Vài nét văn hóa của dân tộc H'Mông (Triệu Văn Phú sưu tầm)



Bản sắc văn hóa nổi bật, đặc trưng của đồng bào Mông là sự chi phối bởi quan hệ dòng tộc, dòng họ. Dân tộc H'Mông đặc biệt quan tâm đến ý thức bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và sự đoàn kết cộng đồng.
Bản sắc đặc trưng đó ảnh hưởng đến luật tục cũng như nơi cư trú của dân tộc H'Mông: bà con thường sống quần tụ theo dòng họ, huyết thống, dựa vào nhau trong cuộc sống mưu sinh.…
người già trong dòng tộc, dòng họ thường xuyên truyền đạt lại cho thế hệ hậu sinh tinh thần đoàn kết, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Trong lịch sử, đồng bào Mông thể hiện tinh thần đấu tranh kiên cường vì sự trường tồn của dân tộc. Khát vọng đó được thể hiện trong hoạt động tín ngưỡng và nghi lễ dân gian, như: lễ đặt tên và nhập hồn cho đứa trẻ mới sinh, là mong muốn đứa trẻ lớn lên sẽ kiên cường, khỏe mạnh (nếu là con trai); nếu là con gái thật sự giỏi giang, khéo léo, dịu dàng. Để tâm nghe kỹ sẽ cảm nhận, điệu khèn dân tộc H'Mông trong tang lễ thể hiện sự tiến quân của đội hình đuổi giặc bằng hình thức chạy quanh người đã khuất, mang ý nghĩa khi còn sống đã chiến đấu bảo vệ dân tộc thì lúc sang cõi vĩnh hằng cũng phải vì dân tộc mà cảnh giác với kẻ thù để đấu tranh bảo vệ bản sắc dân tộc. Đồng bào Mông quan niệm, nếu muốn bảo vệ được sự trường tồn dân tộc trong hoàn cảnh khốc liệt nhất thì bài học đó phải được rút ra từ trong văn hóa mưu sinh. Dân tộc Mông quan niệm, học tập để tham khảo, tiếp thu kinh nghiệm lao động, sản xuất từ các dân tộc khác. Nhưng, trong văn hóa tâm linh, cách làm, cách nghĩ, phương thức sống và ứng xử thì đồng bào Mông không chấp nhận yếu tố tác động từ bên ngoài. Dân tộc Mông thường hành động theo các luật tục, quy ước, phong tục tập quán dân tộc mình. Điều đó đặt ra nhiều suy nghĩ bổ ích trong việc lựa chọn, tiếp nhận các yếu tố ngoại sinh khi giao lưu với bên ngoài. Đồng bào Mông có nguyên tắc bảo vệ mang tính cộng đồng, dòng tộc, dòng họ bền chặt, biểu hiện ở tính cộng đồng là sự thống nhất trong các hoạt động lễ hội, phong tục tập quán, cách thức thờ cúng và nguyên tắc nội hôn tộc người, ngoại hôn dòng họ. Sự cố kết, gắn bó dân tộc, dòng họ, bản làng, gia đình của người Mông rất chặt chẽ. Đồng bào Mông luôn tôn trọng sự điều hành của bề trên như cụ, kỵ, ông, bà, trưởng bản, trưởng dòng họ; con cái tôn trọng bố, mẹ; nề nếp gia phong hòa thuận. Để duy trì sự đoàn kết cộng đồng, người Mông thường chú trọng giáo dục thế hệ trẻ, đặt ra nhiều tập tục, quy ước sinh hoạt mang tính cộng đồng, ai vi phạm sẽ bị lên án gay gắt bằng các hình phạt lao động công ích. Nếu ai vi phạm các tội: trộm cắp, đánh nhau, ngoại tình, nghiện hút thuốc phiện… sẽ bị xử lý theo luật tục của dòng tộc. Ngoài việc bồi thường cho người bị hại còn bị phạt làm việc công ích để xung công quỹ. Qua các hình thức giáo dục này, nhằm nâng cao ý thức tự giác trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân tộc.
Trong lao động, sản xuất, dân tộc H'Mông có nhiều kinh nghiệm sáng tạo, đặc biệt là sự cần cù, chịu khó, làm ra làm, chơi ra chơi. Mô hình quản lý sản xuất theo hộ gia đình, đổi công trong dòng họ, làng bản là những kinh nghiệm quý báu. Trong canh tác, dân tộc H'Mông biết xen canh, gối vụ, khai thác nương, kết hợp phát triển chăn nuôi và làm thêm các nghề phụ đan lát, thêu dệt. Làm bất cứ việc gì người Mông đều có ý thức đạt nhiều mục đích. Khi khai thác thế giới tự nhiên, dân tộc H'Mông thường chọn các loài cây vừa làm dược liệu chữa bệnh vừa làm hàng hóa góp phần tăng thêm thu nhập… Sự khai thác, khám phá đầy sáng tạo này là yếu tố đảm bảo tiết kiệm và giữ gìn tính bền vững của thiên nhiên. Ở đâu, người Mông cũng kết hợp hài hòa các hoạt động văn hóa nghệ thuật, với nhiều loại hình như hát, múa khèn, kể chuyện, các động tác nghệ thuật diễn tả sự tinh tế, chi tiết của văn hóa nghệ thuật. Mô hình quản lý xã hội dân tộc H'Mông dựa trên một cơ sở hệ thống luật tục được xây dựng qua nhiều thế hệ bởi uy tín của gia đình, trưởng họ, già làng, trưởng bản mang tính tự chủ, tự quản. Gia phong và hệ thống luật tục người Mông với bản sắc văn hóa đặc trưng có thể vận dụng vào một số lĩnh vực như quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước theo quy ước, hương ước để xây dựng tình làng, bản, mường.
Gìn giữ, bảo vệ gia phong dân tộc Mông thật sự là nét văn hóa đặc trưng. Đất nước đổi mới, mở cửa, hội nhập và phát triển đã tác động và làm mai một đôi nét về bản sắc văn hóa, nhưng gia phong dân tộc Mông luôn được gìn giữ và bảo vệ.

 Triệu Văn Phú (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét