cùng dâu rể phải ăn bốc. Lễ lại
mặt tiến hành nhiều lần, sau ngày cưới 3, 7, 13, 30 ngày.
Tục tang ma có lễ làm ma và lễ làm chay hay còn gọi là ma
khô. Khi bố mẹ chết, họ đặt nghiêng hũ thờ trên bàn thờ tổ tiên biết cho tổ
tiên biết có người chết và chậm nhất 13 ngày sau khi chôn phải làm lễ dựng lại
hũ thờ này. Trong những ngày còn quàn trong nhà, cơm nước không được nấu ở bếp
chính mà kê đá làm bếp ở gian giữa nhà. Mỗi bài cúng của thầy cúng đều có nội
dung riêng liên quan đến nhiều truyền thuyết lịch sử của người Pu Péo, đưa hồn
về quê cũ. Người ta cắm Ta leo trước cửa ngăn ma vào nhà, sau khi khiêng quan
tài ra khỏi cửa và đốt lửa ngoài sân đun nước rửa chân tay trước khi vào nhà,
sau lễ đưa đám.
Người Pu Péo tin vào sự tái sinh của người chết, sáng hôm
sau khi chôn người chết, gia đình xem vết chân trên lớp tro rắc trước cửa nhà.
Vài năm sau, gia đình sẽ tổ chức làm chay để cúng đưa hồn người chết về quê cũ.
Trong lễ này người Pu Péo còn bảo lưu hai phong tục cổ là uống rượu cần và đánh
trống đồng.
Trang phục của tộc Pu Péo có cá tính riêng trong chủng loại
trong cách sử dụng và trang trí. Nam giới Pu Péo hàng ngày họ mặc áo cánh ngắn
loại xẻ ngực, màu chàm. Quần là loại lá tọa cùng màu. Trong dịp lễ, họ thường đội
khăn chàm quấn theo lối chữ nhân, mặc áo dài xẻ nách phải, màu chàm hoặc trắng.
Phụ nữ Pu Péo thường để tóc dài quấn quanh đầu, cài bằng lược
gỗ, hoặc bên ngoài thường đội khăn vuông phủ lên tóc buộc thắt ra sau gáy.
Trong ngày cưới cô dâu còn đội mũ xung quanh được trang trí hoa văn theo bố cục
dải băng và đính các bông vải. Phụ nữ thường mặc hai áo: áo trong là chiếc áo
ngắn cài cúc nách phải, màu chàm không trang trí hoa văn, có đường viền điểm
xuyết ở cổ áo, áo ngoài là loại xẻ ngực, cổ và nẹp trước liền nhau, không cài
cúc, ống tay áo, nẹp áo và gấu áo được trang trí hoa văn nhiều màu. Váy là loại
dài đen, quanh gấu được trang trí hoa văn, hoặc có loại trang trí cả ở giữa
thân váy. Phía ngoài váy còn có ‘yếm váy’ (kiểu tạp dề). Đáng lưu ý chiếc thắt
lưng dài màu trắng, hai đầu được trang trí hoa văn màu sặc sỡ trong bố cục hình
thoi đậm đặc. Khi mặc váy, hai đầu thắt lưng buông dài xuống hết thân váy. Phụ
nữ ưa mang đồ trang sức vòng cổ, vòng tay, đi giày vải.
Sách truyện cổ dân tộc Pu Péo – "Tướng
Cóc Ra Trận".
Kho tàng văn hóa dân gian Pu Péo đã rất phong phú, không
thua kém bất cứ dân tộc nào. Người Pu Péo có một pho truyện cổ tích rất phong
phú được Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin phát hành năm 2003 với tựa đề “Truyện cổ
dân tộc Pu Péo – Tướng Cóc Ra Trận” dày hơn trăm trang.
Người Pu Péo là một trong số rất ít dân tộc ở nước ta hiện
nay còn sử dụng trống đồng. Họ dùng trống bao giờ cũng có đôi gồm có trống “đực”
và trống ”cái”. Hai trống treo quay mặt vào nhau, một người đứng giữa cầm củ
chuối gõ trống phục vụ lễ cúng. Khi sử dụng trống xong họ cất trên sàn gác, rất
kiêng kỵ khi không có việc mà xê dịch, đưa ra khỏi vị trí nơi cất trống, vì thế
họ có quan niệm hồn của ngô, của lúa cất sợ tiếng trống vì nên họ làm chay sau
khi mùa màng đã thu hoạch trước khi đưa ra sử dụng phải làm lễ cúng từng chiếc
trống. Trống được treo ở cạnh cửa ra vào, trống ”đực” ở bên trái, trống “cái” ở
bên phải, hai mặt trống quay vào nhau, người đánh trống đứng ở giữa, dùng củ
chuối gõ vào mặt trống theo sự điều khiển (ra điệu bộ bắt nhịp) của thầy cúng,
theo tiếng trống đồng mọi người dự lễ đều vui mừng nhảy múa và hát, lễ hội này
kéo dài suốt một ngày đêm.
Điều đặc biệt là hiện nay, trong các bài cúng của các dân tộc
Mông, Hoa, Cờ Lao… ở Hà Giang đều phải cúng ma người Pu Péo nên người Pu Péo được
coi là “anh cả” ở vùng cao nguyên đá này.
Tộc Pu Péo có những bài hát đám cưới xin dâu giữa nhà trai
và nhà gái suốt 3-4 giờ trở thành một sinh hoạt văn nghệ rất độc đáo. Ðám cưới
là dịp để trai gái ca hát, vui chơi.
Lễ cúng rừng của người Pu Péo.
Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo ở Hà Giang
Lễ cúng rừng của người Pu Péo (Hà Giang) được tổ chức với mục
đích cầu sự an lạc cho vạn vật, sự an lành cho con người, súc vật và cỏ cây…
Người Pu Péo là tộc người chỉ sinh sống ở tỉnh Hà Giang và
tập trung nhất ở xã Phố Là, huyện Đồng Văn. Tuy dân số không đông nhưng người
Pu Péo có bản sắc dân tộc đa dạng và bảo lưu được nhiều truyền thống tốt đẹp.
Trong năm, ngoài tết đầu năm mới, thì Lễ cúng rừng là quan trọng nhất đối với
người Pu Péo.
Với người Pu Péo, lễ cúng thần rừng có một ý nghĩa rất đặc
biệt, họ quan niệm thần phù hộ cho cuộc sống người dân và thần ngụ ở trên rừng
nên từ xa xưa, cụ tổ của dân tộc Pu Péo đã thề ở miếu trước cửa rừng rằng sẽ dạy
bảo con cháu giữ gìn rừng thiêng. Tín ngưỡng thờ giữ rừng, cúng rừng, với người
Pu Péo chính là cúng tổ tiên. Rừng thiêng có vai trò quan trọng trong đời sống
hàng ngày cũng như trong đời sống tâm linh của họ. Bởi vậy, hàng năm, cứ vào
ngày 6/6 âm lịch, người Pu Péo lại tổ chức lễ hội cúng thần rừng vì họ cho rằng,
ngày 6/6 âm lịch là ngày sạch sẽ nhất trong năm, trời đất đều linh thiêng.
Trước khi tiến hành nghi thức, đồ lễ được bày biện trên những
cái nong hoặc lá chuối rừng, bàn thờ được dựng bằng cây trúc màu xanh, cao gần
hai mét, quay mặt về phía đỉnh núi cao.
Lễ cúng được tiến hành qua 4 bước
Bước thứ nhất, dâng lên thần
Rừng những lễ vật vẫn còn sống, gồm 1 con dê và 1 đôi gà; 20 lát bánh nếp được
cắt thành miếng nhỏ bày ở hai nơi: Một phần được bày trên đàn cúng, một phần được
bày trong chiếc nong đặt trước đàn cúng.
Lễ vật được dâng lên cúng thần rừng.
Bước thứ hai, các lễ vật vẫn
còn sống, gồm dê và đôi gà sau khi dâng lên thần rừng sẽ được đem đi mổ thịt.
Sau khi cắt tiết xong thì các con vật và cả tiết của chúng tiếp tục được dâng
lên thần rừng.
Bước thứ ba, các con vật sau
khi được mổ thịt dâng cúng thần rừng sẽ được đưa đi làm sạch sẽ và nấu chín, rồi
đem trở lại đàn cúng để tiếp tục dâng lên thần rừng.
Bước thứ tư là cúng
chúng sinh, thầy cúng sẽ mời hương hồn của tất cả các bậc tiền bối của tộc người
Pu Péo cùng về để chứng kiến lễ cúng thần rừng và cùng với thần rừng ghi nhận
những lời cầu nguyện của tộc người Pu Péo, từ đó thêm phù hộ cho rừng của người
Pu Péo cũng như rừng của các dân tộc khác trên địa bàn mãi thêm xanh và không
ngừng phát triển.
Sau khi cúng đủ bốn bước, già làng và dân bản tới chỗ cây tổ
cao và to nhất khu rừng để thắp hương và báo cáo với thần Rừng là buổi lễ cúng
thần Rừng đã hoàn tất. Sau đó thầy cúng xin thần rừng một ít cây non để bà con
dân tộc Pu Péo trồng vào những khoảng đồi còn trống.
Mục đích của Lễ cúng thần Rừng của người Pu Péo là cầu sự
an lạc cho vạn vật, sự an lành cho con người, súc vật và cỏ cây. Lễ cúng thần rừng
không những có giá trị sâu sắc về tinh thần mà còn khẳng định vai trò, vị trí của
cộng đồng gắn với thiên nhiên. Từ yếu tố tâm linh đến cuộc sống sinh hoạt, lễ
cúng thần rừng là một hoạt động bảo vệ rừng có tính cộng đồng chặt chẽ và đem lại
hiệu quả thiết thực ở vùng cao núi đá.
Ngôi nhà của người Pu Péo ở Đồng Văn.
Kiến trúc nhà ở của người Pu Péo ở Đồng Văn
Theo tài liệu xưa nhất đề cập đến người Pu Péo ở Việt Nam
là Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, viết vào giữa thế kỷ XVIII, với tên gọi La
Qủa. Đến đầu thế kỷ XIX người Pu Péo được ghi với các tên gọi như: Pen ti, Pen
ti Lô Lô, Ka beo và Pu Péo.
Trên địa bàn huyện Đồng Văn nói riêng, tỉnh Hà Giang nói
chung, người Pu Péo mặc dù dân số không đông, nhưng người Pu Péo sống khá phân
tán trên rẻo cao biên giới Việt Trung. Song người Pu Péo không giống người Mông
sống ở trên núi cao mà chọn những bồn địa giữa núi rừng để lập làng. Khu vực cư
trú của người Pu Péo ở xã Phố Là, Sủng Tráng hay Phú Lũng đều thuộc vùng núi giữa,
mang đậm khí hậu á nhiệt đới. Với điều kiện tự nhiên như vậy, người Pu Péo có
thể vừa làm ruộng nước, vừa tận dụng được những thế mạnh của rừng trong cuộc sống
mưu sinh.
Người xưa kể rằng, trước kia người Pu Péo ở nhà sàn, nhưng
do rừng bị tàn phá nhiều nên việc tìm kiếm nguyên vật liệu làm nhà trở lên khó
khăn; vì vậy họ chuyển sang làm nhà đất. Kiến trúc nhà ở của người Pu Péo có
nhiều nét tương đồng với nhà ở của người Hoa và người Mông. Song so với kiến
trúc nhà của người Mông thì nhà của người Pu Péo có nhiều nét nổi trội và khoa
học hơn.
Nhà thường làm 5 gian, những hộ khó khăn thì làm 3 gian. Các
ngôi nhà được làm bề thế và trổ 2 cửa, 1 cửa ở chính gian giữa, một cửa ở gian
bên phải (thoang p’ sau). Trên gác xép được trổ từ 3 đến 5 cửa sổ nhỏ để lấy
ánh sáng trời. Kết cấu khung nhà dựa trên các vì kèo gỗ 3 đến 5 hàng chân. Phần
tường thường dày từ 40 đến 50 cm, được trình bằng đất cứng, có pha lẫn sỏi cuội
hoặc đá dăm nên co sức chịu lực lớn và độ bền cao. Dưới chân tường thường được
xếp một lớp đá cao khoảng 40 đến 50 cm để tránh lún tường do mưa gây ra. Mái
nhà thường được lợp bằng cỏ gianh, nhà nào khá giả lợp bằng ngói máng (ngói âm
dương).
Nhà ở của người Pu Péo khác với nhà ở của người Mông ngoài
2 mái chính còn có thêm mái phụ làm thấp hơn so với mái chính nhằm tránh mưa
gió hắt vào nhà và làm cho ngôi nhà ấm cúng hơn về mùa đông.
Không gian sinh hoạt thường khép kín. Chuồng gia súc gần gian
bên trái. Các gian được phân biệt khá rõ ràng và có ý nghĩa riêng biệt. Gian giữa
(thoang vụ), không phải là nơi thờ tổ tiên như người
Kinh, Hoa, Mông… mà là gian khách; người Pu Péo không coi gian này là nơi linh
thiêng. Nếu gia đình nào hành nghề gia truyền thống như thầy lang, nghề mộc,
nghề rèn… thì có kê bàn thờ Tổ nghề. Gian này được kê giường ngủ giành cho
khách.
Gian bên trái (thoang plu) là gian linh thiêng, chính giữa gian là kê
bếp thiêng (bếp kiềng); trên bếp kiềng có
treo một chiếc ấm đồng để đun nước thờ cúng tổ tiên. Bếp này mỗi ngày ít nhất một
lần nổi lửa, nơi giữ hồn của chủ nhà.
Trước khi vào nhà mới,
người Pu Péo đào đất dưới chỗ đặtbếp kiềng lên
(sâu 20 cm, rộng mỗi chiều 50 cm), đổ cả nước và lông gà vào đó rồi chôn chặt lại
(Gà thịt cúng vào nhà mới). Bên cạnh bếp kiềng kê
dãy phản là nơi để bày các đồ cúng tổ tiên và cũng là chỗ ngủ cho con trai chưa
xây dựng gia đình.
Trên tường có đóng bàn
thờ. Trên bàn thờ chỉ để bát hương, sau bát hương là chiếc hũ; mỗi chiếc hũ tượng
trưng cho một đời người, nhưng nhiều nhất cũng chỉ để đến 5 hũ (tương đương 5 đời).
Gian bên phải (thoang p,sau) được giành cho phụ nữ
và bếp lò (bếp phụ) để nấu ăn hằng ngày. Phía sau ngăn thành gian
buồng nhỏ giành cho các con gái.
Tầng hai (gác xép), có cầu
thang đi lên ngay phía sau, gian giữa. Cầu thang làm một nhịp từ thường là 21 bậc
(không làm số chẵn). Tầng hai được coi là không gian phụ. ở nửa phía bếp lò lát
bằng tre, vầu và cất giữ lương thực, dụng cụ lao động. Phần trên gian giữa thường
kê giường để ngủ nếu gia đình đông con cái, cũng có thể bố trí cho khách ngủ
khi đông người. Làm nhà là một trong những công việc lớn của đời người.
Người Pu Péo quan niệm rằng,
sự thành bại trong cuộc sống của mỗi gia đình, mỗi cá nhân phụ thuộc rất nhiều
vào điền trạch. Chính vì thế, có rất nhiều tín ngưỡng xung quanh ngôi nhà của họ,
từ việc chọn đất đến quá trình chọn cây, cột và xây cất, nghi thức vào nhà mới…
Mặc dù số dân không
đông, nhưng người Pu Péo ở ở Đồng Văn vẫn còn lưu giữ trong ký ức cộng đồng nhiều
nghi lễ và cả một kho tàng văn nghệ giân dân phong phú. Cùng với nghi thức về
nhà mới còn lễ cúng Thần Rừng vào ngày 6/6 âm lịch hằng năm. Cũng chính từ nghi
lễ này nên khu vực nào có người Pu Péo sinh sống rừng được bảo vệ rất tốt, nhất
là khu rừng thiêng.
Trang phục nam, nữ truyền thống dân
tộc Pu Péo.
Trang phục dân tộc Pu Péo
Không mầu mè như một số dân tộc khác, trang phục dân tộc của
người Pu Pép rất đơn giản và bình dị, mầu sắc trang phục gắn liền với thiên
nhiên cây cỏ.
Đàn ông Pu Péo ăn thường mặc bộ quần áo nhuộm màu chàm,
trong khi đó, phụ nữ lại mặc hai áo, áo ngoài chẻ ngực không có khuy để cài (tiếng
địa phương gọi là bok cả) được khâu bằng những miếng vải màu (xanh, đỏ, trắng…).
Chúng được cắt nhỏ, xếp thành hình tam giác, hình vuông hoặc hình quả trám…
Trong khi đó, cổ tay viền thêm những khoanh nhỏ vài màu. Chiếc áo trong cài
khuy bên nách phải (bok tắm), trông giống áo của người phụ nữ Giấy và phụ nữ
người Cờ Lao. Trước đây, phụ nữ Pu Péo thường mặc bok tắm ở trong, bok cả ở
ngoài, ngày nay, đồng bào chỉ thường mặc một loại áo ngắn.
Trang phục nữ dân tộc Pu Péo không có những hoạt tiết hoa
văn cầu kỳ như dân tộc Lô Lô hay mang màu sắc sặc sỡ như dân tộc Mông, Dao…
Trang phục của họ chủ yếu là gam màu trầm, các họa tiết được đáp vào vải nhuộm
chàm. Tuy nhiên, bộ trang phục truyền thống vẫn thể hiện sự khéo léo của đôi
bàn tay và sự tinh tế của dân tộc Pu Péo sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
Phụ nữ Pu Péo thường mặc áo dài đen, bên ngoài có yếm,
trang trí trên y phục chủ yếu bằng cách ghép các miếng vải màu lại với nhau,
tóc vấn trước được gài bằng chiếc lược gỗ bên ngoài phủ tấm khăn vuông, có
trang trí hoa văn nhiều sắc màu sặc sỡ.
Ngoài ra, phụ nữ Pu Péo mặc váy dài hình ống màu đen có gấu
xòe rộng (nhưng không xếp nếp) và thường được trang trí bằng các miếng vải nhiều
màu sắc cắt hoa văn hình học (hình tam giác, hình quả trám, hình vuông). Đó là
những hình cơ bản được chắp ghép tỉ mỉ, khéo léo, tạo nên các họa tiết hình mào
gà, hình mặt trời, thể hiện những ý niệm chung về tín ngưỡng sùng bái.
Người Pu Péo quan niệm hình mặt trời và những quan niệm âm
dương tương hợp là nguồn gốc của sự tăng trưởng, phồn vinh của con người và vạn
vật trong vũ trụ. Phụ nữ Pu Péo rất tinh tế trong việc tạo những bố cục cân đối
trên y phục, đặc biệt họ thường sử dụng hạt cườm các mầu, mặt mài bằng kim loại
để làm chất liệu trang trí và gây ấn tượng mạnh.
Các thiếu nữ Pu Péo thường vấn tóc quanh đầu, bên ngoài quấn
một vành khăn (thường là màu tím sẫm). Thiếu phụ thì búi tóc trước trán, có giắt
một chiếc lược gỗ bên trên, sống lược gọt cong hình hai chiếc sừng; ngoài ra họ
còn đội khăn trong những dịp lễ tết hay tiếp khách, chiếc khăn này cũng mang những
hoa văn hình học nhiều màu sắc xếp liền nhau. Có thể nói, cách vấn tóc thành
búi ở trán và cài bằng chiếc lược gỗ là một trong những đặc trưng văn hóa riêng
biệt của người Pu Péo.
Đồ trang sức của phụ nữ Pu Péo gồm có nhiều loại vòng tay,
vòng cổ, dây chuyền, nhẫn. Bình thường nam giới không mang trang sức, nhưng
trong những ngày cưới họ đeo vòng tay hoặc vòng cổ.
Hiện nay, do nhu cầu cuộc sống phát triển kinh tế và giao
lưu văn hóa giữa các vùng miền, việc may mặc trang phục của đồng bào Pu Péo đã
dần ít đi. Tuy nhiên, những bộ trang phục truyền thống vẫn được cộng đồng người
Pu Péo quý trọng và chỉ sử dụng vào những dịp lễ tết, đám cưới, đám
Phạm khái Hưng (sư tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét