Xuân năm nay ở Y Tý đẹp và trong trẻo với nắng vàng rót mật
cùng biển mây trắng xốp. Ngày xuân đẹp trời, người Hà Nhì trong thôn bản ở Y Tý
đang nô nức chuẩn bị cho lễ tảo mộ của một vài nhà trong bản.
Từ sáng sớm, những người phụ nữ Hà Nhì đã
thức dậy chuẩn bị chu đáo trang phục truyền thống để mặc trong lễ tảo mộ. Họ
cũng sắm sửa đồ lễ như gà trống, gạo nếp, trứng luộc, vàng hương… và mang theo
ra khu phần mộ để cúng tế.
Ngọn đồi cao giữa bốn bề núi non là nơi tập
trung phần mộ của cả bản làng người Hà Nhì. Năm nay, trong làng có một vài phần
mộ đã đủ ba năm để thực hiện lễ tảo mộ. Không chỉ riêng gia đình người đã khuất
đến để sửa sang, làm sạch mộ phần mà cả bản làng ai ai cũng chung sức một tay
đưa người đã khuất rời chuyển nhà mới.
Những người phụ nữ Hà Nhì cho biết, lễ tảo
mộ là một trong những lễ chính của mùa xuân. Tảo mộ không có nghĩa là buồn đau,
ma chay mất mát mà là vui vẻ sang mộ cho người thân đã khuất. Vì vậy, họ không
quá đau buồn trong dịp lễ này mà nhận thấy đây là dịp để sửa sang, thăm viếng
phần mộ cho người thân được êm ấm nơi bên kia thế giới.
Người mẹ trẻ cũng địu con đến tham gia lễ
tảo mộ. Để con hiểu được từng tập tục nghi lễ khi con còn chưa biết nói, nhưng
đã biết lắng nghe, biết quan sát những văn hóa truyền thống của cha ông để lại.
Có thể thấy rõ sự khác nhau trong trang phục
truyền thống của người phụ nữ Hà Nhì. Cô gái chưa chồng có khăn đội đầu và áo
được trang trí với nhiều cúc bạc, hạt cườm và tua rua bằng các loại chỉ nhiều
màu sắc. Áo cài cúc bên nách phải có nẹp ngực được trang trí điểm một hàng đường
thêu.
Phụ nữ có chồng sẽ có vấn tóc tết quấn
vòng trên đầu cùng những bông đen vấn chặt. Nhưng nét đặc trưng trong trang phục
phụ nữ Hà Nhì chính là áo hình mai rùa và hai màu nổi bật xanh đen.
Lễ cúng đầu tiên bằng tiết gà trống trước
cửa mộ. Đầu mộ được dựng cây nêu treo hình các con giống để mọi người cầu nguyện.
Gà luộc chín sau khi cúng lễ sẽ được chuẩn bị cho bữa ăn hưởng lộc sau khi đã kết
thúc việc cúng tế.
Trai tráng trong làng, người thì lo sửa
sang phần mộ, làm sạch cỏ, gia cố, sơn trát trên mộ phần. Người lại làm thịt
gà, giết mổ lợn để chuẩn bị cho lễ tế.
Gà chân đen được cắt tiết, luộc nguyên con
để cúng trong phần lễ.
Cầu nguyện xong, đàn ông làm thịt lợn ở một góc rừng. Đàn
bà làm bánh giày và chuẩn bị đãi tiệc.
Nghi thức chính mời người chết về dùng cỗ được tổ chức ngay
tại cửa mộ. Khi tiến hành nghi thức, mọi người tham gia lạy tạ và rót rượu vào
một cái tô lớn đặt trên mộ, sau đó những người thân lớn tuổi chia thức ăn vào
lá chuối và đặt từng phần lên cửa mộ, họ đốt nhang và đồ giấy.
Sau khi lần lượt người trong bản thắp hương cho mộ phần và đốt vàng mã thì sẽ có bữa ăn hưởng lộc. Đây là bữa ăn thể hiện tình đoàn kết của dân bản với gia chủ.
Sau khi lần lượt người trong bản thắp hương cho mộ phần và đốt vàng mã thì sẽ có bữa ăn hưởng lộc. Đây là bữa ăn thể hiện tình đoàn kết của dân bản với gia chủ.
Lễ tảo mộ không chỉ do gia đình người đã khuất tổ chức mà tất cả các gia đình trong bản đều đóng góp đồ cúng, tham gia dọn dẹp phần mộ. Đây không chỉ là một nét văn hóa truyền thống Hà Nhì mà còn thể hiện vẻ đẹp của tình người trong sự đoàn kết, chia sẻ khó khăn, ngọt bùi của dân tộc Hà Nhì.
Lý Văn Sùng (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét