Đám cưới rộn ràng của người dân tộc Ba Na
Trước đây, trai gái Ba Na khi đến tuổi trưởng thành (20
tuổi đối với nam; 18 tuổi đối với nữ), được tự do yêu thương, tìm hiểu lẫn
nhau, nhưng quyền quyết định đi đến hôn nhân không phải không có ảnh hưởng của
cha mẹ. Chính vì vậy, trong ngôn ngữ của người dân ở đây tồn tại hai thuật ngữ
hôn nhân. Trong trường hợp trai gái tự do yêu đương và tìm người bạn đời tiến tới
hôn nhân, người dân gọi là chărơihkơ
ding (hôn nhân tự chọn); trường hợp cha mẹ quyết định gả bán con theo
ý kiến riêng của mình, người dân gọi là mẽ
bă pơ giao ăn (cha mẹ gả bán).
Hiện nay, trai gái
yêu thương và tự nguyện đến với hôn nhân phổ biến hơn nhiều so với quyết định gả
bán của cha mẹ. Tuổi kết hôn cũng đang co xu hướng tăng lên, thường con trai
trên 25 tuổi mới lấy vợ, con gái khoảng 20 tuổi mới lấy chồng. Việc gả bán con
cái theo ý riêng của cha mẹ thường chỉ xảy ra giữa gia đình giàu có với gia
đình nghèo vì lý do kinh tế, hay sắc đẹp. Vấn đề mang tính quyết định để đi đến
hôn nhân, trong thời điểm hiện tại là trai gái phải thương yêu nhau. Tiêu chuẩn
chọn lựa bạn đời, đó là trung thực, khỏe mạnh, giỏi làm rẫy, trai có tài săn bắn,
lấy củi, gái thạo đan lát, dệt vải.
Từ lúc yêu nhau cho
đến khi nên vợ nên chồng, đôi trai gái phải qua hai lễ tục bắt buộc là lễ trao
vòng và lễ cưới.
Lễ trao vòng tiếng
Ba Na gọi là lễ “cật rêng”, có ý nghĩa như lễ đính hôn ở miền xuôi. Khi đã thực
sự yêu thương nhau, đôi trai gái về thưa với gia đình hai bên. Theo phong tục,
cha chàng trai hỏi ý kiến của con trai mình, còn mẹ của cô gái thì hỏi ý kiến của
con gái mình. Nếu đôi bên chấp thuận, nhà trai tìm người mai mối. Người làm mối
tức “pơ ngai tơ roong” bao giờ cũng là đàn ông, thạo phong tục và biết ăn nói.
Ông mối sẽ mời nhà gái đến nhà trai để tiến hành làm lễ trao vòng cho đôi trẻ.
Trước sự chứng kiến của hai gia đình, dưới sự hướng dẫn của ông mối, đôi trai
gái lần lượt trao vòng cho nhau. Thường thì chàng trai trao cho cô gái chiếc
vòng nhôm, đổi lại, cô gái trao cho chàng trai chiếc vòng đồng.
Luật tục Ba Na quy định,
đôi trai gái đã qua lễ trao vòng thì không được có quan hệ yêu đương với người
khác. Nếu vi phạm hoặc vì lý do nào đó muốn thoái hôn thì một trong hai bên phải
nộp cho ông mối một con gà, phải trả lại vòng và bồi thường danh dự cho bên kia
một con lợn ba gang và một chiếc nồi đồng bảy gang.
Lễ cưới, tiếng Ba Na gọi là “pơ koong”, thường được tiến
hành vào cuối năm, nghĩa là sau mùa thu hoạch, trong tháng “khay ning nong”,
tương đương với tháng 12 và tháng 1 Dương lịch, đó là lúc nông nhàn, thóc lúa
đã đầy kho, trâu bò đầy chuồng và gà đầy sân. Ngày cưới bao giờ cũng là ngày giữa
tháng, ngày trăng tròn, ngày được coi là tốt nhất để tiến hành công việc trọng
đại. Đám cưới diễn ra trọn một ngày và là ngày hội của làng.
Hôn lễ được cử hành vào buổi chiều
tại nhà Rông. Lễ vật bao gồm: một ché rượu cần, một con gà với bộ gan luộc chín
và một đĩa tiết sống. Trong không khí trang nghiêm, trước sự chứng kiến của dân
làng và hai họ, đại diện dân làng làm lễ khấn báo với thần bản mệnh của cộng đồng,
lấy tiết gà bôi lên đầu cô dâu và chú rể. Tiếp đó, ông mối cầm tay có đeo vòng
của đôi tân hôn chạm vào nhau, bảo hai người ăn chung một đùi gà, một miếng gan
gà, uống chung một bát rượu cúng. Già làng và ông mối chúc phúc cho đôi tân
hôn.
Buổi tối, sau hôn lễ ở nhà Rông,
đám cưới được tiếp tục tại hai gia đình với sự góp vui của toàn thể dân làng.
Người ta quây quần bên ché rượu cần. Thức ăn thì bày lên những chiếc lá kơ pang
đặt trên những tấm phên hay chiếc nong to. Cha mẹ cô dâu, chú rể đến từng ché để
mời mọc và cám ơn dân làng. Trong buổi tối hôm đó, khi đám cưới đã tàn, ông mối
dắt cô dâu về nhà trai, giao cho chú rể và tự tay trải chiếu cho đôi tân hôn.
Trước khi đi ngủ, cô dâu, chú rể ăn chung với nhau bữa cơm đầu tiên. Ngày hôm
sau, hai gia đình thông gia lần lượt mời ông mối đến nhà để cám ơn và trả công
theo phong tục.
Đối với người dân tộc Ba Na, hôn
nhân một vợ một chồng từ lâu đã mang tính phổ biến và bền vững. Dù do cha mẹ gả
bán hay do họ tự tìm đến với nhau thì hầu như tất cả các cặp vợ chồng đều sống
với nhau hạnh phúc đến đầu bạc, răng long.
Là một dân tộc theo nguyên tắc
ngoại hôn dòng họ nên phong tục của người Ba Na khuyến khích những đôi trai gái
khác dòng họ kết hôn với nhau. Nếu xác định được rõ ràng hai người trong cùng một krung ktum thì chuyện cưới xin
khó xảy ra. Tuy nhiên, do có sự phân biệt giữa họ gần và họ xa nên nguyên tắc
hôn nhân ngoài dòng họ ở đây được thực thi với hai cấp độ khác nhau:
Cô dâu,chú rể cùng uống rượu cần trong lễ cưới
Thứ nhất, toàn bộ các thành viên nam nữ thuộc họ gần (krung ktum gel), tức là con cháu
trong vòng ba đời của một ông bà tổ, bao gồm cả bên cha và bên mẹ, như: con cô,
con cậu, con chú con bác, con dì con già; cháu cô cháu cậu, cháu chú cháu bác,
cháu dì cháu già... tuyệt đối không có quan hệ tính giao và hôn nhân. Thứ hai,
các thành viên nam, nữ thuộc họ xa (krung
ktum gel), tức là con cháu của một ông bà tổ, từ đời thứ bốn trở lên, tính
theo đằng cha, cũng có thể lấy được nhau, nhưng phải làm một lễ cúng nhỏ tạ lỗi
với tổ tiên. Khi đó họ sẽ không mắc vào tội loạn luân và không vi phạm luật tục.
Theo phong tục truyền thống của
người Ba Na, những trường hợp chồng hay vợ chết sớm chưa được làm lễ bỏ mả, người
goá có thể tái giá, nhưng trước đó phải tiến hành một lễ cúng với lễ vật gồm một
ghè ruợu, một con gà. Sau khi tiến hành nghi lễ, việc tái giá của người goá được
dân làng đồng tình, ủng hộ. Vì vậy, nghi lễ này cũng có vai trò tương tự lễ bỏ
mả. Tuy nhiên, đó là lễ bỏ mả sớm. Thời gian sớm nhất có thể thực hiện nghi lễ
này là 3 năm sau khi người chồng hoặc người vợ mất đi. Trong trường hợp người
goá có quan hệ trai, gái trước thời điểm này sẽ bị làng phạt một bò làm lễ
cúng, vì tội vi phạm quy định hôn nhân. Sau khi người mẹ chết, nếu bố lấy vợ mới,
con cái thường không ở với bố và mẹ kế mà về sống với ông bà nội. Chỉ khi ông
bà nội cũng đã mất, không còn nơi nương tựa, con của người vợ trước mới ở chung
với người vợ sau của bố.
Trải qua những giai đoạn phát triển,
cho đến nay đã và đang tồn tại ở người Ba Na chế độ hôn nhân một vợ một chồng bền
vững, với phong tục cưới xin tuy còn nhiều nét nguyên sơ nhưng giàu tính nhân
văn và mang đậm sắc thái tộc người.
Mạnh Hà (sưu
tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét