Dân ca dân tộc Giáy (Vương Nghị)

Dân tộc Giáy ở Việt Nam thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái còn có các tên gọi khác bao gồm: Nhắng, Dẳng, Pâu Thìn, Pú Nà, Cùi Chu, Xạ. Người Giáy ở Lào Cai nói nhẹ nhàng, tự gọi tên dân tộc mình là Pú Dáy, tiếp đó là Cấn Dẳng, là tiếng gọi của người Tày, người Kinh chúng ta gọi lớ Dẳng thànhNhắng.

Nhóm Pâu Thìn, Pú Nà mặc trang phục như người Giáy, dùng lời hát, thơ ca, tục ngữ, đồng dao như người Giáy (Pú Nà ở Lai Châu) nhưng tiếng Pú Nà người Giáy không nghe được. Giáy Cùi Chu tiếng nói cũng khác, Còn Xa Dìn là tiếng Quang Hỏa (Hán) dùng để chỉ tên người Giáy.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Giáy ở Việt Nam có dân số 58.617 người, cư trú tại 39 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Giáy cư trú tập trung tại các tỉnh: Lào Cai
(28.606 người, chiếm 48,8% tổng số người Giáy tại Việt Nam), Hà Giang (15.157 người, chiếm 25,9% tổng số người Giáy tại Việt Nam), Lai Châu (11.334 người), Yên Bái (2.329 người).
Người Giáy làm ruộng nước là chính, rẫy chỉ là nguồn thu nhập thêm và thường cũng là chỗ chăn nuôi heo, gà. Người Giáy nuôi nhiều trâu, ngựa, heo, gà, vịt, có truyền thống dùng ngựa để cưỡi, thồ, dùng trâu kéo cày, kéo gỗ.

Sơn nữ Giáy, Lù Thị Kim Duyên, trong một cuộc thi Hoa Hậu Dân Tộc.

Nhóm Giáy vùng Hà Giang, Cao Bằng ở nhà sàn. Nhóm Giáy vùng Lào Cai, Lai Châu ở nhà đất. Nhưng qua các tài liệu văn học dân gian thì người Giáy vốn ở nhà sàn. Hiện nay người Giáy ở nhà đất vẫn còn dựng một sàn trước cửa để sử dụng. Nhà sàn hay nhà đất, gian giữa đều là nơi trang nghiêm: đặt bàn thờ tổ tiên, tiếp khách. Buồng các cặp vợ chồng trong gia đình quay ở các gian bên. Phụ nữ không nằm gian giữa. Bếp thường đặt ở gian bên; nay có nhiều nơi đã làm nhà để đun nấu riêng.
Theo phong tục Giáy, trong các gia đình vị thế nổi bật là người chồng, người cha. Con cái lấy họ theo cha. Nhà trai chủ động việc cưới xin, sau lễ cưới, cô dâu về ở cùng gia đình nhà chồng, tuy vậy việc ở rể cũng là phổ biến. Trước kia người Giáy có tục “kéo vợ”. Đó là trường hợp cô gái và gia đình cô ta đồng ý nhưng nhà trai không đủ tiền của để cưới hỏi đường hoàng, chàng trai phải tổ chức "kéo vợ".
Phụ nữ Giáy khi mang thai phải kiêng cữ và cúng cầu mong sinh nở yên lành. Dịp đứa bé đầy tháng, có lễ trình báo với tổ tiên và cầu xin tổ tiên phù hộ. Tên, ngày tháng năm sinh của mỗi người được thầy cúng ghi vào miếng vải đỏ, sẽ dùng để so tuổi khi tính chuyện cưới xin và chọn giờ trong việc làm nhà cửa, đám ma của chính người đó.
Trang phục người Giáy được chọn chủ yếu ở trang phục nữ với loại áo ngắn xẻ nách viền cổ trang trí đậm nét. Một số tộc người ở nước ta (phía bắc) có mặc loại áo xẻ nách (thường là áo dài), số áo ngắn loại này không nhiều như Nùng… Tuy nhiên đây là loại áo với kỹ thuật "xẻ nách" và phong cách trang trí ở đường viền cổ, tuy không cầu kỳ nhưng là một sắc thái riêng cho loại áo này về kỹ thuật và mỹ thuật.

Trang phục đám cưới dân tộc Giáy.

Nam mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, đứng, cài nút vải. Áo thường có ba túi, hai túi dưới, một túi trên bên phải. Thân áo hơi ngắn, màu chàm. Quần ống đứng (rộng 35 – 40 cm), cạp to bản, không dùng dây, nút, mà chỉ vận vào người. Trước đây nam giới thường quấn khăn trên đầu. Có nhóm nam cũng mặc áo xẻ nách.
Dân tộc Giáy vốn có truyện cổ, thơ ca, tục ngữ, câu đố, đồng dao v.v… Có nhiều truyện giải thích hiện tượng tự nhiên, có nhiều truyện thơ dài, có truyện kết hợp lời kể với lời hát. Nghệ thuật diễn xướng dân ca của họ khá phong phú, gồm nhiều loại, mỗi loại có nhiều bài, điệu khác nhau, đặc biệt các hình thức hát giao duyên nam nữ là sinh hoạt sôi nổi và hấp dẫn.
SOI BÓNG BÊN HỒ – Dân ca Giáy (aka "Dẳng", aka "Nhắng")
Hạt mưa lắng giữa rừng xanh xanh
Mặt nước lung linh trong hồ… in hình chim…
Chim líu lo hót cùng… nước hồ trong xanh…
Rộn tiếng chim về cạnh sàn…
Rồi bay về người yêu phương xa…
Bay về chim lấy cho ta lá thư mong chờ.

Nhạc cụ truyền thống dân tộc Giáy – kèn Pồ Lế – Chiêng – Trống – Chũm Chọe.

NHẠC CỤ CỦA DÂN TỘC GIÁY ở  LÀO CAI
Nhạc cụ của người Giáy chủ yếu sử dụng trong sinh hoạt đời thường, gồm nhóm nhạc cụ hơi như kèn (pồ lế), sáo lá (pơ bơ mấy), sáo lưỡi (nau lín), sáo ngang (náu lín), sáo ngang (náu vang); nhóm nhạc cụ màng rung có trống (trổông) và nhóm nhạc cụ tự thân vang có não bạt (xéo). Trai gái dân tộc Giáy thường tìm hiểu nhau qua tiếng sáo lá, sáo lưỡi, còn trong những ngày lễ Tết đầu xuân năm mới, âm thanh của kèn kết hợp với trống và não bạt thực sự đã làm nên phần hồn sống động cho buổi lễ. Trong bài viết này, hãy cùng Tạ Thâm tìm hiểu các nhạc cụ của dân tộc Giáy tại tỉnh Lào Cai. Bài viết có sự tham khảo tư liệu của nhà nghiên cứu âm nhạc Tạ Quang Động và Hoàng Anh Thái.
Sáo lá tiếng Giáy là Pơ bơ mấy. Hầu như lá cây nào cũng có thể thổi được nhưng người Giáy thường lấy những lá dày như lá sa nhân hay lá ổi thì tiếng sáo đẹp mà sáo cũng bền hơn. Đối với người Giáy, cả con trai và con gái đều thổi được sáo lá. Khi diễn tấu, hai tay cầm hai bên mép của chiếc lá sát với miệng thổi để làm thẳng phần lá đưa vào môi. Cùng lúc đưa vào môi, người ta tạo một nếp gấp nhỏ ở mép lá để làm lam cho kèn.
Sáo lưỡi gà (Nau lín) là nhạc cụ hơi chi lưỡi gà rung tự do. Sáo được làm bằng một loại tre nhỏ. Khi làm người ta để một đầu có mấu kín, một đầu rỗng. Đầu mấu kín có đặt một lưỡi gà bằng đồng và dùng để thổi. Toàn bộ thân sáo dài khoảng 30 cm, có 6 lỗ bấm phía trên và 1 lỗ bấm phía dưới. Sáo lưỡi gà là nhạc cụ không kiêng cữ, thường được dùng để đi chơi bản (đi đường, giao duyên). Muốn hẹn hò với người mình yêu, các chàng trai cô gái Giáy thường dùng tiếng sáo lưỡi gà để gọi người yêu đến.
Sáo ngang tiếng Giáy gọi là Náu Vang thuộc họ hơi. Sáo được làm bằng tre, dài khoảng 50cm, hai đầu rỗng không có mấu. trên thân sáo có 1 lỗ thổi hình bầu dục và 6 lỗ bấm hình tròn được khoét trên một hàng thẳng. Sáo ngang là nhạc cụ dùng cho nam giới sử dụng và chủ yếu chỉ thổi trong đám cưới. Trong đám cưới của người Giáy, người thổi sáo ngang của nhà trai sẽ sang nhà gái đón dâu. Khi nhà gái tiễn cô dâu ra cửa, tiếng sáo ngang trầm, buồn cất lên thường khiến cho cả nhà gái phải bật khóc. Khi đến nhà trai, sáo ngang tham gia vào nghi thức cúng tổ tiên và lúc đôi vợ chồng đến lạy trước bàn thờ.

Sáo ngang dân tộc Giáy.

Kèn (Pồ Lế) là nhạc cụ họ hơi, chi dăm kép. Toàn bộ chiều dài của kèn dài khoảng 45 cm. dăm kèn được làm từ tổ sâu, thân kèn được làm bằng gỗ và loa kèn bằng đồng. kèn có 7 lỗ bấm để tạo cao độ. Nếu các loại sáo thường dùng độc tốc thì kèn chủ yếu chỉ hòa tấu với “trống” (Trôổng) và “não bạt” (xéo). Trong đám cưới, kèn và bộ gõ thường hòa tấu nhiều bản nhạc. khi khách của nhà gái đến, đội kèn trống của nhà trai ngồi trong nhà hòa tấu bài “Chào khách” (Tóong hệch). Trên đường đi đến nhà gái đón dâu có bản nhạc “Đi đường” (Pay răn). Trong lúc đám cưới diễn ra ở cả nhà trai và nhà gái không lúc nào thiếu vắng âm thanh của kèn và bộ gõ.
Chùm nhạc tiếng Giáy gọi là lếch được sử dụng trong điệu múa Then.



Đội biểu diễn Pí Lè gồm bốn người, trong đó có hai người đánh chũm choẹ (tý xèo), một người đánh bộ gõ gồm một trống con, một la to, một la nhỏ (tý choong lá). Người thổi Pí Lè và người đánh bộ gõ đều tuân theo nhịp chũm choẹ và lấy nhịp chũm choẹ làm chuẩn. Pí Lè có bài và thổi theo bài có sẵn, ai biết nhiều bài và thổi điêu luyện thì đó là người thổi Pí Lè giỏi. Người thổi Pí Lè có thể thổi hàng tiếng mà tiếng Pí Lè vẫn không dừng, không dứt vì khi thổi họ thở bằng mũi còn gọi là đổi hơi (vườn srươi). Có người biết rất nhiều bài Pí Lè nhưng không trở thành người thổi Pí Lè được vì họ không biết đổi hơi.
Những bài Pí Lè chỉ là những căn cứ vào những nốt nhạc, miệng xướng âm theo thầy để học cho thuộc lòng. Pí Lè thổi trong đám cưới thì người thổi đeo khăn đỏ, không phải kiêng cấm gì. Pí Lè có nhiều bài thổi như: Bài Thổi qua được, Qua bàn, Mở cổng làng, Cổng bản, thổi bước qua bậc cửa vào nhà, trong lúc tiệc rượu, trong đêm khuya, chào buổi sáng, tiễn đưa, tạm biệt… Đặc biệt với những người thổi Pí Lè giỏi, lúc chia tay họ thổi lên những bài dân ca gọi là thổi Pí Lè hát (pò lè vườn) nghe thực sự xao xuyến vào xúc động lòng người. Ví dụ khi đưa dâu ra khỏi nhà, tiếng Pí Lè nổi lên nghe rất lưu luyến, nhớ nhung, những người thân trong gia đình rất cảm động vì đó là giây phút thiêng liêng đối với họ. Từ phút đó trong nhà sẽ vắng mặt một người con gái thân yêu. Còn cô con dâu cũng vậy, cứ khóc gào lên vùng vằng không chịu đi vì không muốn xa bố mẹ và những người thân.
Tiếng Pí Lè không chỉ vang lên trong các đám cưới mà nó còn vang lên trong các ngày hội như hội Tung còn, hội Xuống đồng, hội Tòng quân, hội Rước cờ thi đua… và cứ thế tiếng Pí Lè ngày càng nhiều và số người thích Pí Lè ngày càng đông.


Nhạc cụ truyền thống dân tộc Giáy.

Người Giáy ở Tả Van, Sa Pa cư trú vùng thung lũng và làm lúa nước kết hợp chăn nuôi là chính. Cũng như nhiều dân tộc anh em như Dao, Mông, Xa Phó người Giáy có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú. Trong đó nhạc cụ dân tộc có nhiều điểm đặc biệt.
Ở mỗi bản làng người Giáy có một đội nhạc, phục vụ nghi lễ như trong đám ma, đám cưới, lễ hội. Mỗi nghi lễ sẽ có bài nhạc riêng. Bộ nhạc cụ của người Giáy dùng trong nghi lễ gồm có: chiêng, chũm chọe, trống, kèn pí lè. Trong đội kèn, người đánh chũm chọe là người dẫn nhịp và giữ tiết tấu. Nếu chũm chọe đánh sai thì trống và chiêng, kèn không thể chơi đươc. Khi sử dụng người chơi trống sẽ chơi cả 3 chiếc chiêng. Người giữ bộ trống kèn là người giỏi hơn và được bầu làm chủ. Khi gia đình nào trong làng có việc cần dùng đến bộ nhạc cụ này thì mang gà, hương đến nhà ông chủ kèn này làm lễ thắp hương để xin. Ngày tết gia đình chủ kèn cũng phải mổ gà để cúng bộ kèn trống này. Ngày thường nếu không có việc gì thì không ai được phép mang ra chơi.
Nếu bạn muốn thưởng thức âm nhạc truyền thống của người Giáy bạn có thể đến Tả Van, Sa Pa. Đây là vùng cư trú tập trung của người Giáy và vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống. Trong làng hiện có một đội văn nghệ và bộ nhạc cụ truyền thống để phục vụ du khách.

Lễ hội Roóng Poọc trở thành lễ hội chung của cả vùng thung lũng Mường Hoa.

Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy ở Tả Van, huyện Sa Pa (Lào Cai) từ lâu đã trở thành lễ hội chung của cả vùng.
Hội roóng poọc hay còn gọi là lễ hội xuống đồng.Theo quan niệm của người Giáy đây là lễ hội để kết thúc một tháng vui chơi (tháng Tết). Đồng thời để mở đầu cho năm mới lao động và trong tư tưởng của người Giấy, đây còn là lễ cúng thần cai quản địa bàn để thần phù hộ cho ngô lúa tốt tươi, chăn nuôi phát triển, xóm làng bình yên, mọi người khoẻ mạnh.
Người Giáy quan niệm: Trời là cao nhất, trời sinh ra tất cả lành, dữ, xấu, tốt; ‘tiên’ cũng ở trên trời, nhưng ‘tiên’ chủ yếu làm ra đều tốt, lành. ‘Thần’ là ở trần gian, người trực tiếp làm ra những điều lành dữ, tốt, xấu. Do đó lễ cúng thần trong ngày hội roóng poọc cũng là cúng cả trời, cả ‘tiên’, cả ‘thần’. Hội roóng poọc vừa là vui chơi, lại vừa là cầu trời đất, thần thánh phù hộ cho sản xuất, cho cuộc sống của làng bình yên.
Lễ hội diễn ra vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch hàng năm. Tuy vốn là lễ hội dân tộc truyền thống của người Giáy ở Tả Van, nhưng nhiều năm nay đã lan rộng, trở thành lễ hội chung của cả vùng thung lũng Mường Hoa.

Lễ vật cho buổi lễ.

Để chuẩn bị cho lễ hội, các chức sắc trong làng đến nhà chủ làng để cùng chuẩn bị các đồ cúng thần, câu treo vòng mặt trời (vòng mặt trời được làm bằng tre vót nhọn và uốn vòng tròn, sau đó dán giấy xanh, đỏ, vàng, và cắt mặt trời bằng giấy đỏ, mặt trăng bằng giấy vàng dán vào giữa vòng, sau đó cắt con âm dương dán lên mặt trăng. Vòng mặt trời còn có ba tua bằng hoa giấy xanh, đỏ, tím, vàng),…
Địa điểm mở hội là một khu ruộng tương đối bằng phẳng phía đầu bản. Trung tâm hội dựng cây còn cao vút bằng cây mai có một vòng tròn trên ngọn. Vật cúng là những lễ vật tượng trưng cho sự no ấm như: vải, trứng, măng, bạc trắng và 6 quả còn của các cô gái chưa chồng.
Mở đầu lễ hội là cúng thần linh cầu cho người yên, vật thịnh. Khi lễ cúng kết thúc là dàn nhạc trống, chiêng điệu kèn pí lè tấu lên thông báo các chò chơi mang tính nghi lễ tượng trưng bắt đầu.
Sau phần lễ, phần hội diễn ra sôi nổi, mở đầu là chò chơi ném còn. Những người cao tuổi (nam một bên, nữ một bên) lấy 6 quả còn cùng ném tượng trưng 3 lần khai mạc, rồi sau đó mọi người vào cuộc chơi. Những quả còn tua xanh đỏ vun vút lao len phông còn.Tiếng xuýt xoa hò reo cổ vũ rền vang.Phông còn bị ném thủng là báo hiệu cho một năm mùa màng tươi tốt.

Lễ hội Roòng Poọc (Xuống Đồng).

Đúng vào ngày Thìn tháng Giêng (23/2), cộng đồng dân tộc Giáy ở thung lũng Mường Hoa, xã Tả Van, huyện Sa Pa (Lào Cai) náo nức mở hội Roóng Poọc, tức hội xuống đồng đầu năm mới, cầu chúc mùa màng bội thu, mọi người sức khỏe, bình yên.

















Biểu diễn điệu múa dân tộc Giáy trong Lễ hội Tu Tỉ.

Lễ hội Tú Tỉ không chỉ là một sự kiện mang tính tín ngưỡng mà nó đã trở thành nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tinh thần người dân tộc Giáy, xã San Thàng (Lai Châu).
Không biết từ bao giờ Lễ hội Tú Tỉ đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của người dân xã San Thàng. Lễ hội được bắt nguồn từ Lễ cúng Tú Tỉ là truyền thống lâu đời của dân tộc Giáy. Theo tiếng Giấy, Tú Tỉ nghĩa là thổ địa, là thần cai quản vùng đất. Với quan niệm “Đất có thổ công, sông có hà bá” tức dân tộc nào sống trên một vùng đất thì phải thờ cúng thổ công ở vùng đất đó.
Lễ hội Tú Tỉ được tổ chức vào 2/2 (âm lịch) hàng năm. Lễ vật dâng lên thần thổ địa tại gốc đa đầu bản gồm: 1 con lợn, 2 con gà khỏe mạnh. Trước ngày lễ chính, các hộ dân trong bản họp, cử 2 hộ gia đình làm chủ trì, lo phần lễ vật cúng. Mỗi gia đình cử một người đàn ông trong gia đình có mặt tại bàn thờ lễ. Phần cúng lễ diễn ra từ 8 – 9h sáng.

Nghi thức cúng thần thổ địa diễn ra tại gốc đa đầu bản.

Phần Lễ được cúng tại gốc cây to ở đầu bản. Thầy mo sẽ cúng lần thứ nhất để mời vị thần cai quản vùng đất về. Sau khi cúng xong lần một, mọi người sẽ tiến hành mổ lợn và gà tại chỗ, sau đó luộc chín và tiến hành cúng lần hai. Thầy mo thực hiện việc cúng để mời vị thần cai quản vùng đất về nhận lễ vật dâng cúng và để cầu mong cho mùa màng tươi tốt, cầu cho người dân trong bản được mạnh khỏe, vật nuôi sinh sôi nảy nở, không bị dịch bệnh. Sau khi cúng xong thì tất cả bà con trong bản (quy định mỗi nhà một người, phải là con trai và không được mặc áo trắng, hoặc nếu vợ có bầu thì cũng không được vào) cùng ăn tại chính gốc cây.
Lễ cúng Tú Tỉ đã có từ rất lâu đời của dân tộc Giáy. Mỗi khi Lễ cúng được tổ chức, bà con trong bản ai lấy đều cảm thấy rất vui. Sau phần Lễ là đến phần hội với nhiều trò chơi dân gian, nhiều môn thi độc đáo như: Bắn nỏ, giã bánh dày, kéo co, tó má lẹ, nhảy bao bố, bịt mắt đánh chiêng…
Lễ hội Tu Tỉ được tổ chức hàng năm đã thực sự trở thành ngày hội của đồng bào nhân dân các dân tộc xã San Thàng nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Giáy. Đây sẽ là tiền đề cho việc xây dựng và duy trì bản văn hóa đặc sắc của dân tộc Giáy, đồng thời thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở, tạo sự đoàn kết giữa các dân tộc trong xã, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Chơi ném còn trong lễ hội.

Cùng với ném còn là chơi kéo co cũng bắt đầu bằng hình thức kéo nghi lễ. Tốp nam đứng phía đông cầm phần gốc dây song (dây kéo co). Tốp nữ đứng phía tây cầm phần ngọn. Hồi trống kèn nổi nên thúc giục. Bên nam(đằng đông tượng trưng cho dương, mặt trời) luôn kéo thắng. Bên nữ (tượng trưng cho âm) giả vờ thua. Và như vậy, năm đó cả làng sẽ được mùa. Phần nghi lễ kết thúc, đông đảo nam nữ thanh niên cùng ùa vào chia phe thi kéo, kể cả du khách cũng có thể tham gia.
Khi kết thúc lễ hội, các già làng làm lễ khấn và hạ cột còn. Hai thanh niên khoẻ mạnh cùng 2 con trâu mộng được chọn cầy 5 đường “xuống đồng” tượng trưng cho vụ mùa mới bắt đầu. Tiếp đến, mâm cúng của nhà nào nhà ấy đem về, còn mâm cúng thần được bày ra ăn chung tại nơi tổ chức lễ hội, nghĩa là mỗi nhà một người, tự đem cơm, rượu… đến, còn thức ăn sẽ được chia đều cho các mâm, mâm nào không ăn hết họ lại tự chia đều cho nhau đem về nhà.
Lễ hội Roóng poọc diễn ra trong không khi vui vẻ, từng đoàn người tíu tít nói cười, hồ hởi về dự hội. Người Mông từ Hầu Thào, Lao Chải dồn xuống, người Dao từ Bản Hồ, Bản Phùng ngược lên, du khách từ thị trấn SaPa cũng tới dự làm cho lễ hội đông vui tới vài nghìn người.


Tết rằm tháng Bảy.

Cùng với ngày Tết Vu Lan của người Kinh, Tết Rằm tháng bảy của dân tộcGiáy ở Lào Cai được tổ chức khá chu đáo, ngoài ý nghĩa thờ cúng tổ tiên, còn là dịp để gia đình, dòng họ sum họp.
Đây được coi là cái Tết lớn thứ 2 sau Tết Nguyên đán được đồng bào Giáy tổ chức. Theo tiếng Giáy Tết rằm tháng Bảy gọi là “Tết Xíp Xỉ”.
Người Giáy tổ chức cúng rằm tháng 7 duy nhất vào chiều ngày 14. Lễ vật cỗ cúng được sắm chu đáo như: gà luộc, thịt lợn, xôi, canh… Đặc biệt, những ngày này, người Giáy tổ chức gói bánh trưng và bánh dày… để thờ cúng tổ tiên, cầu chúc sức khỏe, an lành, thịnh vượng đến với tất cả các thành viên trong gia đình, dòng họ và một món ăn không thể thiếu đối với người Giáy trong ngày rằm tháng 7 đó là thịt vịt.
Chị Hoàng Thị Liểng, dân tộc Giáy, thôn Tòng Sành 1, xã Cốc San không giấu nổi niềm vui khi gia đình chuẩn bị sum họp tổ chức Tết Rằm tháng 7, chị cho biết: Hôm nay tôi mua sắm đồ để cúng rằm. Tiền vàng, quần áo hàng mã là thứ không thể thiếu trong lễ cúng ngày rằm tháng 7 của người Giáy. Quần, áo cúng được chúng tôi tự mua giấy màu về cắt theo trang phục truyền thống dân tộc Giáy. Khác với người kinh, các vật dụng, hàng mã khác như ngựa, xe máy, ô tô, đồng hồ… không được người Giáy cúng đốt trong ngày rằm tháng 7.
Theo tục lệ, lễ chúng sinh được người Giáy cúng vào thời điểm 21 – 22 giờ đêm cùng này. Lễ cúng đơn giảm chỉ cần cắm 7 nén hương thành hàng trước ngõ, sau đó trộn xôi, cháo, thịt lợn, nước canh, rắc dọc theo chân hương rồi làm lễ cúng chúng sinh.

Đến các bản làng người Giáy Lào Cai những ngày cận rằm tháng bảy, hòa mình trong không khí nhộn nhịp nhưng trang trọng của bà con dân tộc nơi đây. Những chiếc bánh trưng, bánh rợm… luộc trên bếp lửa hồng ngát mùi hương thơm của gạo nếp nương càng tạo thêm không khí đầm ấm ngày Tết rằm tháng 7. Đây là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Giáy cần được gìn giữ, bảo tồn và phát triển, góp phần tô đậm truyền thống đa sắc màu dân tộc Lào Cai.

Lễ ăn hỏi của người Giáy.
Người Giáy ở Lào Cai cư trú chủ yếu ở các huyện Sa Pa, Bát Xát, Bảo Thắng và thành phố Lào Cai. Cũng như các dân tộc anh em khác, thanh niên nam nữ dân tộc Giáy đến tuổi trưởng thành được tự do tìm hiểu bạn đời, họ thường tìm hiểu nhau thông qua các hoạt động văn hoá cộng đồng… Khi tình duyên đã thắm nồng, chàng trai về báo cáo gia đình và chuẩn bị các nghi lễ ăn hỏi.
Để lễ ăn hỏi diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống, nhà trai phải lựa chọn mời bà mối (bà mối phải là người tuổi cao hoặc tương đương với cha mẹ chú rể, có uy tín, am hiểu mọi nghi lễ và khéo nói). Gia đình nhà trai chuẩn bị lễ nhỏ “Tằm tu” nhờ bà mối sang nhà gái xin ý kiến gia đình và cô dâu. Nếu nhà gái đồng ý, bà mối mượn “sư mình”(giấy khai sinh) của cô gái mang về nhờ thầy mo, thầy tào xem ngày sinh, tháng đẻ của 2 người có hợp không, bước này gọi là “hạp sư mình” tức là khớp tuổi. Để có được tấm “sư mình” bằng một vuông vải đỏ do thầy mo, thầy tào viết, gia đình phải đem theo một con gà, một chai rượu đến lễ thầy.
Sau khi xem, nếu tuổi hai người không hợp, nhà trai có thể trả lại giấy khai sinh cho nhà gái cùng một lễ nhỏ gồm: 1 con gà, 1 chai rượu, 1 kg gạo và có lời để nhà gái thông cảm. Ngược lại, nếu hai tuổi hợp nhau thì bà mối sẽ bàn bạc, trao đổi để tìm ngày ăn hỏi chính thức. Theo quan niệm của người Giáy, sau khi có lễ ăn hỏi chính thức thì đôi trai gái coi như đã đính hôn. “Cỏ siếu lý” (lễ ăn hỏi) chính thức được tổ chức khá linh đình, chu đáo và đây cũng là lễ công bố cho toàn thể gia đình, họ hàng biết việc đính hôn của đôi lứa. Trong lễ ăn hỏi, nhà trai phải mời thêm một bà mối nữa gọi là “già sấu”. Hai bà mối có trách nhiệm trao đổi, bàn bạc đi đến thống nhất mọi việc với gia đình nhà gái. Cũng trong lễ ăn hỏi, “già sấu” chủ động đặt vấn đề về đồ lễ cưới. Sau khi đã thống nhất đồ thách cưới (rượu, gạo, thịt, gà, vịt, quần áo, vòng tay, vòng cổ, chăn màn…), số lượng nhiều ít tuỳ theo đòi hỏi của mỗi gia đình.
Sau đó nhà trai nhờ thày mo, thày tào xem ngày lành, tháng tốt và nhờ “già sấu” sang nhà gái “pảo vấn di” (báo ngày tốt). Trước kia, trong lễ thách cưới, ngoài những lễ vật thông thường như đã nêu trên, nhà gái còn đòi hỏi có thêm một con lợn, một cỗ quan tài dành cho bố hoặc mẹ cố dâu trước khi mất, đó cũng là đạo lý báo hiếu cha mẹ của chàng rể. Ngày nay, tục lệ đó gần như được xoá bỏ.

Người phụ nữ Giáy khi mang thai sẽ trải qua hai nghi lễ
.
“Gọi vía” là một nghi lễ không thể thiếu của người Giáy (Lào Cai), thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của nhà chồng cùng với anh em họ hàng hai bên dành cho người phụ nữ khi mang thai.
Đối với cộng đồng người Giáy, khi một phụ nữ mang thai, không chỉ là niềm vui riêng của một gia đình mà là niềm vui chung của cả dòng họ, làng xóm. Họ quan niệm, việc mang thai và sinh con của người phụ nữ gắn liền với câu chuyện về sự tồn tại của đất trời. Trên trời có một vườn hoa rất lớn với nhiều loại hoa, mỗi cây hoa lại có một hình dáng, màu sắc khác nhau, là đại diện cho vía của một đứa trẻ. Quá trình mang thai là quá trình vía của người phụ nữ lên vườn hoa trời, tìm lấy một cây hoa ưng ý, cây hoa đó sẽ thụ vào người phụ nữ trở thành đứa con trong bụng và vía người phụ nữ sẽ canh giữ cây hoa đó đến thời kỳ sinh nở với mục đích không để vía người khác đến lấy mất cây hoa mà mình đã chọn. Chính vì vậy, trong quá trình 9 tháng mang thai, có 2 nghi lễ mà nhà chồng phải đứng ra làm cho con dâu: gọi vía nhỏ và gọi vía lớn.
Gọi vía nhỏ: Là lễ gọi vía khi người phụ nữ mang thai được 3 tháng với mục đích chính là thông báo về việc người phụ nữ đã có thai và cầu cho người phụ nữ mạnh khỏe, không bị sảy thai.
Lễ vật trong nghi lễ này tương đối đơn giản, chỉ cần ba lễ – “tham thiêng” gồm 1 đôi gà, vịt, 1 miếng thịt lợn ngoài ra có thêm xôi tím, hoa quả, bánh kẹo, nước ngọt,… do những người được mời dự mang đến để đón vía hai mẹ con. Người chủ lễ là bà then cúng với nội dung bài cúng là lời kể thông qua giọng hát miêu tả về các cửa ải; cuộc hành trình của mình cưỡi ngựa cùng với các đồ đệ trải qua các cửa ải đó lên đến vườn hoa trời, tìm vía của người phụ nữ và vía của đứa trẻ đem về nhà, không cho người khác lấy mất vía của đứa trẻ. Lễ cúng diễn ra trong khoảng thời gian từ 9 – 10 giờ sáng đến 3 – 4 giờ chiều.
Trước khi kết thúc nghi lễ, bà then sẽ xem bói để biết vía có về vui vẻ hay không bằng cách: dùng một quả trứng gà ta, vừa gọi vía vừa dùng hai tay dựng đứng quả trứng lên, nếu hồn vui vẻ về nhà thì khi thả tay ra quả trứng sẽ dựng thẳng đứng mà không bị đổ, còn nếu vía không vui vẻ về nhà thì phải dựng lâu, nhiều lần quả trứng mới đứng được. Sau đó bà then bốc 1 nắm gạo ở bát cắm hương rắc lên trên quả trứng, nếu có nhiều hạt gạo bám lại trên quả trứng có nghĩa là vía đã vui vẻ trở về, bà then dùng tay gạt những hạt gạo bám lại trên quả trứng vào chiếc túi vải đã được chuẩn bị từ trước đặt trên bàn cúng, bên trong có một chiếc áo của người phụ nữ mang thai và 1 gói xôi với ý nghĩa cất vía vào đó để mang về nhà.
Kết thúc nghi lễ, người phụ nữ mang thai sẽ được bà then buộc chỉ đỏ vào tay để giữ vía ở lại và được mạnh khỏe, may mắn. Những người đến dự lễ cũng sẽ được buộc chỉ đỏ vừa để may mắn, mạnh khoẻ vừa để giúp gia chủ giữ vía. Sau đó bà then sẽ xem chân gà và xương đùi gà để biết đứa trẻ là trai hay gái và vía có mạnh khỏe hay không.
Gọi vía lớn – Về thời gian, người chủ lễ cũng như diễn trình của nghi lễ tương tự như “Gọi vía nhỏ” chỉ có một vài điểm khác biệt. Đây là lễ gọi vía khi người phụ nữ mang thai được 8 tháng với mục đích cầu cho việc sinh nở đúng ngày và quá trình sinh nở của sản phụ diễn ra dễ dàng.
Lễ vật trong nghi lễ này phải có bảy lễ “sặt thiêng” gồm 1 con lợn từ 40 – 60kg hoặc 1 thủ lợn và 3 đôi gà, vịt, các lễ vật khác tương tự như lễ cúng 3 tháng. Nội dung bài cúng là lời kể của bà then về cuộc hành trình của mình cùng với các đồ đệ mang lễ vật vượt qua các cửa ải để lên đến ao trời, lội qua 11 chiếc ao để đến với chiếc ao cuối cùng, nơi mà vía của đứa trẻ đang nô đùa và vía của người mẹ đang trông con ở đó tìm, mò vía của cả 2 mẹ con bỏ vào chiếc túi vải đã chuẩn bị sẵn mang về nhà nhằm nhắc nhở vía không được mải chơi mà quên mất ngày sinh của mình.
Kết thúc nghi lễ, bà then cũng dùng trứng gà bói xem vía có về vui vẻ hay không và xem xương chân gà để khẳng định lại lần nữa giới tính đứa trẻ cũng như đoán định ngày sinh nở, vía về có vui vẻ hay không.
Lễ cúng gọi vía trước khi sinh là lễ cúng rất tiêu biểu trong đời sống tâm linh của dân tộc Giáy Lào Cai. Nó không chỉ cầu chúc cho quá trình mang thai và sinh nở của sản phụ được may mắn mà còn thể hiện nét văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình, dòng họ người Giáy.
  
Lễ “Bắc Cầu”

“Bắc cầu” là một tín ngưỡng quan trọng của đời sống tâm linh dân tộc Giáy (Lào Cai). Họ quan niệm, khi trong nhà có người già ốm đau lâu ngày, người ta phải tìm thầy xem số mệnh và làm lễ “Bắc cầu”.
Người Giáy ở Lào Cai cư trú chủ yếu ở các huyện Sa Pa, Bát Xát, Bảo Thắng và thành phố Lào Cai. Sự phong phú về cảnh quan, môi trường đã tác động rất lớn đến đời sống của người Giáy ở đây, làm nên một đời sống văn hóa dân gian khá phong phú. Nó biểu hiện ở thế giới quan, nhân sinh quan, phong cách tư duy, lối sống, sinh hoạt, ứng xử, tình cảm… Đặc biệt trong thế giới tâm linh của họ.
Không biết tự bao giờ, dân tộc Giáy có quan niệm, khi trong nhà có người già ốm đau lâu ngày, người ta phải tìm thầy xem số mệnh. Khi thầy bấm số nói bị “Gẫy cầu” thì con cháu phải làm lễ “bắc cầu” hay phải “cấy mệnh”.
Để chuẩn bị cho lễ “bắc cầu”, con cháu chọn ngày tốt, giờ tốt, rồi vào rừng chặt hai cây gỗ đẽo thành hai tấm bề rộng khoảng 8cm, dài 60cm. Đồ cúng gồm: Một đôi gà, vịt, xôi nhiều màu, bánh bỏng, trứng vịt nhuộm màu, rượu trắng. Khi làm lễ, người ta khâu những chiếc túi vải nhỏ để đựng ít gạo, muối, mỡ và đan chiếc bồ nhỏ để đựng khoảng nửa cân thóc.
Sau khi mời ông mo, bà then làm lễ xong, con cháu buộc các thứ đó vào hai cây trúc có độ dài 1 m rồi đem dắt lên phía trong của mái nhà sau. Các thứ đồ đó cứ để như thế, lễ, tết thì thắp lên đó một nén nhang. Chỉ đến khi nào người có cầu qua đời thì mới dỡ xuống đốt cùng với đồ vật khi đoạn tang.
Ngoài ra, khi trẻ nhỏ thường xuyên ốm đau, chậm lớn, người ta cũng làm lễ “bắc cầu”. Lễ cúng gần giống như người già, nhưng đồ cúng của trẻ nhỏ thì đưa ra đường bắc lên trên một rãnh nước nhỏ có nhiều người qua lại. Mục đích của việc này là xin vía mọi người “làm ơn” ban cho đứa bé được khỏe mạnh, chóng lớn. Thân cầu là tấm gỗ có độ rộng cũng như người già và độ dài tùy theo rãnh nước của nơi bắc cầu. Làm lễ cúng ở trong nhà xong, đưa cầu ra đường bắc. Hai đầu cầu cắm hai cây trúc nhỏ, trên cây trúc treo giấy vàng và kéo sợi chỉ từ cây trúc bên này cầu qua cây trúc bên kia cầu.
Đặc biệt, trong khi đang làm lễ bắc cầu, nếu có người từ nơi khác đến gặp thì được người nhà đứa trẻ mời uống chén rượu và phải nhận làm bố nuôi, mẹ nuôi. Sau khi làm lễ xong, bố nuôi hoặc mẹ nuôi phải vào nhà con nuôi ăn cơm, uống rượu chúc phúc cho đứa trẻ, buộc chỉ cổ tay, đưa lì xì và có trường hợp đặt lại tên cho đứa trẻ. Từ đó, đứa trẻ lớn lên coi bố mẹ nuôi và các anh chị em nhà bố mẹ nuôi như anh em ruột thịt của mình. Khi bố nuôi hoặc mẹ nuôi qua đời, trẻ phải để tang và có mâm cỗ phúng viếng.

Sơn nữ Giáy, Thàn Thị Châm, trong một cuộc thi Hoa Hậu Dân Tộc.


So với các dân tộc khác, trang phục người Giáy đơn giản, ít thêu thùa và chỉ có các băng vải màu viền quanh cổ và vạt áo.
Theo phong tục truyền thống, đàn ông Giáy thường mặc quần áo, vấn khăn. Loại áo được thiết kế dài chấm gối, cánh xẻ ngực, cổ tròn, đứng, cài cúc vải. Áo thường có ba túi, hai túi dưới, một túi trên bên phải. Thân áo hơi ngắn, màu chàm. Nam mặc quần ống đứng (rộng 35 – 40 cm), cạp to bản, không dùng dây cút mà chỉ vận vào người. Trong sinh hoạt hàng ngày, một số người nam thường quấn khăn trên đầu, có nhóm người Giáy khác lại mặc áo xẻ nách, và thậm chí là có rất nhiều người nuôi tóc dài để búi.
Về trang phục nữ, phụ nữ Giáy mặc áo che kín mông, xẻ nách phải, tay rộng, ở hò và cổ tay áo đắp những miếng vải khác màu. Váy che kín gối, xoè tương đối rộng. Áo mặc trong là loại áo cánh ngắn cộc tay, xẻ ngực, cổ tròn thấp và có hai túi dưới. Phụ nữ Giáy thường đội khăn quấn thành nhiều kiểu khác nhau, cổ đeo vòng bạc.
Trong khi đó, trang phục phu nữ Giáy ở Ma Lé (Lai Châu) thường mặc áo dài xanh hoặc đen, vạt đến ống quyển, cài khuy từ cổ chéo xuống nách, giống như áo dài của người Kinh. Phần eo thắt đai lưng bằng vải màu xanh đen khá chắc chắn, chiếc đai lưng này có tác dụng như bệ tì cho phần bụng hay dùng để cài dao, lạt buộc…
Phụ nữ Giáy vấn tóc kiểu vành khuyên, choàng lên trên là chiếc khăn vuông sặc sỡ tương xứng với đôi giầy thêu một cách rất cầu kỳ. Họ có thể bỏ ra hàng tháng để thêu cho đôi giầy những đường nét tinh tế. Thông thường hình thêu trên đó là biểu tượng của hạnh phúc lứa đôi: đôi bướm, đôi uyên ương, hai bông hoa đào…

Trang phục nữ, dân tộc Giáy.

Những lúc rãnh rỗi, các thiếu nữ Giáy lại cùng nhau thêu thùa, dệt vải, dệt thổ cẩm làm chăn, làm địu, tuy nhiên, đây là những công việc không thường xuyên và chỉ mang tính “giải trí” những lúc nông nhàn.
Họ dùng sợi len hoặc sợi màu đỏ, màu hồng độn với tóc vấn, gọi là piêm mào và đeo chiêc túi vải hình chữ nhật rộng 25-30 cm, dài 35-40 cm. Dây túi dệt bằng chỉ màu luồn vào miệng túi theo kiểu dây rút. Hai đáy được thêu hình răng chó (hẻo ma) uốn trên đường chỉ màu xoè ra như hai cái quạt hoa nhỏ. Đây là hoa văn phổ biến trong nghệ thuật trang trí người Giáy, còn được dùng thuê ở hai đầu chiếc gối, ở rèm vải cửa buồng đôi vợ chồng mới cưới hay ở mũ trẻ em.
Phụ nữ Giáy dùng rất ít đồ trang sức bằng kim loại. Chỉ một chiếc vòng tay, một dây xà tích hay một vòng cổ bằng bạc là đủ.

Vương Nghị (sưu  tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét