Phát huy bảo tồn nghề dệt dân tộc Lự (Mai Thị Tầm)

Trong 54 dân tộc anh em, người Lự nổi tiếng với nghề truyền thống là trồng bông, nuôi tằm, kéo sợi, dệt vải. Vì thế các sản phẩm dệt thủ công của người Lự nổi tiếng phong phú và tinh xảo.
Ấn tượng ban đầu khi đặt chân tới vùng đất Lai Châu trong tôi không chỉ là những dải núi trùng điệp mà còn là hình ảnh những cô gái chàng trai trong trang phục dân tộc  rực rỡ sắc màu. Đặc biệt trong đó là trang phục dân tộc Lự, một dân tộc thiểu số với chưa đầy 6.000 người, cư trú tập trung chủ yếu ở các huyện Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ.

Từ xa xưa, nghề dệt rất được người Lự coi trọng và xem đó như là thước đo sự khéo léo, là tiêu chuẩn đánh giá vai trò của một người phụ nữ trong gia đình, trong bản. Cho đến nay, truyền thống đó vẫn tiếp tục được phát huy và lưu truyền cho các thế hệ con cháu. Nếu có dịp đặt chân tới bản Hon (huyện Tam Đường) bạn sẽ thấy người dân vẫn tự dệt vải và mặc các trang phục truyền thống hàng ngày. Tới thăm gia đình nào trong bản cũng có thể bắt gặp hình ảnh chiếc khung cửi bên mỗi góc nhà. Âm thanh kĩu kịt của chiếc khung cửi đã trở thành âm thanh đặc trưng nơi đây.
Trang phục dân tộc Lự nổi bật bởi hoa văn thổ cẩm sặc sỡ trang trí trên nền vải nhuộm chàm, cùng nhiều trang sức cầu kỳ. Không chỉ đẹp mắt, chúng còn rất bền chắc, không phai màu.
Phụ nữ Lự tự dệt trang phục cho mình bao giờ cũng gồm có: khăn đội đầu, áo, váy, thắt lưng. Áo dệt bằng sợi bông, nhuộm chàm màu đen hoặc xanh đen, khuy cài vắt sang sườn phải, đính cúc bạc hoặc nhôm, hai ống tay áo phần giáp vai và ống cổ tay đều thêu hoa văn hình sóng bằng các loại chỉ màu. Đường viền cổ áo được thêu nhiều màu sắc với hoa văn quả trám và chân chim. Đặc biệt, có một dải hoa văn mà đồng bào Lự gọi là "con suối uốn lượn" vòng quanh eo áo từ phía trước ra phía sau, được điểm tô thêm các đồng tiền theo hình rẻ quạt, tạo cho áo có độ xòe so với eo. Váy Lự dệt và trang trí thành hai phần, nhìn qua có cảm giác như gồm hai tầng ghép lại. Người phụ nữ Lự trong trang phục truyền thống dường như càng trở nên duyên dáng tự nhiên hơn bao giờ hết..
Trang phục nam giới Lự đơn giản hơn với chiếc quần đen, trông khá giống quần của người Thái, người Lào, nhưng từ phần đầu gối trở xuống bó hơn và có thêu nhiều hoa văn. Áo mặc thường ngày dệt bằng vải thô, áo mặc ngày lễ, ngày hội thì dệt bằng tơ lụa. Đây là loại áo cánh kiểu xẻ ngực, chỉ ngắn ngang thắt lưng. Với những kiểu chắp nối, áo cắt may khi trải ra tạo thành hình bán nguyệt.
Với trình độ dệt thủ công cao cùng tư duy thẩm mỹ đặc sắc, người Lự là một trong số các dân tộc thiểu số có trang phục riêng rực rỡ, độc đáo và được bảo tồn khá nguyên vẹn.
Ngoài quần áo ra thì người Lự còn dệt túi, khăn, địu….Các loại túi này được làm với nhiều kích cỡ khác nhau và trang trí bằng các hoạ tiết hoa văn, các nhúm bông với đủ các màu sắc rực rỡ. Bên cạnh đó, họ còn dệt thêm vỏ chăn, ga, gối để làm thành vật phẩm lưu niệm cho du khách tới thăm. Nhiều khách du lịch trong và ngoài nước rất hứng thú với các sản phẩm này. Anh John Terry, một du khách người Mỹ cho biết: “Tôi khá thích thú với những sản phẩm dệt thủ công của đất nước các bạn. Chúng không chỉ đẹp mà còn rất chắc chắn. Các họa tiết trang trí thì khó có thể bắt gặp ở đâu.Vì thế, tôi sẽ mua về dùng và tặng cho các bạn bè của tôi để giới thiệu về Lai Châu, Việt Nam.”
Để tiếp tục lưu giữ và bảo tồn một cách tốt nhất nghề truyền thống này, hiện nay, nhiều lớp dạy học dệt đã được tổ chức ngay trên địa bàn bản Hon để những người trẻ có thể tiếp thu một cách tốt nhất những tinh hoa truyền thống làng nghề.

Nghề dệt của người dân tộc Lự thật sự là một tiềm năng có thể khai thác, nhân rộng làm sản phẩm du lịch đặc trưng cho dân tộc Lự nói riêng và đặc trưng của du lịch Lai Châu nói chung. Nó sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển phong phú thêm sản phẩm du lịch tại địa phương, cải thiện đời sống của bà con và bảo lưu các giá trị truyền thống của dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét