Hoa văn, họa tiết trên thổ cẩm của người
Pu Peo
Người Pu Péo không thêu trên trang phục các dải hoa văn
chắp ghép bằng vải mầu xanh, đỏ, trắng, tím, vàng, nổi lên rực rỡ viền quanh 2 tà
áo, trên tấm choàng hình quả trám phủ trước váy, quanh gấu váy và trên khăn đội
đầu các hình tam giác, quả trám, hình chữ nhật là những hình cơ bản được chắp
ghép tỉ mỉ, khéo léo tạo nên các họa tiết hình mào gà, mặt trời thể hiện những
ý niệm chung về tín ngưỡng sùng bái. Mặt trời và những quan niệm Âm-Dương tương
hợp nguồn gốc tăng trưởng, phồn vinh của con người và vạn vật trong vũ trụ.
Chủ đề tập trung, hình thức đơn giản, gây được một ấn tượng
mạnh mẽ về mối tương quan, sự chuyển động của sắc mầu để tượng trưng cho sự biến
chuyển của thiên nhiên, biểu trưng cho sự biến ảo kỳ diệu của vũ trụ, vạn vật
là những điều khó khăn trong sự hạn chế của nghệ thuật trang trí, song người Pu
Péo đã thực hiện được trên trang trí y phục của người mình với một mỹ cảm đặc sắc
độc đáo. Những quy tắc bố cục cân đối cứng nhắc đã bị phá vỡ, nhường chỗ cho một
phong cách phóng khoáng, linh hoạt. Hạt cườm các mầu, mặt mài bằng kim loại là
các chất liệu trang trí có giá trị gợi cảm, gây ấn tượng trong đồ án trang trí.
Trong mấy mươi năm gần đây, phụ nữ các dân tộc nói chung,
phụ nữ Pu Péo nói riêng có xu hướng sử dụng những mảnh vải mầu in hoa công nghiệp
hiện đại để cắt, ghép hình trang trí kỷ hà trên trang phục. Dường như trong tâm
thức người ta muốn đưa sự tươi mát, đường nét mềm mại uyển chuyển của tự nhiên
mà họ tìm thấy sẵn trên các mẫu hình in hoa công nghiệp hiện đại, bổ sung cho
trang trí cổ truyền. Song cách làm đó đã phá vỡ tính thuần nhất của nghệ thuật
trang trí, gây ấn tượng có tính chất biểu trưng và đó là những dấu hỏi đặt ra
cho các thế hệ cháu con về sự kế thừa và phát huy vốn trang trí truyền thống của
Ông Bà trao lại, nó báo hiệu cho sự thay đổi nhiều mặt trong trang trí y phục
dân tộc trong tương lai.
Lệ Quyên (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét