Nghi thức trong lễ cúng bản.
Điện Biên hiện đang sở hữu rất nhiều Lễ hội quan trọng: Hạn
Khuống (Dân tộc Thái), Lễ mừng măng mọc, Pang Ả, Pang Phóong (Dân tộc Kháng), mừng
cơm mới (Dân tộc Xinh Mun), Ma Khô (của người Mông Xanh), Tủ Cải (Dân tộc dao)…
và một Lễ hội đặc sắc đó là Gạ Ma Thú - Lễ hội cúng bản - một nét văn hóa đặc sắc
của dân tộc Hà Nhì ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Sinh sống ở vùng núi cao nên đặc điểm nổi bật trong lễ hội truyền
thống của dân tộc Hà Nhì là sự gắn bó giữa con người với môi trường xung quanh,
đó là tín ngưỡng sùng bái tự nhiên. Lễ hội là dịp con người giải tỏa, giãi bày
phiền muộn lo âu với thần linh, mong được giúp đỡ che chở vượt qua khó khăn, thử
thách trong cuộc sống hàng ngày.
Lễ cúng bản của người Hà Nhì ở Sín Thầu được tổ chức vào những
ngày con hổ (Khà là), con trâu (Nhù no), con dê (Gió no) của tháng 2 âm lịch hằng
năm; nhưng đặc biệt là vào ngày con Hổ được coi là ngày đẹp, khỏe, nhiều may mắn,
đây cũng là khoảng thời gian dân bản phát nương làm rẫy chuẩn bị gieo trồng vụ
mới. Đây là lễ hội được người Hà Nhì rất coi trọng.
Để lễ cúng bản được diễn ra suôn sẻ, trước ngày lễ diễn ra mọi người
dân trong bản phải họp bàn, phân công chuẩn bị đồ lễ cúng, chọn thầy cúng, đó
là những yếu tố quan trọng quyết định thành công cho buổi lễ.
Nghi lễ diễn ra trong vòng 01 ngày, phải có đủ 6 mâm cúng.
Mâm cúng đầu bản:
Là mâm cúng chính, quan trọng hơn cả, lễ vật phải to hơn các mâm
khác, do thầy cúng chính làm chủ lễ. Đây là mâm cúng chính cho cả bản nên vị
trí đặt mâm cúng phải ở vị trí linh thiêng, phải ở đầu bản và là vị trí cố định
không thay đổi, nơi đặt mâm cúng chính là vị trí gốc một cây Si cổ thụ, trên một
quả đồi nằm ở phía Đông Bắc của bản. Vị trí này đã được dân bản lựa chọn cố định
không thay đổi, được xem là nơi linh thiêng không cho phép bất kỳ một ai tùy tiện
ra vào khu vực này. Chỉ khi nào dân bản tổ chức cúng bản thì mới được phép vào
phát cỏ và dọn dẹp sạch sẽ để làm lễ cúng cho dân bản, với mong muốn cầu cho cả
bản được tốt lành, cho đủ hoa màu, cho mọi người không bị ốm đau, gia súc gia cầm
sinh sôi phát triển, tiền bạc nhiều.Mâm cúng cổng bản:
Cổng bản là lối đi lại ra vào của người dân trong bản cũng như
khách thập phương khi muốn vào bản. Người Hà Nhì quan niệm rằng cổng bản cũng
là nơi mà những thế lực tà ma hay những cái xấu xa đen tối cũng theo đó mà vào
bản quấy nhiễu cuộc sống của dân bản nên mỗi khi làm lễ cúng không thể không
cúng cổng bản, từ đó nhằm ngăn chặn xua đuổi tà ma, các thế lực xấu xa đen tối
không cho vào bản, đồng thời cầu mong hạnh phúc niềm vui và sự no đủ cho dân bản.
Trong lễ cúng bản của người Hà Nhì có rất nhiều điều cấm kỵ, trong đó có tục cấm
bản, khi cổng bản được dựng lên, lễ cúng bản bắt đầu thì việc cấm bản có hiệu lực,
theo đó, mọi người trong bản không được phép ra ngoài, người ngoài bản cũng
không được tự ý vào bản. Mâm cúng thần núi (Phía Tây)
Người Hà Nhì lâu nay sinh sống trong môi trường rừng núi cuộc sống
hoàn toàn dựa vào thiên nhiên, kể cả những hoạt động sản xuất vì vậy người Hà
Nhì gửi gắm vào thế lực siêu nhiên niềm tin và những ước nguyện của mình và
trong đó có Thần núi. Mâm cúng có ý nghĩa cầu sức khỏe cho dân bản, cầu cho cây
lúa, cây ngô tốt tươi.
Mâm Cúng thần lửa (Phía Nam)
Người ta thực hiện lễ cúng Thần lửa với ý nghĩa diệt lửa, cúng diệt
lửa để cầu mong không gây hỏa hoạn cháy rừng, cháy nhà, cháy vật nuôi gia súc
chăn thả trên rừng. Lửa sẽ sưởi ấm cho con người, cây trồng và vật nuôi khi đêm
đông giá buốt; lửa cũng giúp cho linh hồn của những người chẳng may bị hỏa hoạn
mà chết sẽ được siêu thoát.
Mâm Cúng thần đất (Phía Bắc)
Thần đất được người Hà Nhì gọi là Thủ Tý, nghi lễ cúng thần đất được
diễn ra dưới gốc một cây Si cổ thụ (cây Si là cây sống lâu năm dẻo dai được xem
như sự trường tồn, khỏe mạnh của dân bản). Lời cúng mang ý nghĩa mong thần phù
hộ cho dân bản sống khỏe mạnh, không cho thú dữ phá hoại mùa màng, không nhiễu
hại dân bản, bảo vệ ruộng nương.
Mâm Cúng thần Rừng (Phía Đông)
Sinh sống lâu đời trong môi trường tự nhiên có sự cân bằng sinh
thái với đầy đủ các yếu tố cho cuộc sống con người, rừng lấy gỗ dựng nhà, làm
chất đốt và đất để làm nương, rẫy lấy lương thực. Theo quan niệm của người Hà
Nhì thì mọi thứ đều có người cai quản, việc thờ cúng Thần rừng để thần giữ rừng
cho dân, theo họ, giữ được rừng là giữ chính cuộc sống của họ. Từ đó, giúp dân
tộc Hà Nhì củng cố thêm luật tục của tổ tiên trong đó có luật tục bảo vệ cái
cây, ngọn cỏ, muôn thú, tất cả những gì mà cha ông họ đã giữ gìn và truyền lại.
Trong ngày diễn ra lễ cúng bản, những hoạt động văn nghệ, các trò
chơi dân gian cũng được diễn ra song song, nhưng trò chơi chủ yếu là đu quay,
ném còn, đánh cù....ngoài ra còn có các điệu múa truyền thống của dân tộc Hà
Nhì. Tất cả các thành viên trong bản không kể già trẻ, trai gái, mọi người đều
tham gia.
Lễ cúng bản của dân tộc Hà Nhì là lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc
cần được bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần phát triển nền văn hóa tỉnh Điện
Biên nói riêng và của Việt Nam nói chung "tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”./.
Liên hoan sau lễ cúng
Lý Thào (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét