Phong tục cưới hỏi của dân tộc H'Mông (Thùy Trang sưu tầm)

Tiếng khèn gọi tình (Ảnh: sưu tầm)
    
Người dân tộc mông có nhiều phong tục tập quán đặc sắc rất riêng, trong đó phong tục tập quán về cưới xin để lại những dấu ấn bản sắc mang tính truyền thống cả người mông nhiều hơn cả. Đám cưới của người Mông Thường được tổ chức vào mùa xuân hay cuối mùa đông vì đồng bào dân tộc Mông kiêng những tháng có sấm sét. Hôn nhân của người Mông cũng tuân theo những nghi lễ như dặm hỏi, ăn hỏi và lễ đón dâu.

      Bao giờ cũng vậy, xuân về tết đến cũng là dịp để thanh niên nam nữ Mông có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu nhau, đó có thể là các phiên chợ cuối năm, hội hè trong những ngày lễ tết hay đơn giản chỉ là những buổi đi lấy củi, địu nước chuẩn bị cho một năm mới,…
      Khi trai gái đã ưng ý và thề nguyền đi đến hôn nhân thì họ sẽ về báo cáo với bố mẹ và dòng họ. Nếu bố mẹ, dòng họ hai bên gia đình đồng ý thì nhà trai sẽ chọn ngày để tiến hành mời ông mối sang đánh tiếng dặm hỏi, rồi tiến tới lễ ăn hỏi rồi đến lễ cưới.
      Lễ dặm hỏi bắt buộc phải có hai ông mối mà tiếng Mông gọi là “ txiv tuôv mình kông” và “ txiv lự mình kông” thông thuộc các bài hát nghi lễ cưới xin mà tiếng dân tộc Mông gọi là “ dè sông ” giúp nhà trai sang nhà gái làm các thủ tục dặm hỏi hẹn ngày đón dâu. Đám cưới người Mông bao giờ cũng có phù dâu và phù rể, phù dâu phù rể đều do nhà trai chọn lựa ( thường thì phù dâu là em gái ruột hay em gái họ của chú rể, còn phù rể là anh em họ nhà chú rể). Phù rể sẽ cùng chú rể quỳ lạy tổ tiên nhà gái trước khi rước dâu đi. Sau khi hoàn tất các thủ tục cô dâu được hai người anh em trong gia đình dắt tay ra cửa chính trao cho người đón dâu. Đám đón dâu đi lẻ về chẵn, theo phong tục nhà gái không đưa dâu đến nhà trai. Quãng đường đón dâu về nhà trai dù xa hay gần thì cũng nhất thiết phải nghỉ giữa chừng ăn cơm nắm do nhà gái chuẩn bị sẵn. Cô dâu về tới trước cửa nhà trai còn phải làm một nghi lễ nhập ma nhà chồng mới được vào cửa.
      Đám cưới của người Mông thường được tổ chức linh đình nhất vào mùa xuân, người ta quan niệm mùa xuân là mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở mà con người không nằm ngoài vòng quay đó. Thế nhưng không phải câu chuyện tình yêu nào cũng có một cái kết có hậu mà không phải trải qua sóng gió.
      Trong thực tế, có rất nhiều đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng lại không được một hoặc cả hai bên gia đình đồng ý. Khi cha mẹ đã không đồng ý mà đôi trai gái này tự tìm đến sống với nhau thì không những bị coi là bất hiếu mà cuộc hôn nhân đó còn không được cộng đồng chấp nhận. Thế nên tục kéo vợ có thể được coi là một giải pháp tốt đối với những đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng lại gặp phải trở ngại từ phía gia đình. Khi đó chàng trai sẽ bàn cách tiến tới hôn nhân bằng tục “ kéo vợ”, vì khi đã kéo con gái nhà người ta về đến nhà trai thì bắt buộc cả hai gia đình phải chấp nhận nếu không người con gái sẽ mất danh dự và cả cộng đồng cho rằng đã lấy qua một đời chồng.
      Khi kéo vợ về đến nhà trai, mẹ chồng sẽ lấy một bộ áo váy mới cho người con gái mặc rồi đôi vợ chồng trẻ đứng trước cửa ( cửa chính) quay mặt vào nhà. Bố chồng hoặc bác, chú bên nhà chồng lấy con gà trống vừa cua trên đầu đôi vợ chồng trẻ vừa đọc một bài nghi lễ, khi đọc xong đôi vợ chồng mới được phép vào nhà và lúc này cô gái đã chính thức trở thành một thành viên của nhà trai và được mọi người chấp nhận là đã lấy chồng. Cô gái sẽ ở nhà chồng đủ ba ngày, trong ba ngày đó cô gái không phải đi nương với nhà chồng mà chỉ làm những việc trong nhà thôi. Ngày thứ ba kể từ khi về nhà chồng, nhà trai sẽ chuẩn bị một số đồ đơn giản để đi sang nhà gái như bánh dày, một đôi gà trống, hai lít rượu, đoàn người sang nhà gái gồm cô dâu, chú rể, bố chồng hoặc bác trai chú rể. Khi đến nhà gái thì chú rể phải quỳ lạy các thành viên trong nhà gái( trừ những người ít tuổi hơn cô dâu như em trai, em gái) để làm quen. Nhà gái sẽ nấu một bữa cơm tiếp nhà trai, tại bữa cơm này họ sẽ bàn bạc đến việc chuẩn bị sính lễ, cũng như hẹn ngày cưới.


Đồ sính lễ ( Ảnh: sưu tầm)
     
Dù việc tiến tới hôn nhân bằng cách nào kéo vợ hay ăn hỏi thì đồ sính lễ là như nhau. Đồ sính lễ do nhà trai chuẩn bị bao gồm: một con lợn khoảng 90kg đến 100kg; 40 lít rượu nấu bằng ngô hay thóc; tiền mặt khoảng từ hai triệu đến mười triệu; bốn con gà đã luộc chín; một túi xôi to để ăn khi nghỉ dọc đường; một ít thuốc lá và một ít tiền đề phòng phát sinh. Tuy nhiên cũng tùy thuộc vào từng khu vực khác nhau mà đồ sính lễ cũng khác nhau như về tiền mặt có nơi chỉ lấy hai triệu nhưng có nơi lấy tới hơn chục triệu.
     Và một điều đặc biệt hơn là trong lễ cưới nào nhà trai cũng phải chuẩn bị một chiếc ô dài màu đen( bắt buộc ) để hôm đám cưới ông mối ( txiv tuôv mình kông ) sẽ mang trao cho ông mối bên nhà gái rồi treo bên dưới bàn thờ tổ tiên, đến khi rước dâu về ông mối bên nhà gái lại trao lại cho ông mối bên nhà trai. Lúc nghỉ ăn cơm nắm giữa đường kể cả lúc đi và lúc về đều không được dùng thìa để ăn mà phải bốc hoặc ăn bằng đũa tự vót giữa đường , không được uống rượu bằng chén mà uống bằng lá.


Nghi lễ trao ô ( ảnh: sưu tầm)
    
Chính vì vậy, có thể nói người Mông có rất nhiều tục lệ với những ràng buộc khắt khe xong bên trong đó chứa đựng các yếu tố nhân văn rất tình người. Được xử lí linh hoạt trên cơ sở đoàn kết thương yêu, nó chính là nhân tố để giữ gìn sự gắn bó của cộng đồng và bảo lưu các giá trị văn hóa độc đáo của họ. Văn hóa, phong tục tập quán của người dân tộc Mông là một thành tố văn hóa Việt Nam, bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Mông đã đóng góp và làm phong phú cho nền văn hóa Việt Nam “ thống nhất trong đa dạng, đa dạng trong thống nhất” .
       Tìm hiểu văn hóa dân tộc Mông góp phần nâng cao nhận thức cho mỗi cán bộ để góp phần làm tốt công tác vận động quần chúng dân tộc Mông tham gia vào việc bảo vệ vững chắc chủ quyền- an ninh quốc gia.

 Thùy Trang (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét