Dân tộc Giáy ở Yên bái (Hoàng Hải)

Người Giáy ở Yên Bái có rất ít, hiện chỉ có khoảng 2.200 người chiếm 0,3% dân số toàn tỉnh. đồng bào sinh sống tập trung đông nhất tại xã Gia Hội huyện Văn Chấn. Ngoài tên gọi người Giáy còn có tên gọi khác là Nhắng hay Giằng. Người Giáy ở Yên Bái có tiếng nói riêng, thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái. Theo các nhà nghiên cứu, người Giáy di cư vào Việt Nam khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XIIX và sinh sống tại Gia Hội được gần 200 năm.

Đồng bào Giáy có kinh tế truyền thống là trồng lúa nước. Ngoài ra còn làm nương, khai thác lâm sản và chăn nuôi. Ngôi nhà truyền thống là nhà sàn, hiện có một số ở nhà đất, phía trước nhà thường dựng một sàn phơi. Trong nhà, gian giữa là nơi trang nghiêm đặt bàn thờ. Trên bàn thờ có nhiều bát hương thờ: trời, đất, vua bếp, thổ thần... Trong buồng cữ lập bàn thờ Mụ. Khi con đầy tháng mới làm lễ báo tổ tiên và đặt tên.
Người dân tộc Giáy quan niệm thế giới gồm có 3 tầng, con người ở tầng giữa; tầng trời được hình dung là đẹp đẽ, vinh hiển; tầng trong lòng đất được quan niệm là nhỏ bé, tội lỗi. Đồng bào tổ chức ăn tết như người Tày, Thái, chủ yếu là tết Nguyên đán, tết mồng 5 tháng 5 và tết 14 tháng7.
Phụ nữ mặc quần chàm đen, áo cánh 5 thân hở tà, dài che kín mông, khuy cài sang nách phải; ở cổ áo, vạt áo và cổ tay được viền vải khác màu nổi trên nền áo. Tóc vấn quanh đầu với những sợi chỉ hồng thả theo dưới tóc hoặc đội khăn vuông.
Người dân tộc Giáy không có chữ viết riêng, các điệu hát dân ca thường hát bên mâm rượu, qua đêm nhất là điệu ''Phướn". Đồng bào Giáy ở Yên Bái sống hoà đồng đoàn kết, tôn trọng tập quán dân tộc khác. Dù ở đâu họ cũng sát cánh cùng cộng đồng cần cù lao động, sáng tạo, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Hoàng Hải (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét