Lễ cầu an theo tiếng Ba Na gọi là Puh hơ drih được tổ chức
với ý nghĩa xua đuổi những điều xấu, dịch bệnh khỏi buôn làng. Là dịp để người
Ba Na thể hiện tinh thần đoàn kết, góp phần giáo dục con cháu bảo tồn nét văn
hoá truyền thống của dân tộc mình.
Nét đẹp văn hóa của người dân tộc Ba Na
Vào ngày lễ hội, tất cả thành viên trong buôn đều tập trung
trước nhà Rông để làm lễ cúng thần. Già làng là người chủ trì buổi lễ. Già làng
cầm khiên, đao đi đầu, bên cạnh là một thanh niên đeo mặt nạ cầm mác; tiếp sau
là 4 thanh niên mang theo hình nộm. Tiếp nữa là 2 thiếu nữ, mỗi người cầm cây
lá đót. Cuối cùng là đội cồng chiêng và đi sau là toàn thể dân trong buôn. Giờ
phút được chờ đợi nhất của lễ hội đó là lúc Già làng làm lễ cầu khấn các thần
linh phù hộ, người dân làm các động tác hú gọi xua đuổi tà ma trong tiếng cồng
chiêng nổi lên dồn dập. Việc xua đuổi những con ma xấu diễn ra cho đến khi đoàn
người đi hết khắp buôn làng, đuổi dồn về cuối buôn. Lúc này, tất cả các đạo cụ
như: Hình nộm, lá đót, mặt nạ… được dân làng bỏ lại, rồi đoàn người quay về tập
trung tại nhà Rông. Ngay sau phần lễ, tất cả dân làng cùng đánh cồng chiêng với
vũ điệu xoang truyền thống của người Ba Na, trình diễn trang phục cổ truyền, uống
rượu cần, liên hoan ẩm thực và hát dân ca.
Lễ hội cầu an hiện nay vẫn được lưu giữ và bảo tồn. Lễ hội
cũng là dịp để đồng bào Ba Na giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc, thể hiện
tinh thần đoàn kết, giáo dục con cháu bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống
của dân tộc mình nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung và góp phần quảng bá
cho khách du lịch trong và ngoài nước biết đến.
Mạnh Hà (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét