Dân tộc Cao Lan (còn gọi là Sán Chay) ở Tuyên Quang có số
dân hơn 60.000 người, cư trú chủ yếu ở 37 xã thuộc 3 huyện Sơn Dương, Yên Sơn,
Hàm Yên. Cũng giống như các dân tộc khác, Tết cổ truyền của người dân tộc Cao
Lan chứa đựng và mang đậm bản sắc riêng, độc đáo với những phong tục tập quán tốt
đẹp, lễ, hội đặc sắc của mình.
Tết Nguyên đán của người Cao Lan thường được bắt đầu từ
25, 26 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng. Trong những ngày này, mỗi tối trước
khi đi ngủ, chủ gia đình thắp một nén hương thơm lên bàn thờ, mang ý nghĩa
thông báo và mời tổ tiên về ăn tết, đón xuân cùng con cháu.
Người dân tộc Cao Lan thường tự làm bánh chưng, bánh gai,
bánh rán, bánh chè lam để ăn tết... Bánh chưng của người Cao Lan có hình trụ
dài, có thể vắt được trên vai (nên có nơi còn gọi là bánh vắt vai), chắc nịch,
bánh xanh dẻo quyện với hương thơm của gạo đỗ mới và thịt lợn hồng. Một loại
bánh nữa được ưa chuộng là bánh gai.
Cùng với các sản phẩm từ gạo nếp, người dân tộc Cao Lan
còn làm bún, món ăn phổ biến trong các dịp lễ tết. Do được làm hoàn toàn thủ
công nên bún của người Cao Lan rất trắng, mềm mà dai, thơm ngon.
Tùy theo từng dòng họ mà cách bài trí bàn thờ tổ tiên trong
ngày Tết cũng khác nhau. Nhưng nhìn chung là có mâm ngũ quả, cành đào, cành mận
hoặc hoa hải đường… bàn thờ thường được phân chia làm hai khu vực. Nơi trang trọng
nhất thờ tổ tiên, những cụ tổ đã ngoài 5 đời; bàn thờ này chỉ có hoa thơm, quả
ngọt và nước trà tươi vì theo quan niệm đã qua 5 đời thì các cụ đã thành tiên
nên đồ cúng phải tinh khiết. Bên dưới là bàn thờ các cụ tổ trong phạm vi dưới 5
đời và đồ cúng trong những ngày tết là thức ăn mặn.
Các phong tục đầu năm là những nét đẹp trong truyền thống
văn hóa của dân tộc Cao Lan, vẫn luôn được bà con tiếp tục duy trì và gìn giữ,
mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc và những giá trị tinh thần to lớn.
Vi Đức Hồi (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét