Cơn gió heo may cuối đông rét và khô, làm cứng dần những hạt sữa
trắng ngần trong từng bông lúa, rút cạn dần màu xanh tươi và rưới sắc vàng giòn
rộm lên những dải ruộng bậc thang kéo dài đến tận chân trời. Ấy là lúc Tết sắp gõ
cửa nhà ngườidân tộc Mông.
Tết đến, ngày tháng của màu sắc đến. Đó là màu trắng, hồng của hoa
ban, hoa đào. Là màu xanh non của cây rừng mới nhú dưới những đợt mưa xuân rả
rích quyện trong làn khói trắng của sương lạnh. Là sắc đỏ, xanh, vàng rực rỡ
trong những tà áo mới, trong những quả pao ném lên, ném theo cả những câu ca, cả
những lời hứa hẹn, cả những mơ ước lên bầu trời của năm mới. Là sắc hồng tươi
thắm trên môi của những đứa trẻ thơ cùng ánh mắt đen láy lấp lánh vui sướng.
So với Tết của người Kinh, Tết người dân tộc Mông khác lắm. Lịch
của người Kinh đếm theo ngày, lịch người Mông đếm theo sắc vàng của ruộng lúa. Ở
trên vùng cao quanh năm sương mờ này, chẳng có tiếng pháo hoa điểm đúng giờ
phút giao thừa, chỉ có tiếng gà gáy vào sáng “mùng Một”. Đối với họ đó mới là
cái mốc đánh dấu một năm mới bắt đầu. Cũng chẳng có mâm cơm cúng giao thừa
với mâm ngũ quả, con gà luộc, thay vào đó là tục cúng ma nhà bằng một con lợn sống
và một con gà sống. Món “bánh chưng” của người Mông chính là những chiếc bánh
dày trắng mịn từ gạo nếp nương mới gặt, giản dị mà làm rất cầu kì…
Nhìn như hai thế giới khác nhau, với những phong tục khác biệt mà
nhiều khi còn trở thành trái ngược. Ấy vậy mà ẩn sâu trong đó ta vẫn thấy hồn
Việt bám chặt. Bám trong cái không khí tụ họp gia đình đầm ấm trong năm mới, ấm
trong những ước mơ, khát khao, dự định. Người dân tộc Mông có những mong ước
giản dị lắm. Họ chỉ mong những đồi chè xanh non hơn, mong đàn gà chóng lớn,
không bị chết đồng loạt vì dịch bệnh, mong cái rét đông năm nay bớt buốt cho những
đôi chân trần đi đất. Em nhỏ mong muốn được thêm sách, thêm vở, được tiếp tục
đi học… Những ước mơ giản đơn đến đáng thương mà nhiều khi trở nên xa vời khó
thực hiện.
Tết người dân tộc Mông rực rỡ mà buồn. Phải
chăng là bởi sắc màu rực rỡ bừng lên trong vài ngày Tết là rất ngắn ngủi, so với
cái cuộc sống đầy khó khăn, vất vả, thiếu thốn dai dẳng của họ? Phải chăng là bởi
những sắc màu ấy, dù rực rỡ và nổi bật đến mức nào, cũng luôn được bao bọc
trong làn khói sương mờ ảo của núi rừng miền núi. Hơi sương mờ toả lại làm tôi
nghĩ đến tương lai của những con người ở chốn xa xôi ấy, cũng mờ ảo, bất định
như vậy…
Mai Văn Kháng (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét