Lễ
hội được đánh giá là một nét văn hóa đặc trưng trong đời sống sinh hoạt có từ xa xưa của người Mường
Trong cộng đồng 54 dân tộc của Việt
Nam, người Mường (còn có tên gọi Mol, Mual, Moi) có dân số hơn một triệu người.
Người Mường có cùng nguồn gốc với người Việt cổ, cư trú ở nhiều tỉnh phía Bắc,
tập trung đông nhất là ở tỉnh Hòa Bình và một số huyện miền núi của tỉnh Thanh
Hóa. Bản sắc văn hóa của dân tộc Mường gắn liền với nền văn hóa Hòa Bình ra đời
cách đây hơn một vạn năm. Mời quý vị và các bạn khám phá đời sống cùng những
nét văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mường.
Do người dân tộc Mường có nguồn gốc gần với người Kinh nên
ngôn ngữ của họ thuộc nhóm Việt-Mường. Đồng bào Mường định canh định cư ở
miền núi, nơi có nhiều đất sản xuất, gần đường giao thông, thuận tiện cho việc
làm ăn. Người Mường có truyền thống làm ruộng và cây lúa nước là cây lương thực
chủ yếu. Đến thăm những bản làng của đồng bào Mường, chúng ta sẽ thấy những
ngôi nhà sàn dựa lưng vào đồi núi, mặt hướng ra cánh đồng xanh bát ngát, xung
quanh nhà là cây cối bốn mùa đơm hoa, kết trái. Ngôi nhà sàn dựng theo kiểu
truyền thống của người Mường, vì được bố trí khéo léo nên không gian rất thoáng
đãng và đặc biệt tiện lợi. Với đặc trưng kiểu nhà này, người Mường đã tạo nên
cho mình một tập quán riêng trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong lao động sản
xuất, vừa trồng lúa, làm nương rẫy, vừa chăn nuôi gia súc gia cầm. Nhà sàn của
người Mường ngoài công năng để ở và cất trữ tài sản, phòng tránh thú dữ, rắn, rết
và phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm ở vùng núi, còn là nơi giữ gìn bản sắc
văn hóa, giáo dục các thành viên trong gia đình.
Trang phục cũng như tạo hình và
phong cách thẩm mỹ trên trang phục của người Mường có đặc trưng riêng. Đàn ông
thường là mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, có hai túi dưới hoặc thêm túi trên ngực
trái. Quần của của đàn ông thường có ống rộng và dùng khăn thắt giữa bụng (còn
gọi là khăn quần). Đàn ông đầu thường cắt tóc ngắn hoặc quấn khăn trắng. Khi
nhà có lễ hay dịp Tết, đàn ông Mường thường mặc áo lụa tím hoặc tơ vàng, khăn
màu tím than, ngoài khoác đôi áo chùng đen dài tới gối, cài cúc nách và sườn phải.
Anh Quách Văn Sướng, thôn Vó Dò, xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình,
cho biết: “Từ nhỏ, chúng tôi đã được các tầng lớp cha ông truyền lại bản sắc
văn hóa của dân tộc Mường thông qua những bộ trang phục truyền thống như thế
này. Bởi vậy, chúng tôi rất thích mặc, không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà đặc
biệt là những dịp lễ tết, hay hội hè, đình đám. Phải mặc để con cháu mình về
sau cũng duy trì bản sắc riêng của dân tộc Mường, để không bị mai một”.
Trong khi đó nữ giới hằng ngày
thường mặc áo pắn (áo ngắn). Đây là loại áo cánh ngắn, xẻ ngực, ống tay dài, áo
màu nâu hoặc trắng, bên trong mặc áo yếm trắng. Đầu thường đội khăn trắng, xanh
với phong cách không cầu kỳ như một số tộc người khác. Váy là loại váy kín màu
đen. Nét đặc sắc trên trang phục của người Mường chính là những mảng hoa văn nổi
lên giữa trang phục và cạp váy, thắt lưng. Kỹ thuật dệt cạp váy rất khó, bao gồm
nhiều khâu, thao tác phức tạp hơn dệt vải thông thường, do vậy, đòi hỏi sự khéo
léo cao. Đặc biệt, tài năng của người dệt còn thể hiện ở việc bố cục, sắp xếp
hoa văn trên từng bộ phận sao cho hợp lý, đẹp mắt, để các họa tiết có thể hỗ trợ,
làm nổi bật lẫn nhau mà không phá vỡ bố cục chung. Chị Quách Thị Lan, ở xã Nhân
Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, cho biết: có gần 40 mẫu hoa văn, hình tượng
được trang trí trên trang phục của đồng bào Mường, đặc biệt hình tượng con rồng
được đồng bào ưa chuộng nhất: “Điều khó nhất là trước hết chúng ta phải tính
toán, phải nhặt ra trước hết là chúng ta làm con rồng thì con rồng gồm bao
nhiêu cái chùm để chúng ta biết có bao nhiêu sợi để tạo thành cái đầu. Ví dụ
như cái râu, hoặc cái mình của nó hoặc cái đuôi uốn lượn là mình phải nhặt ra để
mình làm cái co. Mỗi hoa văn lại có một cái co này để sau này để nhấc lên, rồi
xuyên chỉ để nó có màu trắng, màu đen hoặc màu đỏ để nó kết hợp hoặc làm nổi bật
con rồng bay”.
Đồng bào Mường có một kho tàng
văn nghệ dân gian phong phú với nhiều thể loại như: thơ dài, bài mo, truyện cổ,
dân ca, ví đúm, tục ngữ. Người Mường còn có hát ru em, đồng dao, hát đập hoa,
hát đố, hát trẻ con chơi... Cồng là nhạc cụ đặc sắc của đồng bào Mường, ngoài
ra còn nhị, sáo trống, khèn lù. Đặc sắc nhất trong các loại hình này chính là
những làn điệu của những bài dân ca Mường. Dân ca Mường nhiều thể loại như: Thường
đang (hát mừng nhà mới), bọ mẹng (hát giao duyên), hay trường ca như Nghê Nga –
Út Lót. Những lời ca trong dân ca Mường thường có câu 6 và câu 8 xen kẽ nhau
như một câu thơ lục bát của người Việt cùng những thang âm luyến láy: “Câu lạc
bộ đang cố gắng tìm lại những làn điệu dân ca cổ và truyền dạy lại cho con
cháu. Hát “rặm thường” và “hát đúm” được thanh niên nam nữ ngồi hát với nhau hoặc
khi có đám cưới…
Mộc mạc và giản dị nhưng nền
văn hóa đặc sắc của người Mường cùng trường ca “Đẻ đất đẻ nước”đã được truyền lại
qua bao thế hệ, để ngày nay mang trong mình một sức sống mạnh mẽ, lâu bền.
Cao Văn (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét