Trong bức tranh muôn màu của 20 dân tộc Lai Châu, người dân
tộc Hà Nhì được biết đến bởi sự phong phú, đa dạng về bản sắc văn hóa, với bản
"Trường ca xa nhà ca" hay những tri thức dân gian về rừng, các lễ hội
truyền thống... nhưng không thể không nhắc đến Tết cổ truyền "Có nhè
trà" thường tổ chức vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch, nhằm ngày con
rồng.
Trong các thư tịch cổ đã viết về sự có mặt của người Hà Nhì
ở Tây Bắc Việt Nam từ thế kỷ thứ VIII, nhưng phần lớn tổ tiên người Hà Nhì là lớp
cư dân di cư đến Việt Nam khoảng 300 năm trở lại đây và Tết cổ truyền "Có
nhè trà" là một trong những bản sắc văn hóa vẫn được lưu truyền, gìn giữ
cho tới ngày nay. Tết cổ truyền là dịp để cho mọi người nghỉ ngơi, vui chơi,
các gia đình đi chúc Tết lẫn nhau, từ anh em, họ hàng đến mọi nhà trong bản,
sau một năm lao động, thu hoạch mùa vụ và cũng là tròn một năm theo cách tính của
người Hà Nhì.
Vào những ngày giáp Tết, cùng với chủ động dọn dẹp, vệ
sinh nhà cửa, các đường đi lối lại trong bản, cũng như các sân chơi, nơi các
nam thanh nữ tú và mọi người dân trong bản cùng tổ chức các trò chơi dân gian,
bài hát, điệu múa truyền thống của người Hà Nhì trong những ngày Tết, thì trước
khi mổ lợn và chế biến các món ăn, nhà nào cũng làm bánh chưng, bánh dày từ gạo
nếp nương, đây là lễ vật không thể thiếu được khi dâng cúng tổ tiên. Bên cạnh
đó, lễ vật còn có lợn hoặc gà, tùy theo điều kiện từng gia đình, nhưng hầu như
nhà nào cũng mổ lợn, nếu không thì chung nhau.
Theo tín ngưỡng truyền thống, người Hà Nhì thường cúng cả
bên nội và bên ngoại (bên ngoại chỉ để tượng trưng) đặt bàn thờ ở bên ngoài
phòng của gia chủ, ở một góc nào đó, tuỳ vào sự bố trí, sắp xếp của mỗi gia
đình. Bàn thờ của người Hà Nhì được đặt trong buồng của gia chủ và chủ nhà sẽ
là người đảm nhiệm các nghi thức cúng lễ trong ngày Tết cổ truyền.
Trong những ngày Tết cổ truyền của người Hà Nhì, từ người
già đến trẻ nhỏ, ai cũng đều diện những bộ quần áo mới rực rỡ sắc màu để đi
chơi Tết. Ở các sân chơi của bản sẽ diễn ra rất nhiều những trò chơi như: Đu
quay, đánh cầu bằng tay, chơi cù... và cả những bài hát, điệu múa, hát vui, hát
mừng năm mới, hát dao duyên, đối đáp giữa những chàng trai, cô gái đang đến tuổi
cập kê.
Thùy Trang (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét