Người Bru - Vân Kiều (Minh Thúy)

Kèn A-mam nhạc cụ độc đáo của người Bru-Vân Kiều 

Ở Việt Nam, theo điều tra dân số năm 2009, người dân tộc Bru - Vân Kiều có khoảng 740.506 người, cư trú tại 39 trên tổng số 63 tỉnh và thành phố. Họ tập trung tại Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đăk Lăk. Quảng Trị là tỉnh tập trung đông nhất (55.079 người) và Thanh Hóa ít nhất (38 người).

Ngườidân tộc Bru vốn là dân cư nông nghiệp, có trình độ tương đối phát triển. Xưa kia, họ sinh sống tập trung ở vùng Trung Lào. Sau những biến động của lịch sử diễn ra hàng thế kỷ, họ phải di cư đi các nơi. Một số đi theo hướng Tây - Bắc sang Thái Lan, một số đi theo hướng Đông, tụ cư tại miền núi phía Tây Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế của Việt Nam. Khi đến Việt Nam, họ dựng làng xung quanh hòn núi Vân Kiều, để rồi người Việt lấy tên hòn núi ấy đặt cho một tổng của người Bru, sau đó là tên một dân tộc Bru - Vân Kiều.
Nông nghiệp của Bru - Vân Kiều truyền thống là làm ruộng nước và nương rẫy, có sự bổ sung của săn bắn và đánh cá. Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm dành chủ yếu cho các lễ cúng hơn là cải thiện bữa ăn. Nghề thủ công của người Bru - Vân Kiều đặc sắc, thể hiện ở phong tục hôn nhân, nghệ thuật âm nhạc truyền thống, kiến trúc và phong tục.
Hôn nhân: Trong phong tục đám cưới của người dân tộc Bru - Vân Kiều, nhà trai trao cho nhà gái một thanh kiếm. Cô dâu khi về nhà chồng thường trải qua nhiều nghi lễ phức tạp: bắc bếp, rửa chân. Trong họ hàng, ông cậu có quyền quyết định khá lớn đối với việc lấy vợ, lấy chồng cũng như làm nhà, cúng bái của các cháu.
Nghệ thuật âm nhạc: Nhạc cụ truyền thống của người dân tộc Bru - Vân Kiều là những loại trống, thanh la, chiêng núm, kèn (amam, ta-riềm, Khơ-lúi, pi),  đàn (achung, pơ-kua...). Dân ca của họ có những làn điệu như “chà chấp”, lối vừa hát vừa kể rất phổ biến, hay “sim”, hình thức hát nam nữ. Ca dao, tục ngữ, truyện cổ các loại của người Bru - Vân Kiều rất phong phú.


Kiến trúc của người dân tộc Bru - Vân Kiều là nhà sàn nhỏ, phù hợp với quy mô gia đình, bao gồm cha, mẹ và các con chưa lập gia đình riêng. Đó là cấu trúc gia đình nhỏ, khác với một số dân tộc ở Tây Nguyên. Nếu ở gần bờ sông, suối, các nhà trong làng tập trung thành một khu trải dọc, mặt quay ra sông suối. Nếu ở chỗ bằng phẳng, các ngôi nhà trong làng xếp thành vòng tròn hay hình bầu dục, trung tâm là nhà công cộng ở giữa.
Nhà truyền thống của người dân tộc Bru - Vân Kiều là nhà sàn có hai mái, thường lợp bằng lá cọ, lá mây. Chiều dài của ngôi nhà dài tùy thuộc vào nhân khẩu và khả năng kinh tế của mỗi gia đình. Dẫu dài hay ngắn thì chỉ có hai cửa chính:  một dành cho nữ, một dành cho nam và khách. Hai đầu hồi có những hình trang trí bằng gỗ theo kiểu sừng trâu, chim, vừa mang ý nghĩa thực dụng (tránh tốc mái), vừa mang ý nghĩa trang trí và mang ý nghĩa tâm linh.
Trang phục nam giới của người Bru - Vân Kiều là ở trần, đóng khố, để tóc dài hoặc búi. Trước đây, người Bru - Vân Kiều thường lấy vỏ cây Sui làm khố, áo.


Trang phục nữ giới là áo, váy. Áo có đặc điểm xẻ ngực, nhuộm chàm đen, có trang trí hàng kim loại bạc hình tròn ở mép cổ và hai bên nẹp áo. Có nhóm mặc áo chui đầu không tay, cổ khoét hình tròn hoặc hình vuông. Váy trang trí theo các mảng lớn trong bố cục dải ngang. Gái chưa chồng búi tóc về bên trái, sau khi lấy chồng búi tóc lên đỉnh đầu. Trước đây, phụ nữ Bru - Vân Kiều ở trần, mặc váy. Váy dài quá gối 20 - 25cm.
Phụ nữ Bru - Vân Kiều đội khăn bằng vải quấn thành nhiều vòng trên đầu, rồi thả sau gáy, cổ đeo tràng hạt cườm, mặc áo cánh xẻ ngực, dải tay màu chàm, cổ và hai nẹp trước áo có đính các trang sức bằng bạc tròn, nổi bật trên nền chàm, tạo nên một cá tính khá riêng biệt và ấn tượng trong diện mạo trang phục các dân tộc Việt Nam.

Minh Thúy (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét