Nghi lễ ăn hỏi của dân tộc Giáy - Ảnh: Sưu tầm
Người Giáy ở Lào Cai cư trú chủ yếu ở các
huyện Sa Pa, Bát Xát, Bảo Thắng và thành phố Lào Cai. Cũng như các dân tộc anh
em khác, thanh niên nam nữ dân tộc Giáy đến tuổi trưởng thành được tự do tìm hiểu
bạn đời, họ thường tìm hiểu nhau thông qua các hoạt động văn hoá cộng đồng… Khi
tình duyên đã thắm nồng, chàng trai về báo cáo gia đình và chuẩn bị các nghi lễ
ăn hỏi.
Để lễ ăn hỏi diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống, nhà
trai phải lựa chọn mời bà mối (bà mối phải là người tuổi cao hoặc tương đương với
cha mẹ chú rể, có uy tín, am hiểu mọi nghi lễ và khéo nói). Gia đình nhà trai
chuẩn bị lễ nhỏ "Tằm tu" nhờ bà mối sang nhà gái xin ý kiến gia đình
và cô dâu. Nếu nhà gái đồng ý, bà mối mượn "sư mình"(giấy khai sinh)
của cô gái mang về nhờ thầy mo, thầy tào xem ngày sinh, tháng đẻ của 2 người có
hợp không, bước này gọi là "hạp sư mình" tức là khớp tuổi. Để có được
tấm "sư mình" bằng một vuông vải đỏ do thầy mo, thầy tào viết, gia
đình phải đem theo một con gà, một chai rượu đến lễ thầy.
Sau khi xem, nếu tuổi hai người không hợp, nhà trai có thể trả lại giấy khai sinh cho nhà gái cùng một lễ nhỏ gồm: 1 con gà, 1 chai rượu, 1 kg gạo và có lời để nhà gái thông cảm. Ngược lại, nếu hai tuổi hợp nhau thì bà mối sẽ bàn bạc, trao đổi để tìm ngày ăn hỏi chính thức.
Cô dâu - Ảnh: Sưu tầm
Theo quan niệm của người Giáy, sau khi có lễ ăn hỏi chính
thức thì đôi trai gái coi như đã đính hôn. "Cỏ siếu lý" (lễ ăn hỏi)
chính thức được tổ chức khá linh đình, chu đáo và đây cũng là lễ công bố cho
toàn thể gia đình, họ hàng biết việc đính hôn của đôi lứa.
Tưng bừng kèm thổi - Ảnh: Sưu tầm
Trong lễ ăn hỏi, nhà trai phải mời thêm một bà mối nữa gọi
là "già sấu". Hai bà mối có trách nhiệm trao đổi, bàn bạc đi đến thống
nhất mọi việc với gia đình nhà gái. Cũng trong lễ ăn hỏi, "già sấu"
chủ động đặt vấn đề về đồ lễ cưới. Sau khi đã thống nhất đồ thách cưới (rượu, gạo,
thịt, gà, vịt, quần áo, vòng tay, vòng cổ, chăn màn…), số lượng nhiều ít tuỳ
theo đòi hỏi của mỗi gia đình.
Nghi lễ trong lễ ăn hỏi - Ảnh: Sưu tầm
Sau đó nhà trai nhờ thày mo, thày tào xem ngày lành, tháng tốt và nhờ "già sấu" sang nhà gái "pảo vấn di" (báo ngày tốt). Trước kia, trong lễ thách cưới, ngoài những lễ vật thông thường như đã nêu trên, nhà gái còn đòi hỏi có thêm một con lợn, một cỗ quan tài dành cho bố hoặc mẹ cố dâu trước khi mất, đó cũng là đạo lý báo hiếu cha mẹ của chàng rể. Ngày nay, tục lệ đó gần như được xoá bỏ.
Nét đẹp của người Giáy - Ảnh: Sưu tầm
Lý A Sùng (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét