Ngày đầu tiên trong ba ngày làm lễ cúng rừng cấm. Trong đời sống
người Hà Nhì rừng quan trọng lắm, ông thần rừng che chở cho bản làng, cung cấp
cho con người thịt chim thú và rau quả. Chính vì vậy, theo phong tục lễ cúng
trên rừng cấm chỉ được tập trung những trai bản khoẻ mạnh, những thợ săn điêu
luyện, họ tự mang lợn, gà, nếp thơm mang lên làm lễ vật báo cáo và trả ơn thần
trong trong năm qua đã cho thợ săn nhiều con thú, nhiều rau quả tươi xanh. Sau
khi cúng xong, họ tự ăn uống chúc tụng nhau đi săn không bị hổ, gấu vồ,
nhà nào cũng có thịt sấy treo đầy trên gác bếp.
Lễ cúng quan trọng thứ hai là lễ cúng bản, diễn ra ở đầu bản và cuối
bản. Trong lễ cúng này cả bản đều tham gia để cầu mong trong năm bản làng bình
yên, chăn nuôi, cấy trồng mùa màng tươi tốt, không bị dịch, sâu bệnh. Sau lễ
cúng người nào cũng cố mời nhau về nhà mình ăn uống, thưởng thức rượu ngô đầu
mùa mới nấu, cơm nếp nương dẻo thơm. Theo quan niệm xa xưa, nhà nào có nhiều
khách, hết nhiều rượu thì sẽ may mắn. Sau bữa ăn mọi người lấy cơm nếp vo tròn
ném vào nhau với ý nguyện mùa sau thóc gạo sẽ dư thùa.
Sáng ngày thứ ba, khi con gà rừng chưa gáy, núi rừng còn phủ một
màn sương trắng thì cả bản đã thơm lừng mùi cơm nếp, bánh ngô. Trong ba ngày
cúng bản, các thiếu nữ váy áo sặc sỡ, tập trung từng tốp chơi cầu. Quả cầu được
làm bằng lông gà và vỏ cây chuối khô. Người nào làm rơi cầu sẽ bị cả tốp xúm lại
véo tai đến khi hai tai đỏ lừ mới thôi. Tại các gia đình, phụ nữ dậy sớm đồ
xôi, làm bánh ngô để làm quà tặng cho những vị khách ở xa đến bản. Người Hà Nhì
lâu ngày gặp nhau cũng khóc, chia tay cũng khóc.
Lý Thào (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét