Tết và lễ hội truyền thống của người Tày Cao Bằng (Vi Đức Hồi)

Lễ hội Nàng Hai. Ảnh: Chu Đức Hòa

Trong quá trình hình thành và phát triển, tạo cho dân tộc Tày một kho tàng văn hóa phi vật thể giàu có về phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn học - nghệ thuật với những lễ, tết cổ truyền đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Người dân tộcTày quanh năm có nhiều tết và lễ hội mang đặc trưng của nền sản xuất nông nghiệp, lúa nước. Về Tết, kết thúc một năm và khởi đầu cho một năm mới, thời đoạn giao thời ấy là Tết Nguyên đán.
Tết Nguyên đán là Tết lớn nhất trong năm diễn ra từ ngày 30 tháng Chạp năm cũ đến hết mùng 3 tháng Giêng âm lịch của năm mới. Người dân tộc Tày rất coi trọng ngày Tết cổ truyền này, ngay sau rằm tháng 7 âm lịch, bà con lo chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, vỗ lợn, thiến gà, may quần áo cho con trẻ. Không khí Tết rộn ràng từ những ngày cuối năm, người ta sửa sang nhà cửa, trang trí cành đào, cành mận, câu đối Tết trên bàn thờ tổ tiên và mổ lợn, thịt gà, làm bánh chưng, chè lam, khẩu sli, thúc théc, mâm ngũ quả, vàng mã cho đêm giao thừa. Cả nhà, ai cũng hồi hộp chờ đợi thời khắc giao thừa đang đến, người dân tộcTày có tục lệ đi lấy nước mới ở mỏ nước đầu làng hoặc sông, suối, ý nói là bước khởi thủy năm mới tài lộc sẽ vào như nước, mọi sự trôi chảy, thuận hòa quanh năm. Sang ngày mùng 1 Tết, mọi người trong nhà vui vẻ, quây quần ăn cơm. Ngày đầu năm, nhà nào cũng mong có quý nhân vía tốt đến thăm, chúc Tết. Từ mùng 2 trở đi, mọi người thăm thân, chúc Tết vui vẻ, đội kỳ lân đến từng làng chúc mừng, tổ chức tung còn, đánh yến, đánh sảng cùng các trò chơi dân gian. Chiều mùng 3 hóa vàng, bẩm báo tổ tiên, kết thúc Tết Nguyên đán. Đây là dịp con cháu, họ hàng về sum họp, hội ngộ đông vui nhất, kể cả những người làm ăn ở nơi xa cũng về nhà đón Tết.
Tết đắp nọi, đồng bào tổ chức vào ngày cuối tháng Giêng âm lịch. Người ta gói thêm bánh chưng, làm bánh xì chen để ăn Tết. Đắp nọi có nghĩa là Nguyên đán nhỏ, dành cho những ai vì bận việc nước, việc quân chưa về hưởng Tết Nguyên đán. Cũng có ý là tiễn tháng Giêng qua, bước vào vụ mới.
Tết Thanh minh, còn gọi là Tết "Bươn slam, so slam", tức mùng 3 tháng Ba âm lịch hằng năm. Tết này, người ta làm xôi cẩm và xôi nhiều màu sắc, thịt gà, lợn, hương hoa, giấy tiền đi tảo mộ, tỏ lòng thành kính tổ tiên, những bậc tiền bối đã khuất. Thanh minh được mọi người quan tâm về quê báo hiếu, "uống nước nhớ nguồn", cầu mong tiên tổ ban phước lành, giàu sang, phú quý.
Tết Đoan ngọ, tổ chức ngày mùng 5 tháng Năm âm lịch, đó là Tết giết sâu bọ, phòng trừ bệnh tật do sâu bọ gây ra. Người Tày làm bánh gio, rượu nếp cái, ăn quả mận đầu mùa, tắm các loại lá đắng nên thuốc, như: Lá đào, lá kim ngân để tránh rôm sảy, mẩn ngứa..., làm cho con người khỏe mạnh chống chọi được thời tiết nắng gắt, khắc nghiệt của mùa hè.
Tết Khoăn vài (vía trâu), là Tết thu vía, trả công cho trâu, bò và trẻ em mục đồng chăn thả coi sóc trâu, bò sau vụ mùa cày cấy vất vả mọi bề đã hoàn thành. Tết Khoăn vài tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Sáu âm lịch hằng năm. Bà con làm xôi, bánh, bún, thịt gà, vịt cúng thần nông xin trả lại vía cho trâu, bò. Ngày ấy, con trẻ đi chăn thả trâu, bò, người lớn trong nhà gói cho bánh trái, bún và những chiếc đùi vịt, đùi gà to béo ngậy để chúng ăn cùng nhau, có ý động viên, khuyến khích mục đồng. 
Tết Rằm tháng Bảy (Tết Trung nguyên), tổ chức vào ngày 15 tháng Bảy âm lịch, là Tết lớn thứ 2 sau Tết Nguyên đán. Người Tày thịt vịt, làm bún, bánh gai, bánh rợm để thờ cúng tổ tiên và các vong hồn không nơi chốn. Có gia đình khá giả mổ hẳn con lợn để ăn hoặc chung nhau. Tết Rằm tháng Bảy là dịp để các đôi vợ chồng, con cái mang theo lễ vật về thăm bên ngoại tỏ lòng biết ơn ông bà, các cụ ngoại.
Tết Trung thu, vào đêm 15 tháng Tám âm lịch, là dịp tổ chức vui chơi cho thiếu nhi. Phẩm vật đặc trưng là bánh nướng, tiếng Tày là "pẻng hai" (bánh trăng), bưởi, hồng. Mọi hoạt động vui chơi, rước đèn ông sao, đèn lồng, phá cỗ đều diễn ra dưới ánh trăng rằm. Ngày này, người ta kiêng không ăn thịt cá chép mà còn thả cá chép nhỏ để cho cá vọng nguyệt (ngắm trăng).
Tết mừng cơm mới (Tết Trùng cửu), tổ chức vào ngày 9 tháng Chín âm lịch. Các món ăn đặc trưng là xôi trám đen, xôi đỗ, thịt gà, các loại cốm bằng lúa nếp non đầu mùa.
Tết Trùng thập (ngày 10 tháng Mười âm lịch), tổ chức sau khi hoàn tất mùa gặt, người ta làm bánh dày để ăn, có ý nghĩa rửa và trả công cái nhíp cắt lúa.
Tết Đông chí, đúng vào ngày đông chí hằng năm, thời tiết giá lạnh, người Tày làm bánh trôi, còn gọi là phù noòng (cóng phù), là thứ bột gạo nếp nhào nước nặn thành viên tròn, thả xuống nồi nước đường phên sôi với vài lát gừng. Bát cóng phù làm cho người ấm hẳn lên và dễ chịu trong tiết trời rét buốt.
Về Lễ hội, người dân tộcTày có những lễ hội sau:
Lễ mừng thọ, khi con người đã tới các tuổi: 49, 61, 73, 85, 100 thì ứng với các chữ: Phúc, thọ, khang, ninh, kỳ ry; con cháu trong nhà mời thầy cúng đến làm lễ và thông báo cho nội tộc, bạn bè gần xa đến chia vui, mừng thọ.
Lễ Cấp sắc (lễ phong sắc), là lễ của những người hành nghề mo, then, bụt, tào tổ chức sắc phong chứng chỉ cho người đã trưởng thành trong nghề.

Lễ hội Xuân. Ảnh: Văn Học

Lễ hội Lồng tổng (xuống đồng), được tổ chức sau Tết Nguyên đán, thể hiện sự khởi đầu vào mùa vụ mới trong năm. Có làng mời người cao tuổi đức độ, phúc hậu, gia đình làm ăn khấm khá đến cày luống đầu tiên. Trong lễ hội bà con náo nức, tin tưởng mùa vụ năm nay sẽ thành công, với các hoạt động vui chơi: tung còn, chọi gà, chọi chim, chơi cờ, hát lượn giao duyên...
Lễ hội Nàng Hai (nàng Trăng), là lễ hội cầu mùa, được tổ chức ở một số nơi trong các huyện: Quảng Uyên, Phục Hòa, Hạ Lang.
So với các dân tộc khác trong tỉnh, người Tày có lễ, Tết phong phú và đa dạng.

Vi Đức Hồi (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét